Lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, xúc phạm uy tín bị xử lý ra sao?

Hành vi lợi dụng mạng xã hội để “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Lợi dụng mạng xã hội để xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, cá nhân bị xử lý thế nào?

Thời gian gần đây, có tình trạng một số người đã cố tình cắt ghép, xuyên tạc lời nói, hình ảnh cá nhân hay tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, báo chí… sau đó đưa lên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu với hình ảnh, tác phẩm đó.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết việc làm như trên đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm về quyền sở hữu hình ảnh của cá nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự, hay thậm chí là có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Ví dụ điển hình là mới đây Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang đã khởi tố vụ án hình sự “Làm, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” đối với vụ việc có đối tượng đã cắt, ghép, đăng tải lên mạng xã hội lời nói của Đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang, với nội dung kích động chống lại Đảng và Nhà nước; xúc phạm danh dự, nhân phẩm lãnh đạo tỉnh An Giang; kích động gây mâu thuẫn, chia rẽ đoàn kết nội bộ và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân Đại tá Đinh Văn Nơi.

Việc cắt ghép, dàn dựng các tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật, báo chí… mà không xin phép cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu hợp pháp còn có dấu hiệu vi phạm về pháp luật Sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, việc sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả là hành vi xâm hại quyền tác giả (Khoản 5, Điều 28 Luật Sở hữu Trí tuệ 2019).

Hành vi sử dụng hình ảnh của người khác để cắt ghép, xuyên tạc đăng lên mạng xã hội với thông tin sai sự thật; ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm của người đó thì người vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 và một khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Ngoài ra, Điểm a, Khoản 1 và Khoản 3, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP  quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, có quy định hành vi lợi dụng mạng xã hội để “cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng. Đồng thời, buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

Theo Đức Long

Laodong.vn

Nguồn: https://laodong.vn/phap-luat/loi-dung-mang-xa-hoi-de-xuyen-tac-xuc-pham-uy-tin-bi-xu-ly-ra-sao-964976.ldo

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN