Một số vấn đề về xác định nội dung pháp luật nước ngoài khi giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài

Ths. VÕ HƯNG ĐẠT (Giảng viên Bộ môn Tư pháp quốc tế – Luật So sánh, Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM) – Khi giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, một tình huống có thể xảy ra là Tòa án Việt Nam phải áp dụng pháp luật nước ngoài. Trong bài viết này, thông qua việc nghiên cứu pháp luật một số nước cũng như pháp luật Việt Nam, tác giả sẽ có góc nhìn so sánh về một số vấn đề liên quan đến xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài.

Dẫn nhập

Trường hợp Tòa án Việt Nam giải quyết tranh chấp về thừa kế có yếu tố nước ngoài, theo Điều 680 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) thì: “Thừa kế được xác định theo pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch ngay trước khi chết”. Như vậy, nếu người để lại di sản có quốc tịch nước ngoài thì Tòa án phải áp dụng pháp luật nước ngoài đó. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để Tòa án biết được nội dung của pháp luật nước ngoài? Đây là một bước rất cần thiết và quan trọng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài, giúp bản án được được giải quyết đúng luật, bảo vệ quyền lợi cho các bên tranh chấp.

1. Chủ thể có nghĩa vụ xác định và cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài

Sự cần thiết của việc tìm kiếm nội dung của pháp luật nước ngoài khi giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là điều không cần bàn cãi. Vậy nghĩa vụ này sẽ được giao cho chủ thể nào ? Thông thường, khi nói về vấn đề này chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Tòa án bởi đây là cơ quan giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng theo quan điểm như vậy.

1.1. Hai quan điểm về nghĩa vụ xác định và cung cấp pháp luật nước

Quan điểm thứ nhất cho rằng nghĩa vụ tìm kiếm nội dung pháp luật nước ngoài thuộc về chính các đương sự. Hoa Kỳ[1], Vương quốc Anh và các nước trong khối Thịnh vượng chung theo quan điểm này. Theo đó, việc xác định một vụ việc yếu tố nước ngoài hay không, cũng như pháp luật nước ngoài có được áp dụng hay không được xem như một vấn đề về tình tiết của vụ việc. Điều này có nghĩa nội dung pháp luật nước ngoài sẽ được xem như là một trong các chứng cứ, nếu bên đưa ra không chứng minh được thì sẽ không được chấp nhận. Tòa án không được phép nêu ra và chứng minh luật nước ngoài[2]. Quan điểm này còn được biết đến là “Học thuyết chứng cứ” (fact doctrine) [3].

Điều này xuất phát từ nguyên tắc tranh tụng cũng như vai trò “thụ động” của các thẩm phán đối với việc giải quyết tranh chấp. Ở đó, các bên phải trình bày, chứng minh các tình tiết còn Tòa án đóng vai trò “quan sát viên”, là trọng tài của hai bên. Tại các nước này, việc xác định và cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài không phải là nghĩa vụ hay quyền lực của các thẩm phán mà được trao cho các bên đương sự. Trong trường hợp một bên cho rằng cần phải áp dụng pháp luật nước ngoài thì họ phải chứng minh điều đó, cùng với việc cung cấp nội dung của pháp luật cần được áp dụng.

Ngược lại với các cách tiếp cận đầu tiên, Các nước các nước như Bulgaria, Hungary, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Thụy Sĩ, Slovakia, Ý, Slovenia, lại cho rằng Tòa án phải có nghĩa vụ tìm kiếm và xác định nội dung pháp luật nước ngoài. Cách tiếp cận này được giải thích một phần bởi các đặc điểm thẩm tra của các thủ tục dân sự ở các nước này. Như theo quan điểm của Tobias Asser – một học giả người Hà Lan, thì thẩm phán phải tự thân mình áp dụng pháp luật nước ngoài bởi vì nghĩa vụ của thẩm phán là giải quyết các tranh chấp theo luật, kể cả luật áp dụng là luật nước ngoài và dù các đương sự không đề xuất việc này[4]. Có thể thấy khác với quan điểm đầu tiên, thẩm phán đang được giao một vai trò tích cực trong việc tìm hiểu thực tế các vấn đề của vụ việc. Điều này cũng hoàn toàn hợp lý bởi nó liên quan đến nhiệm vụ chuyên môn của họ là áp dụng pháp luật. Mà việc xác định nội dung pháp luật nước ngoài lại ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung giải quyết tranh chấp.

Các quy định cụ thể về nghĩa vụ cung cấp pháp luật nước ngoài của Tòa án như Điều 16 Luật Tư pháp quốc tế Thụy Sỹ: “Nội dung của pháp luật nước ngoài do cơ quan xét xử tự xác định. Sự trợ giúp của các bên có thể được yêu cầu”. Luật Tư pháp quốc tế Bỉ cũng có quy định tương tự: “Thẩm phán có thể yêu cầu sự hợp tác của các bên nếu không thể tìm kiếm được nội dung pháp luật nước ngoài[5]. Hay theo Điều 14 Luật Tư pháp quốc tế Ý năm ngày 31/5/1995, đã quy định: “Thẩm phán tự xác định nội dung của pháp luật nước ngoài”. Pháp luật Liên bang Nga cũng cho rằng nghĩa vụ chứng minh pháp luật nước ngoài thuộc về Tòa án, tuy nhiên các bên cũng được yêu cầu trợ giúp trong một số vụ việc[6]. Ở Pháp, ngày 28/6/2005, Phòng Thương mại và Phòng dân sự số 01 Tòa án tư pháp tối cao Pháp đã đi đến sự thống nhất rằng, khi thừa nhận pháp luật nước ngoài được áp dụng, Thẩm phán có nghĩa vụ, do yêu cầu của một bên hay tự ý, tìm kiếm nội dung pháp luật nước ngoài, sự tìm kiếm này có thể thực hiện với sự trợ giúp của các bên[7].

Như vậy, qua khảo sát pháp luật các nước, có thể thấy chủ thể có nghĩa vụ cung cấp pháp luật nước ngoài được xác định là Tòa án (thẩm phán) hoặc chính các đương sự. Tuy nhiên, ngay cả ở những nước giao trách nhiệm cho Tòa án thì các bên đương sự cũng có trách nhiệm nhất định trong việc hỗ trợ, tìm kiếm nội dung pháp luật nước ngoài để cung cấp cho thẩm phán.

1.2. Nghĩa vụ xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài theo pháp luật Việt Nam

Pháp luật Việt Nam trong một thời gian dài trước đây gần như không có quy định nào về áp dụng pháp luật nước ngoài nói chung cũng như nghĩa vụ tìm kiếm pháp luật nước ngoài nói riêng. Phải đến 2015, khi Bộ luật Tố tụng dân sự mới (BLTTDS 2015) ra đời thì mới có một quy định cụ thể về nghĩa vụ này. Nhìn chung quy định tại Điều 481 BLTTDS 2015 là khá tiến bộ và hợp lý về chủ thể có nghĩa vụ xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài.

Theo đó, Việt Nam theo quan điểm Tòa án là chủ thể có nghĩa vụ xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài. Điều này là rất phù hợp với thực tế ở Việt Nam, bởi Tòa án là cơ quan chuyên trách, có chức năng xét xử, giải quyết vụ việc nên sẽ có nhiều công cụ và điều kiện để thực hiện công việc này[8]. Bên cạnh đó, điều này còn thể hiện sự thống nhất với nghĩa vụ áp dụng pháp luật nước ngoài của quốc gia. Khi quốc gia ban hành quy phạm xung đột để thừa nhận áp dụng pháp luật nước ngoài thì phải có trách nhiệm tìm kiếm nội dung của nó, thông qua cơ quan chuyên trách là Tòa án và thẩm phán.

Ngoài ra, giống với các nước theo quan điểm này, Việt Nam cũng cho phép các bên trong tranh chấp được cung cấp pháp luật nước ngoài, có nghĩa đây chỉ là quyền chứ không phải nghĩa vụ. Đây là sự bổ sung cần thiết bởi trong nhiều trường hợp, đương sự đã có sự nghiên cứu và tìm hiểu nội dung của pháp luật nước ngoài trong quá trình tham gia vào quan hệ. Đồng thời các bên là chủ thể trực tiếp tham gia vào quan hệ nên quyền lợi của họ sẽ gắn chặt với vụ việc đang xét xử, việc cho phép đương sự tham gia với tư cách hỗ trợ cũng là cách để bảo vệ quyền lợi của họ.

Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý là trong trường hợp các đương sự đã chủ động lựa chọn pháp luật nước ngoài để áp dụng cho quan hệ của họ thì nghĩa vụ cung cấp pháp luật nước ngoài lúc này sẽ thuộc về các bên[9]. Quy định này cũng khá hợp lý bởi khi họ đã chủ động chọn luật của nước nào thì tất nhiên phải biết được nội dung của luật nước đó. Trong trường hợp các bên không thống nhất được với nhau thì nội dung pháp luật nước ngoài sẽ được xác minh lại thông qua cơ chế của Tòa án.

2. Cách thức tìm kiếm nội dung pháp luật nước ngoài

Rõ ràng việc tìm kiếm nội dung pháp luật nước ngoài không phải là một nhiệm vụ đơn giản dù cho chủ thể tìm kiếm là Tòa án hay các đương sự. Có nhiều khó khăn có thể kể ra như rào cản về ngôn ngữ, truyền thống pháp luật, tư duy pháp lý… Vậy, các chủ thể có nghĩa vụ xác định và cung cấp pháp luật nước ngoài sẽ làm điều này như thế nào?

2.1. Theo pháp luật một số quốc gia

Như đã phân tích ở mục 1., Hoa Kỳ, Vương quốc Anh cũng như các nước trong khối Thịnh vượng chung xác định nội dung pháp luật nước ngoài là một vấn đề về chứng cứ. Do đó, cách thức để tìm kiếm nội dung pháp luật nước ngoài phải tuân thủ theo các quy định về nguồn chứng cứ. Chẳng hạn, theo Luật chứng cứ dân sự năm 1972 (sửa đổi năm 1997) của Anh thì một người bất kỳ có đủ kiến ​​thức hoặc kinh nghiệm về luật có thể cung cấp bằng chứng chuyên môn về luật pháp của bất kỳ quốc gia hoặc vùng lãnh thổ nào bên ngoài Vương quốc Anh, hoặc bất kỳ phần nào của Vương quốc Anh trừ Anh và xứ Wales[10]. Từ quy định này, đương sự muốn cung cấp pháp luật nước ngoài có thể nhờ đến các luật sư, giáo sư luật, các chuyên gia để cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài. Nhưng cần chú ý rằng, các nội dung hoặc quyết định về luật nước ngoài được chứa đựng trong các nguồn phù hợp, cụ thể là dưới dạng văn bản như báo cáo, ghi chép[11].

Đối với Hoa Kỳ, Quy tắc 44.1 Bộ luật Tố tụng dân sự liên bang về xác định pháp luật nước ngoài nhìn chung khá linh hoạt và không quá khắt khe. Toà án có thể xem xét bất kỳ nguồn hay tài liệu nào có liên quan, bao gồm bản lời khai – có hoặc không được đệ trình bởi các bên tham gia quan hệ và được chấp nhận theo Luật chứng cứ liên bang[12]. Do đó, một phương pháp phổ biến được các bên sử dụng trên thực tiễn là thông qua ý kiến của các chuyên gia. Ý kiến của những chuyên gia này có thể được trình bày thông qua các báo cáo, lời khai gián tiếp hoặc trực tiếp tại Toà án[13]. Tất nhiên, các bên tranh chấp có thể tranh luận về tính xác thực, độ tin cậy cũng như nội dung của pháp luật nước ngoài được cung cấp. Ngoài ra, Toà án cũng có thể tự mình tìm hiểu để xác định tính chính xác của pháp luật nước ngoài qua văn bản luật nước ngoài, từ điển nước ngoài, sách chuyên khảo nước ngoài hoặc các công cụ pháp lý trực tuyến[14].

 Khác với các quốc gia trên, những quốc gia cho rằng nghĩa vụ chứng minh pháp luật nước ngoài thuộc về Tòa án thì cách thức xác định pháp luật nước ngoài có những điểm khác biệt. Thông thường, thẩm phán sẽ không tự mình xác định pháp luật nước ngoài dựa vào kiến thức hay sự tự tìm hiểu của bản thân mà sẽ thông qua các cơ quan chuyên môn khác. Chẳng hạn, theo Liên bang Nga thì “Với mục đích chứng minh nội dung của quy phạm pháp luật nước ngoài, tòa án có thể yêu cầu biện pháp chứng minh cho Bộ Tư pháp của Liên bang Nga và các cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền khác ở Liên bang Nga hoặc nước ngoài để giúp đỡ và giải thích hoặc có thể sử dụng sự trợ giúp của các chuyên gia[15]. Đối với các quốc gia châu Âu, Công ước về cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài năm 1968 (cùng với Nghị định thư bổ sung năm 1978) sẽ được áp dụng. Theo đó, Công ước yêu cầu các quốc gia phải thiết lập một cơ quan nhằm tiếp nhận và thực hiện các yêu cầu cung cấp pháp luật nước ngoài[16]. Khi Tòa án cần áp dụng pháp luật nước ngoài, họ sẽ thông qua cơ quan được nói trên để chuyển yêu cầu đến nước cần thiết. Công ước cùng Nghị định thư còn quy định khá đầy đủ về nội dung yêu cầu, thời hạn trả lời cũng như chi phí. Ngoài ra, các quốc gia còn có thể ký các Hiệp định song phương nhằm hỗ trợ trong việc cung cấp, trao đổi thông tin pháp luật lẫn nhau.

2.2. Theo pháp luật Việt Nam

Do chúng ta trao trách nhiệm chủ yếu cho Tòa án nên không bất ngờ khi việc xác định, cung cấp pháp luật nước ngoài được thực hiện thông qua các cơ quan nhà nước có liên quan. Cụ thể, Tòa án có thể yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài cung cấp pháp luật nước ngoài[17]. Ngoài ra, Tòa án cũng được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn về pháp luật nước ngoài cung cấp thông tin về pháp luật nước ngoài[18].

Quy định trên cơ bản là hợp lý, tuy nhiên vẫn còn khá sơ sài. BLTTDS 2015 chưa giải thích hay đưa ra tiêu chuẩn cho “cơ quan, tổ chức, cá nhân có chuyên môn”, việc cung cấp nội dung pháp luật nước ngoài được thực hiện dưới hình thức như thế nào cũng không được quy định. Ngoài ra, về quy trình tố tụng, các chuyên gia này có thể tham gia trực tiếp tại phiên tòa để trình bày, hay tranh luận về pháp luật nước ngoài hay không?… Đối với các cơ quan chuyên môn của Việt Nam, Bộ luật cũng chưa nói rõ họ sẽ tự mình hay thông qua cơ quan khác của nước ngoài để cung cấp pháp luật[19]. Nếu được cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài từ chính quốc gia đó thì độ tin cậy sẽ cao hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này một cách thuận lợi thì cần phải có Hiệp định Tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước. Hiện nay, chúng ta đã có khá nhiều Hiệp định, tuy nhiên, nội dung các Hiệp định không phải lúc nào cũng đề cấp đến việc cung cấp hay trao đổi thông tin pháp luật. Chẳng hạn, Hiệp định Tương trợ tư pháp gữa Việt Nam và Liên bang Nga, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Ba Lan có quy định về vấn đề này[20], nhưng nhiều Hiệp định khác với Pháp, Trung Quốc, Triều tiên… lại không đề cập đến.

Ngoài ra, trong trường hợp đương sự có nghĩa vụ chứng minh pháp luật nước ngoài, pháp luật Việt Nam cũng chưa có những hướng dẫn cụ thể. Rõ ràng, không giống như Tòa, đương sự không thể yêu cầu các cơ quan nhà nước như Bộ Tư pháp hay Bộ Ngoại giao hỗ trợ cho họ. Vậy họ có thể thông qua các chuyên gia để cung cấp pháp luật nước ngoài hay không? Quy định tại khoản 3 Điều 481 lại ngăn chặn quyền của đương sự khi chỉ ghi nhận Tòa án mới có quyền này. Vậy các bên phải làm gì để chứng minh pháp luật nước ngoài, nội dung pháp luật nước ngoài phải được ghi nhận như thế nào… là những câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng.

3. Cách giải quyết khi không tìm được nội dung pháp luật nước ngoài

Trên thực tế, có những trường hợp mặc dù đã nỗ lực nhưng cơ quan giải quyết tranh chấp cũng như các bên không thể tìm ra được nội dung pháp luật nước ngoài. Lúc này vụ việc sẽ được giải quyết như thế nào?

3.1. Theo pháp luật một số quốc gia

Theo luật Hoa Kỳ, Anh cùng các nước thông luật, nếu đương sự không chứng minh được pháp luật nước ngoài, nguyên tắc “suy đoán luật tương tự”[21] sẽ được vận dụng. Nguyên tắc suy đoán pháp luật tương tự cho rằng nếu không có những bằng chứng ngược lại thì pháp luật nước ngoài sẽ được xem là tương tự với pháp luật Tòa án, tương tự như Lex fori trong Tư pháp quốc tế. Nếu một bên đương sự vẫn muốn áp dụng pháp luật nước ngoài và cho rằng pháp luật này khác với nước Tòa án thì họ phải chứng minh điều đó[22]. Nếu đương sự không chứng minh được nội dung của pháp luật nước ngoài và nguyên tắc suy đoán pháp luật tương tự không được áp dụng, thì vụ việc sẽ bị đình chỉ (Dismissal) [23].

Đối với các quốc gia châu Âu, cách giải quyết khi không tìm pháp luật nước ngoài khá rõ ràng. Luật Tư pháp quốc tế Thụy Sỹ quy định: “Luật Thụy Sỹ sẽ được áp dụng nếu nội dung của pháp luật nước ngoài không thể chứng minh[24].Hay theo Bộ luật Dân sự của Liên bang Nga thì: “Nếu với các biện pháp đã được thực hiện theo điều này, nội dung quy phạm pháp luật nước ngoài không thể được chứng minh trong thời hạn hợp lý, luật Liên bang Nga sẽ áp dụng.”[25] Còn Luật Tư pháp quốc tế Bỉ quy định: “Khi một cách rõ ràng rằng nội dung pháp luật nước ngoài không thể chứng minh đúng thời hạn, luật Bỉ sẽ được áp dụng.” Pháp luật của nhiều nước khác như Ba Lan, Hungary, Ucraina, Pháp cũng đều có quy định tương tự.

Khảo sát qua pháp luật các nước có thể rút ra được hai kinh nghiệm. Thứ nhất, các quốc gia trên đều quy định việc tìm kiếm pháp luật nước ngoài sẽ được thực hiện trong một thời hạn hợp lý mà không đưa ra một thời hạn cụ thể. Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi tùy vào từng vụ việc, vào mức độ phức tạp hay thậm chí mức độ phổ biến và quen thuộc của hệ thống pháp luật cần tìm hiểu để cần thời gian tương ứng. Công ước về cung cấp thông tin pháp luật nước ngoài năm 1968 cũng theo cách quy định tương tự[26]. Theo đó, thời gian để trả lời yêu cầu cung cấp pháp luật nước ngoài là “càng sớm càng tốt”. Trong trường hợp việc cung cấp thông tin lâu hơn bình thường thì cần phải thông báo cho quốc gia yêu cầu. Thứ hai, trong trường hợp không tìm được pháp luật nước ngoài, pháp luật của nước đang xét xử sẽ được áp dụng. Điều này cũng rất hợp lý và có thể xem là một hình thức thể hiện của Lex fori. Hơn nữa, việc áp dụng luật của nước Tòa án cũng giúp Tòa án thuận lợi trong việc giải quyết vụ việc.

3.2. Pháp luật Việt Nam

Pháp luật Việt Nam hiện nay có quy định cụ thể thời hạn 06 tháng để tìm kiếm pháp luật nước ngoài[27]. Quy định như vậy có ưu điểm giúp cơ quan tố tụng cũng như các đương sự biết được chính xác họ phải cung cấp pháp luật nước ngoài trong thời gian bao lâu. Tuy nhiên, hạn chế lại khá lớn. Khác với sự linh hoạt như các quốc gia khác như phân tích ở mục 3.1, thời hạn 06 tháng này không thể thay đổi để phù hợp với từng vụ việc. Vụ việc dù phức tạp nhất thì Tòa án hay các đương sự cũng sẽ chỉ có 06 tháng để thực hiện nghĩa vụ của mình. Mà trên thực tế, thực hiện tìm kiếm nội dung pháp luật nước ngoài qua con đường tương trợ tư pháp rất phức tạp và tốn nhiều thời gian. Pháp luật Việt Nam không quy định thời hạn ủy thác tư pháp mà phụ thuộc vào quốc gia được yêu cầu. Trong khi đó, nhiều quốc gia quy định thời hạn này khá dài, có khi phải từ 06 tháng trở lên[28]. Có thể thấy, quy định như hiện nay là quá cứng nhắc và không phù hợp với thực tế.

Về hậu quả của việc không cung cấp được pháp luật nước ngoài, pháp luật Việt Nam quy định khá rõ ràng. Nếu hết thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Tòa án yêu cầu cung cấp pháp luật nước ngoài mà không có kết quả thì Tòa án áp dụng pháp luật của Việt Nam để giải quyết vụ việc dân sự đó. Quy định này tương đồng với quy định tại Điều 670 BLDS 2015 cũng như pháp luật của nhiều nước như đã phân tích trên. Bản thân quy định này thì hoàn toàn hợp lý. Nhưng nếu kết hợp với những vấn đề vừa nêu ở đoạn trên, có thể thấy, quy định hiện nay như một “cánh cửa bí mật” giúp thẩm phán áp dụng luật Việt Nam. Bởi chỉ cần Tòa án hoặc các cơ quan khác không tích cực trong việc tìm kiếm thì sau 06 tháng, pháp luật Việt Nam sẽ áp dụng.

4. Kết luận và một số kiến nghị

Qua việc nghiên cứu pháp luật của một số quốc gia, có thể thấy rằng pháp luật Việt Nam đã có những bước đầu trong việc hoàn thiện quy định về về vấn đề xác định, cung cấp pháp luật nước ngoài. Những quy định hiện nay về cơ bản đã bao quát được những vấn đề quan trọng nhất. Đặc biệt, về nghĩa vụ tìm kiếm nội dung pháp luật ngoài được quy định rất hợp lý. Tuy nhiên, khi đi sâu vào chi tiết thì còn nhiều quy định khác cần được giải thích, bổ sung.

Thứ nhất, cần làm rõ các cá nhân, cơ quan, tổ chức chuyên môn có khả năng cung cấp pháp luật nước ngoài. Có thể xây dựng một danh sách dựa trên sự thẩm định của một cơ quan chuyên môn và thường xuyên cập nhật. Hoặc quy định cụ thể hơn các chủ thể đủ điều kiện như công ty luật nước ngoài được phép hoạt động tại Việt Nam; Công ty luật Việt Nam nhưng có chi nhánh, văn phòng ở nước ngoài hoặc có luật sư là người nước ngoài; Giảng viên luật hay chuyên gia pháp lý đã học tập, nghiên cứu ở nước ngoài… Bên cạnh đó, theo kinh nghiệm của các nước, có thể xem đây là vấn đề về chứng cứ để các bên có thể tranh luận, phản biện về nội dung của luật nước ngoài.

Thứ hai, cần sửa đổi khoản 3 Điều 481 BLTTDS 2015 theo hướng quy định rõ các đương sự cũng được tìm kiếm pháp luật nước ngoài thông qua các cá nhân, tổ chức có chuyên môn về pháp luật nước ngoài.

Thứ ba, cần quy định rõ hình thức cung cấp pháp luật nước ngoài. Theo quan điểm của tác giả, nội dung của pháp luật nước ngoài cần được thể hiện dưới dạng văn bản hoặc tương đương, cần hợp pháp hóa lãnh sự hoặc chứng thực bản dịch.

Thứ tư, thời gian để cung cấp pháp luật nước ngoài cần quy định linh hoạt hơn thay vì cố định là 06 tháng. Có thể đưa ra một khoảng thời gian, chẳng hạn từ 06 đến 12 tháng. Tùy vào mức độ phức tạp của vụ việc mà đương sự hoặc Tòa án đề xuất một thời gian phù hợp. Hoặc nếu giữ nguyên thời gian 06 tháng thì nên có cơ chế gia hạn nếu chứng minh được có khó khăn, trở ngại khách quan trong quá trình xác định, cung cấp pháp luật nước ngoài.

Thứ năm, để thuận lợi trong việc tìm kiếm pháp luật nước ngoài, việc ký kết thêm các Hiệp định tương trợ tư pháp là điều cần thiết. Đồng thời, các Hiệp đình này cần quy định cụ thể về vấn đề trao đổi, cung cấp thông tin pháp luật giữa hai nước.

TANDCC tại Hà Nội xét xử vụ án ly hôn – Ảnh: Nguyên Anh


[1] Hoa Kỳ có đôi chút khác biệt nhưng cơ bản vẫn có thể xem là nghĩa vụ thuộc về các đương sự quy định của Quy tắc 44.1 Luật Tố tụng dân sự liên bang (Rules 44.1 Rule 44.1 US Federal Rules of Civil Procedure)

[2] Swiss Institute of Comparative Law, The application of foreign law in civil matters in the EU member states and its perspectives for the future, JLS/2009/JCIV/PR/0005/E4, p. 10

[3] Anthony Gray, Choice of Law: The presumption in the proof of foreign law, UNSW Law Journal, Volume 31(1), 2008, p. 136-157, p. 140: Học thuyết chứng cứ được xây dựng bởi thẩm phán. Trong vụ Mostyn v. Fabrigas 1 Cowp. 161, 174, 98 Eng. Rep. 1021, 1028 (K.B. 1774): thẩm phán Mansfield đưa ra quan điểm: “Cách để biết luật nước ngoài là thừa nhận chúng được chứng minh như là các chứng cứ …”

[4]Jacob Dolinger, Application, proof, and interpretation of foreign law: A comparative study in private international law, Arizona Journal of International and Comparative Law, Vol. 12, No. 1: 1995, p. 226

[5] Article 15. 2 Law of 16 July 2004 Holding the Code of Private international law Belgium.

[6] Article 1191. 2 The Civil Code of the Russian Federation.

[7] Đỗ Văn Đại – Mai Hồng Qùy, “Tư pháp quốc tế Việt Nam”, NXB Chính trị quốc gia, 2010, tr 228.

[8] Đỗ Minh Tuấn, Xác định nội dung pháp luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp dân sự quốc tế bởi tòa ánTạp chí Kinh tế đối ngoại số 70 (02/2015), tr. 26

[9] Khoản 1 Điều 481 BLTTDS 2015

[10] Section 4.1 Civil Evidence Act 1972 of UK (revised 1997)

[11] Section 4.5 Civil Evidence Act 1972 of UK (revised 1997)

[12] Rule 44.1 US Federal Rules of Civil Procedure

[13] Matthew J. Wilson, Improving the process: Transnational litigation and the application of private foreign law in U.S. courts, International Law and Politics, Vol. 45: 2013, p. 1128-1129

[14] Xem thêm, Teresa C. Stanton, Finding Foreign Law: It’s Not Just for the Experts, 16 Persp: Teaching legal research & writing 37 (2007)

[15] Article 1191. 2 The Civil Code of the Russian Federation

[16] Article 2 European Convention on Information on Foreign Law 1968

[17] Khoản 1,2 Điều 481 BLTTDS 2015

[18] Điều 481 BLTTDS 2015

[19] Hiện nay có Thông tư liên tịch số 01/2019/TTLT-TANDTC-BNG Quy định về trình tự, thủ tục phối hợp giữa Tòa án nhân dân và Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài để thực hiện một số hoạt động tố tụng dân sự và tố tụng hành chính ở nước ngoài, tuy nhiên Thông tư này chỉ điều chỉnh về tống đạt văn bản tố tụng.

[20] Điều 12 Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Điều 14 Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Lào, Điều 4 Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự Việt Nam và Ba Lan

[21] “Presumption of Identity of Laws” hay “Presumption of Similarity of Laws”, xem thêm Yaad Rotem, Foreign law as a distinctive fact-to whom should the burden of proof be assigned? Chicago Journal of International Law, Vol 14 No. 2, 2014, p. 630-631

[22] Alex Mills, Arbitral Jurisdiction and the Mischievous Presumption of Identiy of Foreign Law, 67 Cambridge L.J. 25, 27 (2008), supra note 19, at 402, 404

[23] Sofie Geeroms, Foreign law in civil litigation: a comparative and functional analysis 42-91 (2004), p. 195 – 200

[24] Article 16. 2 Swiszerland Federal’s Code on Private International Law

[25]Article 1191. 3 The Civil Code of the Russian Federation.

[26] Article 12 European Convention on Information on Foreign Law 1968

[27] Khoản 4 Điều 481 BLTTDS 2015

[28] Tòa án nhân dân tối cao (2015), Báo cáo tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự, trang 30.

Theo tapchitoaan.vn

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/mot-so-van-de-ve-xac-dinh-noi-dung-phap-luat-nuoc-ngoai-khi-giai-quyet-vu-viec-dan-su-co-yeu-to-nuoc-ngoai

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN