Kinh tế tư nhân, động lực quan trọng của nền kinh tế

Vai trò cột trụ của kinh tế tư nhân đang được nhìn nhận, đánh giá đúng. Ảnh minh hoạ: Vũ Long

Vai trò cột trụ của kinh tế tư nhân đang được nhìn nhận, đánh giá đúng. Ảnh minh hoạ: Vũ Long

Qua gần 35 năm đổi mới, Đảng đã ban hành nhiều Nghị quyết khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân. Kinh tế tư nhân được coi là một động lực quan trọng của nền kinh tế để phát triển trong thời kỳ mới.

Kinh tế tư nhân – cột trụ của nền kinh tế

Thống kê cho thấy, tính theo số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động có kết quả kinh doanh bình quân trong giai đoạn 2016-2018, thì nước ta có 558.703 DN, trong đó doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có 540.548 DN, chiếm 96,8%; khối FDI có 15.686 DN, chiếm 2,8%; và DN nhà nước (DNNN) có 2.469 DN, chiếm 0,4% tổng số DN hoạt động.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Chi Lan, bên cạnh DN thuộc khu vực chính thức, nước ta còn có trên 5,2 triệu đơn vị kinh doanh theo dạng hộ gia đình, được coi là khu vực phi chính thức, gấp 7 lần khu vực chính thức và đây là tiềm năng dồi dào để đóng góp vào tăng trưởng khối DNTN.

Bàn về vai trò của DNTN, mới đây, tại Hội thảo “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”, phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội…

Đặc biệt lực lượng DNTN đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; hình thành nhiều thương hiệu có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Thực tế những tên tuổi của các thương hiệu như Vinamilk, TH True milk, Thaco, Vinfast… đã khẳng định được vị thế của sản phẩm Việt Nam, mang tầm quốc tế và có ảnh hưởng lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài các mặt hàng nông sản như gạo, càphê, hồ tiêu, hạt điều… thì nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp của Việt Nam đã được thế giới biết tên, trong đó, ôtô Vinfast là một minh chứng.

Kinh tế tư nhân cần được quan tâm, đầu tư xứng đáng

Theo ông Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng CIEM – trong những năm qua, Nhà nước đang từng bước thay đổi tư duy quản lý. Nếu như trước đây Nhà nước được coi là một chủ thể đứng trên, quản lý và bao trùm thị trường và xã hội, thì đến nay tư duy quản lý đã được đổi mới theo cách nhìn nhận Nhà nước như một trong ba chủ thể: Nhà nước, thị trường/doanh nghiệp và xã hội. Ngoài ra, phương thức quản lý Nhà nước cũng đã được thay đổi rõ nét thể hiện sự thay đổi về chức năng quản lý nhà nước như sau: Định hướng, quy hoạch và điều tiết phát triển kinh tế; tạo lập khung khổ pháp luật, môi trường thể chế cho phát triển kinh tế; can thiệp gián tiếp vào đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp và phân bổ nguồn lực phát triển kinh tế; thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi chính sách, pháp luật.

Để phát triển kinh tế tư nhân, trong giai đoạn 2021-2030 cần tiếp tục tạo không gian phát triển, tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân, đặc biệt DNTN khai thác, sử dụng nguồn lực quốc gia phân bổ lại từ khu vực kinh tế nhà nước cho phát triển; đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước tại các DN mà nhà nước không cần nắm giữ vốn, giảm tối đa mức nắm giữ cổ phần nhà nước… cần được thực hiện một cách căn cơ, bài bản.

TS Nguyễn Đình Cung – Nguyên Viện trưởng CIEM – Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế – Xã hội, cho rằng: Trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 10 năm (2021-2030), phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, cần tập trung vào các vấn đề cốt lõi: Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh;

Chuyên gia kinh tế cấp cao – bà Phạm Chi Lan – cũng khẳng định: Để khu vực tư nhân có thể trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, có rất nhiều việc phải làm từ cả phía nhà nước và phía DN. Phía nhà nước cần tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, lành mạnh. Còn với khu vực kinh tế tư nhân, việc quan trọng nhất là nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, góp phần hiện đại hóa nền kinh tế để phát triển cao và bền vững trong những thập niên tới.

Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt, cụ thể như: Năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp; năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn yếu và lạc hậu; tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu…

Những điểm tồn tại, hạn chế này của khu vực kinh tế tư nhân trên có một phần nguyên nhân xuất phát từ rào cản thể chế. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ rõ, những rào cản đó liên quan tới nguồn lực, tiếp cận công nghệ, mặt bằng, hạ tầng, đặc biệt là bản thân các doanh nghiệp tư nhân phần lớn còn ở quy mô nhỏ, khả năng tiếp cận còn hạn chế, thậm chí nhiều trong số đó chưa sẵn sàng cho đột phá phát triển.

“Cơ quan quản lý phải đặt lợi ích của doanh nghiệp lên trên hết, tập trung giải phóng, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nội lực, tạo điều kiện kinh tế tư nhân phát triển. Mỗi cơ quan quản lý, cán bộ cần tự giác làm tốt trách nhiệm, cần phải thay đổi tư duy quản lý nhà nước theo hướng kiến tạo, cởi mở để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ý kiến.

Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, mục tiêu tổng quát là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức sáng tạo, ý chí và sức mạnh toàn dân tộc, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống hạnh phúc của người dân; không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Kh.V

Khánh Vũ

Theo laodong.vn

Nguồn bài viết: https://laodong.vn/thoi-su/kinh-te-tu-nhan-dong-luc-quan-trong-cua-nen-kinh-te-900463.ldo

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN