Một số điểm khác biệt cơ bản giữa thủ tục Tố tụng dân sự và thủ tục Tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án theo thủ tục sơ thẩm và phúc thẩm

Trong quá trình kiểm sát giải quyết vụ án về lĩnh vực dân sự nói chung (bao gồm giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động) Viện KSND áp dụng các quy định của thủ tục tố tụng dân sự (thủ tục TTDS) và các văn bản Luật chuyên ngành có liên quan. Khi kiểm sát giải quyết các khiếu kiện về hành chính, Viện KSND áp dụng các quy định của thủ tục tố tụng hành chính (thủ tục TTHC). Do cùng là các thủ tục tố tụng về tư pháp nên thủ tục tố tụng dân sự và thủ tục tố tụng hành chính có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên do tính chất đặc thù của quan hệ tranh chấp, giữa hai thủ tục tố tụng nói trên vẫn có những quy định khác nhau về những vấn đề giống nhau đòi hỏi những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng phải phân biệt được để vận dụng, thực hiện cho đúng với quy định pháp luật hiện hành. Chúng tôi đưa ra một số nội dung khác biệt cơ bản trong thủ tục tố tục dân sự và thủ tục tố tụng hành chính (Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính năm 2015) để bạn đọc nghiên cứu, vận dụng trong quá trình giải quyết án.

Th nhất:  Về thời hạn xem xét đơn khởi kiện của thẩm phán

Trong TTHC: 3 ngày làm việc (Điều 121 Luật TTHC 2015)

Trong TTDS: 5 ngày làm việc (Điều 191 Bộ luật TTDS 2015)

Thứ 2: Các trường hợp trả lại đơn khởi kiện

Trong TTDS có quy định việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp người khởi kiện rút lại đơn khởi kiện (Điều 192/BLTTDS) nhưng TTHC không quy định trường hợp này (Điều 123/ Luật TTHC) mà quy định Tòa án trả lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ cho đương sự nếu có yêu cầu khi ra Quyết định đình chỉ vụ án (Khoản 2, Điều 143 Luật TTHC). Để khắc phục hạn chế này, theo ý kiến của người viết khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì Tòa án cần phải có văn bản trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện để đương sự thực hiện quyền khiếu nại của mình (nếu có).

Thứ 3: Về khiếu nại, kiến nghị đối với việc trả lại đơn khởi kiện

Thời hạn khiếu nại, kiến nghị đối với việc trả lại đơn khởi kiện và thời hạn khiếu nại, kiến nghị đối với quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị (quyết định GQKN,KN) về việc trả lại đơn khởi kiện trong TTHC là 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện hoặc nhận được quyết định GQKN,KN về việc trả lại đơn khởi kiện. (Điều 124 Luật TTHC).

Trong TTHC chỉ có 2 cấp GQKN,KN. Quyết định GQKN,KN của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp là quyết định cuối cùng.   (Điều 124 Luật TTHC).

Còn đối với thời hạn khiếu nại, kiến nghị đối với việc trả lại đơn khởi kiện và thời hạn khiếu nại, kiến nghị đối với quyết định GQKN,KN về việc trả lại đơn khởi kiện trong TTDS là 10 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện hoặc nhận được quyết định GQKN,KN về việc trả lại đơn khởi kiện. (Điều 194 BLTTDS).

Trong TTDS việc GQKN,KN được thực hiện theo 3 cấp. Quyết định GQKN,KN của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp chỉ là quyết định có hiệu lực thi hành, đương sự hoặc Viện kiểm sát vẫn có quyền khiếu nại, kiến nghị đến Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao. Quyết định GQKN,KN của Chánh án Tòa án Tòa án nhân dân cấp cao mới là quyết định cuối cùng. (Điều 194 BLTTDS)

Thứ 4: Đương sự là cơ quan, tổ chức

Đối với quy định tại Khoản 11, Điều 3 và Khoản 3, Điều 60 Luật TTHC 2015 thì các cơ quan, tổ chức không có tư cách pháp nhân sẽ không được tham gia tố tụng với tư cách là đương sự trong TTHC.

Tuy nhiên với quy định tại Khoản 5, Điều 74 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật TTDS 2015) thì các cơ quan, tổ chức không có tư cách pháp nhân vẫn có thể là đương sự trong TTDS: “Trường hợp tổ chức không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự mà người đại diện đang tham gia tố tụng chết thì tổ chức đó phải cử người khác làm đại diện để tham gia tố tụng; nếu không cử được người đại diện hoặc tổ chức đó phải chấm dứt hoạt động, bị giải thể thì các cá nhân là thành viên của tổ chức đó tham gia tố tụng”.

Thứ 5:  Người đại diện của đương sự trong tố tụng

Trong TTHC, cán bộ, công chức trong các cơ quan Thanh tra, Thi hành án, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an không được làm người đại diện, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật  (Điều 60 Luật TTHC)

Nhưng trong TTDS thì cán bộ, công chức trong các cơ quan Thanh tra, Thi hành án vẫn được làm người đại diện. Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an có được làm người đại diện trong TTDS hay không thì vẫn còn những quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng theo quy định tại Khoản 3 Điều 87 Bộ luật TTDS 2015 thì: ” Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong TTDS, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật” nên sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an không được làm người đại diện trong TTDS.

Quan điểm thứ hai thì theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Luật Cán bộ, công chức thì sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân không phải là công chức. Do đó, sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân được làm người đại diện trong TTDS. Khoản 2, Điều 4 quy định: “…. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.”

Vẫn còn có nhiều quan điểm khác nhau nhưng hiện chưa có văn bản hướng dẫn để thống nhất áp dụng.

Thủ tục TTHC quy định đại diện được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ 3 (Khoản 5 Điều 60 Luật TTHC 2015), Thủ tục TTDS không có quy định này. Riêng đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng (Điều 85 BLTTDS)

Thứ 6: Việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trong TTHC người yêu cầu áp dụng biện pháp khản cấp tạm thời không phải thực hiện biện pháp bảo đảm (Điều 66 Luật TTHC). Trong TTDS, đối với một số yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, người yêu cầu phải thực hiện biện pháp bảo đảm (Điều 136 BLTTDS)

Thứ 7: Về thời hạn nộp tiền tạm ứng án phí sơ thẩm và nộp biên lai thu tiền cho Tòa án

Trong TTHC: 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền tạm ứng án phí (Điều 125 Luật TTHC)

Trong TTDS: 7 ngày kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án  về nộp tiền tạm ứng án phí. (Điều 195 BLTTDS)

Thứ 8:  Về thẩm quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật

Trong TTHC thì Chánh ánTòa án cấphuyện có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bảnquy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở xuống; đề nghị Chánh án Tòa án cấp tỉnh kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp tỉnh; báo cáo Chánh án Tòa án cấp tỉnh đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (Chánh án TANDTC) kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương.

 Chánh án Tòa án cấp tỉnh, TANDTC có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh trở xuống; đề nghị Chánh án TANDTC kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương.

Chánh ánTANDTC tự mình hoặc theo đề nghị của Chánh án Tòa án cấp dướikiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luậtcủa cơ quan nhà nước ở trung ương. (Điều 112 Luật TTHC 2015);

Trong TTDS thì chỉ có Chánh án TANDTC mới có quyền kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật còn chánh án các Tòa án khác chỉ có quyền đề nghịChánh án TANDTC kiến nghị ( Điều 221 Bộ luật TTDS 2015)

Thứ 9: Về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, vụ án hành chính và thời hiệu yêu cầu hủy quyết định hành chính

Theo quy định của thủ tục TTHC, Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án hành chính nếu thời hiệu khởi kiện đã hết (Điểm g, Khoản 1, Điều 143 Luật TTHC 2015) nhưng theo quy định của thủ tục TTDS thì Tòa án chỉ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do hết thời hiệu khởi kiện khi đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết (Điểm e, Khoản 1, Điều 217 Bộ luật TTDS 2015 (Áp dụng từ ngày 01/01/2017)).

Theo quy định của thủ tục TTHC đương sự chỉ có quyền yêu cầu hủy quyết định hành chính nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án nếu thời hiệu khởi kiện đã hết nhưng theo quy định của thủ tục TTDS thì đương sự vẫn có quyền yêu cầu hủy quyết định hành chính theo thủ tục TTDS cho dù thời hiệu yêu cầu hủy quyết định hành chính theo thủ tục TTHC đã hết.

Thứ 10: Về căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án

Trong TTHC có quy định việc Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử mà một trong các đương sự không thể có mặt vì lý do chính đáng, trừ trường hợp có thể xét xử vắng mặt đương sự (Điểm c, Khoản 1, Điều 141 Luật TTHC 2015) nhưng Thủ tục TTDS không có quy định về việc Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp này (Điều 214/ BLTTDS). Do vậy nếu xảy ra trường hợp này thì việc giải quyết vụ án của Tòa án chắc chắn sẽ quá hạn vì Tòa án không thể mở phiên tòa hoặc tạm đình chỉ giải quyết vụ án được.

Thứ 11: Về thời hạn gửi bản án, quyết định phúc thẩm

 Theo quy định của thủ tục TTHC: 30 ngày kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm.(Điều 244/Luật TTHC)

Theo thủ tục TTDS: 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm. Trường hợp Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể dài hơn, nhưng không quá 25 ngày.(Điều 315/BLTTDS)

Thứ 12: Về việc tham gia phiên tòa của đại diện Viện kiểm sát

Trong TTHC đại diện Viện kiểm sát tham gia tất cả các phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm (Điều 25/Luật TTHC). Trong TTDS đại diện Viện kiểm sát chỉ tham gia phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm trong một số trường hợp mà pháp luật có quy định (Điều 21/BLTTDS).

Ngoài ra còn một số điểm khác biệt khác giữa 2 thủ tục tố tụng nói trên mà người viết chưa liệt kê hết. Để bảo đảm sự thống nhất trong các quy định của pháp luật về thủ tục tố tụng tư pháp, nên chăng có sự nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục TTHC và thủ tục TTDS cho phù hợp để tránh sự nhầm lẫn trong quá trình kiểm sát giải quyết các loại án nói trên.

Tố Phong

Nguồn bài viết: https://vksbinhdinh.gov.vn/newsdetail.asp?newsID=71868&cat1id=3&Cat2id=19

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN