Kiến nghị bổ nhiệm suốt đời thẩm phán Tòa Tối cao

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: ĐỨC MINH

Theo (PLO)- Có hai luồng ý kiến khác nhau về đề xuất bổ nhiệm thẩm phán suốt đời, mỗi bên đều đưa ra những lập luận khá khoa học.

Ngày 14-12, TAND Tối cao phối hợp cùng Liên minh châu Âu (EU) và Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo báo cáo đánh giá năm năm thi hành Luật Tổ chức TAND 2014.

Nên bổ nhiệm thẩm phán suốt đời?

Theo dự thảo báo cáo, quy định nhiệm kỳ tuy đã có đổi mới nhưng vẫn cần được cân nhắc thêm vì chưa tạo tâm lý yên tâm công tác cho các thẩm phán. Trong khi đó, thời gian thực hiện quy trình bổ nhiệm lại tương đối dài.

Dự thảo đề nghị sửa đổi Điều 74 theo hướng bổ nhiệm không có nhiệm kỳ (bổ nhiệm suốt đời) nhằm tạo điều kiện cho thẩm phán trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng xét xử. Đối với những thẩm phán không đủ điều kiện thì đã có quy định về cách chức thẩm phán theo quy định tại Điều 82 của luật.

Đồng tình, đại diện TAND TP Hà Nội cho rằng quy định hiện hành chưa hợp lý, ít nhiều tạo tâm lý không yên tâm làm việc của thẩm phán, ngoài ra phải thực hiện nhiều lần quy trình bổ nhiệm lại gây mất thời gian. “Thực tiễn có tình trạng nhiều thẩm phán hết nhiệm kỳ nhưng chưa được bổ nhiệm lại” – vị này dẫn chứng.

Vị này cũng băn khoăn trường hợp chánh án, phó chánh án hết nhiệm kỳ thẩm phán (có thể đang được xem xét bổ nhiệm lại hoặc phải tạm dừng một thời gian) nhưng vẫn còn nhiệm kỳ lãnh đạo. Vậy những trường hợp này như thế nào, có được tiếp tục điều hành tòa án không, có được ký những văn bản về tố tụng hay chỉ ký những văn bản hành chính?

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TAND Tối cao Ngô Văn Nhàn đồng tình với đề nghị bổ nhiệm thẩm phán suốt đời nhưng cần có lộ trình thực hiện. Theo ông Nhàn, trước hết có thể áp dụng với đối tượng là thẩm phán TAND Tối cao do Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước bổ nhiệm.

Thẩm phán Tòa Tối cao là ngạch thẩm phán đặc biệt với những tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm rất cao. Để có được các tiêu chuẩn, điều kiện này, họ phải trải qua một quá trình công tác lâu dài, năng lực và uy tín đã được thể hiện, ghi nhận qua vài chục năm công tác và là những người tuổi đã cao.

Ông Nhàn nói: “Luật 2014 quy định nhiệm kỳ của thẩm phán TAND Tối cao cũng giống như nhiệm kỳ của thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp là chưa phù hợp, chưa phản ánh được vị trí pháp lý đặc biệt của thẩm phán TAND Tối cao”. Từ đó, ông đề xuất Quốc hội cho phép kéo dài nhiệm kỳ của thẩm phán TAND Tối cao theo hướng được bổ nhiệm không thời hạn cho đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác.

Điều kiện về thể chất của thẩm phán

Tại hội thảo, Chánh án TAND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Thế Lệ nói ông đã chín năm làm chánh án tỉnh nên thấu hiểu vấn đề mà hội thảo đưa ra. Ông không đồng tình với đề xuất bổ nhiệm thẩm phán suốt đời. “Thẩm phán có rất nhiều quyền lực. Chúng ta phải có cơ chế năm năm, 10 năm để tránh việc có quyền lực suốt đời” – ông Lệ nói.

Ông Lệ đặt câu hỏi: Thẩm phán đã đủ vững vàng về tư tưởng chính trị và bản lĩnh trước tác động về vật chất hay chưa? Theo ông, thẩm phán so với một số ngành, phông nền kiến thức xã hội còn hạn chế.

Ông Lệ phát biểu: “Một số đồng chí ra ngoài tiếp cận thông tin về thời sự, chính trị, kinh tế – xã hội, nắm bắt tình hình để bổ trợ cho công tác chuyên môn còn hạn chế, lạc hậu lắm. Tòa án cứ quanh quẩn hồ sơ, điều nọ điều kia nhưng nhiều việc kiến thức về chính trị, kinh tế, hành chính rất ít…”.

Theo ông, khi bổ nhiệm thì thẩm phán nên qua lớp bồi dưỡng về kinh tế, hành chính để có nhãn quan về địa chính trị của một tỉnh, một địa phương. Ông Lệ nêu lại hướng dẫn của Vụ Tổ chức, một trong những điều kiện khi sơ tuyển lựa chọn thẩm phán là nam cao 1,6 m, nữ cao 1,53 m.

“Tất nhiên nhiều người nhỏ thông minh lắm nhưng nên chăng, điều kiện về thể chất phải bằng trung bình của người Việt trở lên. Vừa rồi một số đồng chí thấp bé nhẹ cân lắm. Tên không có, tướng không có, chưa nói nội hàm bên trong…” – ông Lệ nói.

Thẩm phán phải độc lập

Tại hội thảo, bà Sitara Syed, Phó Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh các tiêu chuẩn và điều kiện quốc tế về tính độc lập của ngành tư pháp được xây dựng dựa trên các cơ sở. Đó là các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc về tính độc lập của tòa án năm 1985 và Tuyên bố Bắc Kinh về tính độc lập tư pháp của Hiệp hội Luật châu Á – Thái Bình Dương năm 1997.

Các nguyên tắc này đưa ra các nội dung thiết yếu về tính độc lập tư pháp, gồm: Độc lập về thể chế, trong xét xử và độc lập về tài chính của tòa án. Nếu thiếu các nội dung này, tòa án không thể thực hiện quyền tư pháp của mình một cách độc lập và công bằng.

“Cơ quan tư pháp chỉ có thể độc lập khi tòa án hoạt động như một thể chế riêng và các thẩm phán cũng hoàn toàn độc lập” – bà Sitara Syed nhấn mạnh.

Theo plo.vn 

ĐỨC MINH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN