Năm 2021, Sở Tư pháp TP.HCM tiếp tục triển khai, hoàn thành và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu hộ tịch.

Sáng ngày 21-12-2021, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Công tác tư pháp toàn quốc năm 2022 (63 tỉnh, TP tham gia trực tuyến). Trước thềm hội nghị, Sở Tư pháp TP.HCM đã có báo cáo đánh giá về công tác tư pháp của TP năm 2021 và định hướng phát triển năm 2022.

Vượt khó trong đại dịch

Trong năm 2021, TP.HCM chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 về kinh tế – xã hội, sức khỏe và cả đời sống. Trước những khó khăn chung, Sở Tư pháp TP.HCM nỗ lực làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành và mạnh dạn đề ra nhiều giải pháp mới trong công tác chuyên môn.

Zalo

Phòng Công chứng số 5 thực hiện thủ tục công chứng cho người dân.

Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Sở Tư pháp chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND TP đối với những chính sách trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Đồng thời, ngành tư pháp TP tiếp tục thực hiện chủ trương “hướng về cơ sở” để giải quyết các điểm nghẽn trong công tác tư pháp tại các quận, huyện; phường, xã. Sở Tư pháp đã trả lời và hướng dẫn giải quyết nhiều vướng mắc nghiệp vụ của các đơn vị trực thuộc và tư pháp địa phương.

Đối với các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP.HCM kịp thời triển khai các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 trong các hoạt động công chứng, luật sư… nhằm đảm bảo phục vụ người dân liên tục, thông suốt, đạt chất lượng cao mà vẫn tuân thủ tốt công tác phòng chống dịch.

Riêng trong lĩnh vực phòng chống dịch, Sở Tư pháp TP đã phối hợp cùng Sở Y tế, UBND quận, huyện thực hiện việc cấp giấy báo tử và đăng ký khai tử nhanh chóng cho các gia đình nạn nhân mất vì COVID-19. Đồng thời, sở hướng dẫn các quận, huyện việc chăm sóc, giám hộ trẻ em mồ côi do người thân mất vì COVID-19 và quản lý di sản của người mất khi chưa xác định được người thừa kế.

Góp sức chăm lo cộng đồng

Bên cạnh công tác chuyên môn, năm 2021, Sở Tư pháp TP.HCM cũng đã thực hiện hiệu quả công tác xã hội. 80 công chức, viên chức Sở Tư pháp đã tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại địa phương.

Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã trao tặng 15 tấn gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm cho bà con nghèo và trao tặng khẩu trang, thiết bị y tế cho bệnh viện, lực lượng tuyến đầu. Sở cũng đã vận động mạnh thường quân quyên tặng 3.000 phần thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 cho UBND huyện Hóc Môn.

Tự kiểm tra 100% văn bản pháp luật

Trong phương hướng hoạt động công tác tư pháp năm 2022, Sở Tư pháp TP.HCM đã đặt mục tiêu tự kiểm tra 100% các văn bản quy phạm pháp luật do UBND TP ban hành, kiểm tra theo thẩm quyền 100% văn bản do HĐND TP, UBND quận, huyện. Sở sẽ thường xuyên thực hiện các công tác rà soát văn bản ngay khi có căn cứ pháp lý hoặc yêu cầu của bộ, cơ quan ngang bộ và UBND TP.HCM.

ADVERTISING

Trong năm 2022, Sở Tư pháp sẽ trình UBND TP quyết định ban hành Quy chế kiểm tra rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của UBND TP, thay thế Quyết định 02/2017. Sở Tư pháp cũng đề ra kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật năm 2022 tại TP.HCM.

Trong công tác hộ tịch, Sở Tư pháp tiếp tục triển khai, hoàn thành và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu hộ tịch. Bên cạnh đó, Sở Tư Pháp cũng tham mưu cho TP để quyết định về phạm vi, mức độ và thời điểm triển khai đăng ký hộ tịch trực tuyến tại Sở Tư pháp và các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn theo Nghị quyết 87/2020.

Trong công tác nghiệp vụ, Sở Tư pháp tham gia tổ soạn thảo thông tư của Bộ Tư pháp về quy tắc đạo đức nghề nghiệp của thừa phát lại, nghiên cứu và xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng của thừa phát lại.

Sở Tư pháp cũng sẽ phối hợp cùng Sở TT&TT, cơ quan báo chí để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng về vấn đề ký kết hợp đồng, giao dịch. Đồng thời, sở phối hợp cùng Công an TP, TAND, VKSND, UBND quận, huyện xây dựng cơ chế phát hiện, xử lý hành vi giả mạo giấy tờ trong hoạt động công chức.

Giải quyết hàng ngàn hồ sơ online

Trong năm 2021, Sở Tư pháp TP.HCM tiếp tục đề án thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến. Trong đó, số hồ sơ đăng ký chuyển phát là 21.522, khai trực tuyến là 18.564. Việc triển khai hình thức trực tuyến đạt hiệu quả giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và cả cơ quan nhà nước, phù hợp với công tác phòng chống dịch COVID-19.

Sở Tư pháp thực hiện góp ý, thẩm định 293 dự thảo văn bản các loại (tăng bốn hồ sơ so với năm 2020). Đồng thời, sở tư vấn 527 hồ sơ vụ việc (giảm 61 văn bản) theo chỉ đạo của UBND TP và đề nghị của các sở, ban, ngành.

Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra 12 quyết định do UBND quận, huyện và TP Thủ Đức ban hành trong năm 2021. Qua kiểm tra, phát hiện hai quyết định có dấu hiệu sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày.

Sở Tư pháp đã hoàn thành 10 chuyên đề ra số (1.028 văn bản quy phạm pháp luật) của trung ương và TP. Đến nay, Sở Tư pháp đã hoàn thành 5/7 nội dung rà soát.

Báo Pháp Luật