Sau thời gian lấy ý kiến góp ý, tiếp thu để chỉnh sửa, Bộ TN&MT đã có công văn đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai trước khi trình Chính phủ.
Dự thảo Nghị định mới sẽ sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2014 hướng dẫn Luật Đất đai; Nghị định 44/2014 về giá đất; Nghị định 01/2017 và Nghị định 148/2020 sửa đổi, bổ sung một số nghị định hướng dẫn Luật Đất đai.
Trong đó, đáng chú ý là việc sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng (sau đây gọi là sổ hồng) có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch; thẩm quyền cấp sổ hồng…
Dự thảo nghị định mới của Chính phủ có nhiều điểm mới về cấp sổ hồng cho các dự án có công trình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Cấp sổ hồng có thời hạn cho condotel
Ngày 14-2-2020, Bộ TN&MT có Công văn 703 hướng dẫn việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở.
Trong đó, trường hợp các dự án có công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa) có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản thì việc cấp sổ hồng cho bên nhận chuyển nhượng được thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định 43/2014.
Tuy nhiên, thực tế triển khai việc cấp sổ hồng cho công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ như condotel, resort villa… còn gặp nhiều khó khăn.
Có địa phương chưa triển khai thực hiện cấp hoặc có địa phương đã triển khai thực hiện cấp nhưng không phù hợp với quy định của pháp luật (như xác định loại đất là đất ở hoặc đất ở không hình thành đơn vị ở với thời hạn sử dụng lâu dài), làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ đầu tư cũng như của người nhận chuyển nhượng.
Để thống nhất thực hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua, dự thảo đã bổ sung khoản 5 vào Điều 32 Nghị định 43/2014.
Cụ thể, đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện của Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản thì được cấp sổ hồng theo mục đích sử dụng đất (SDĐ) thương mại, dịch vụ và thời hạn SDĐ là không quá 50 năm theo khoản 3 Điều 126 Luật Đất đai. Trường hợp dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn thì không quá 70 năm.
Ngoài ra, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 72 Nghị định 43/2014 về thủ tục cấp sổ hồng. Trong đó làm rõ nghĩa vụ, trình tự, thủ tục chủ đầu tư công trình xây dựng không phải là nhà ở cần làm để người nhận chuyển nhượng được cấp sổ.
Condotel nếu đáp ứng đủ điều kiện của Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản thì được cấp sổ hồng theo mục đích SDĐ thương mại, dịch vụ.
Sửa quy định về thẩm quyền cấp sổ hồng
Để tạo thuận lợi cho người SDĐ khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong trường hợp đã được cấp sổ mà thực hiện các quyền của người SDĐ, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp đổi, cấp lại sổ mới, dự thảo nghị định đã sửa đổi quy định về thẩm quyền cấp sổ, xác nhận thay đổi vào sổ đã cấp trong trường hợp địa phương đã thành lập văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ).
Theo đó, dự thảo phân rõ thẩm quyền theo từng nhóm đối tượng. VPĐKĐĐ thực hiện đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chi nhánh VPĐKĐĐ hoặc VPĐKĐĐ thực hiện đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền SDĐ ở tại Việt Nam.
Dự thảo cũng nêu rõ VPĐKĐĐ, chi nhánh VPĐKĐĐ được sử dụng con dấu của mình trong việc cấp sổ, xác nhận thay đổi vào sổ đã cấp.•
Cấp sổ trên môi trường điện tử
Nhằm phục vụ việc chuyển đổi số, dự thảo nghị định quy định cụ thể việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử theo hướng làm rõ: (i) Trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ; (ii) Trách nhiệm của người SDĐ, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Theo đó, khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian không quá ba ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, cơ quan tiếp nhận phải thông báo cho người yêu cầu về việc từ chối hồ sơ và nêu rõ lý do từ chối.
Cơ quan tiếp nhận, giải quyết hồ sơ có trách nhiệm thực hiện các trình tự, thủ tục hành chính về đất đai theo quy định; trường hợp cần phải kiểm tra, xác minh, làm rõ hoặc do nguyên nhân khác mà không trả kết quả theo đúng thời gian giải quyết thủ tục hành chính thì phải gửi thông báo cho người yêu cầu, trong đó nêu rõ lý do.
Về phía người SDĐ, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ tài chính bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua chức năng thanh toán của cổng dịch vụ công.