(Pháp lý) – Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 20/10 và kết thúc vào ngày 15/11/2022. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua và cho ý kiến nhiều dự luật sửa đổi quan trọng, như: Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Giao dịch điện tử, Luật HTX, Luật Phòng chống rửa tiền… Tạp chí Pháp lý tóm lược những điểm mới có liên quan đến lĩnh vực kinh doanh thương mại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của doanh nghiệp mà các dự luật sửa đổi đề cập.
Luật Đất đai sửa đổi: Đổi mới cách tiếp cận về đấu giá, đấu thầu về quyền khai thác, sử dụng đất
- Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới. Trong đó,một trong những nội dung được cho là đột phá, đó là dự thảo Luật sửa đổi đã thay đổi cách tiếp cận về các trường hợp đấu giá, đấu thầu để lựa chọn nhà đấu tư được quyền khai thác, sử dụng đất. Đây được xem là 2 phương thức cạnh tranh, công khai, minh bạch nhất, tránh cảnh xin cho, gây thất thoát, như không ít vụ việc đã từng xảy ra.
Cụ thể tại khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai 2013 quy định trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 02 lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Trong khi đó điều kiện được cho là “khó nhất” để được tham gia đấu giá QSDĐ theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 58 Luật Đất đai, đó là chủ thể phải “có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư”. Năng lực tài chính “để đảm bảo” là như thế nào thì chưa được xác định rõ. Điều này có thể dẫn đến kết quả chủ đầu tư tham gia đấu giá đã trúng đấu giá nhưng không có năng lực tài chính để xác lập giao dịch như đã xảy ra thời gian qua.
Thực tế cho thấy, quy định trên có thể là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng thao túng bằng việc cản trở, phá hoại cuộc đấu giá để được áp dụng quy định này. Để khắc phục bất cập, tại Điều 65 dự thảo Luật quy định không quy định cụ thể mà chỉ xác định nguyên tắc các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất không thuộc quy định tại Điều 63 (không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất) và Điều 64 (đấu thầu dự án có sử dụng đất) thì phải đấu giá quyền sử dụng đất. Việc giao đất, cho thuê đất được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng; chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội đối với các dự án đầu tư có tính chất điểm nhấn, động lực phát triển, có yêu cầu về hạ tầng đồng bộ, về kiến trúc.
Dự thảo cũng quy định các tiêu chí cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất và không thông qua đấu giá, đấu thầu; trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần, cho thuê đất trả tiền hàng năm để đảm bảo dễ thực thi, dễ kiểm tra, dễ giám sát và nguồn thu ổn định, tạo điều kiện cho người sử dụng đất chủ động hạch toán sản xuất kinh doanh. Hoàn thiện các quy định đối với quản lý đất đai có liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng.
Cùng với việc bỏ khung giá đất và xây dựng cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo quy luật thị trường, thay vào đó các địa phương sẽ công bố bảng giá đất hằng năm, điều này sẽ tác động rất nhiều đến hoạt động đấu giá. Cụ thể, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vừa công bố cũng bổ sung 3 trường hợp sử dụng giá đất cụ thể làm căn cứ tính toán, gồm: Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi gia hạn, điều chỉnh quy hoạch xây dựng ảnh hưởng đến hệ số sử dụng đất, cho phép chuyển hình thức sử dụng đất; Xác định giá khởi điểm khi đấu giá nếu phương án đấu giá đất áp dụng cho tổ chức tham gia đấu giá; Xác định giá khởi điểm để đấu thầu dự án sử dụng đất. Theo các chuyên gia, Luật xác định như vậy sẽ hạn chế được rất nhiều thủ tục và giảm tải căng thẳng cho hoạt động đấu giá đất, mở ra cơ hội phát triển mới cho lĩnh vực này.
Với việc thay đổi cách tiếp cận trong đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất, có thể nói dự Luật sửa đổi đã luật hóa được một trong những nội dung mà Nghị quyết 18 đặt ra: “Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định cụ thể về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; hạn chế và quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất…”.
Đề cập đến đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), cho rằng: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới chỉ quy định về giao đất thông qua đấu thầu Dự án sử dụng đất mà chưa quy định giao đất thông qua đấu thầu dự án theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa, đấu thầu trong trường hợp có 2 nhà đầu tư trở lên đăng ký thực hiện. Điều này dẫn đến khoảng trống pháp lý cần làm rõ trong mối liên hệ không tách rời với Luật Đấu thầu sửa đổi…
Được biết tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ cho ý kiến định hướng để Ban soạn thảo dự án Luật Đất đai tiếp tục hoàn thiện.
- Luật Đấu thầu sửa đổi: Sẽ đảm bảo lựa chọn nhà thầu thực sự có năng lực
Dự thảo Luật sửa đổi đề xuất bổ sung thêm các ưu tiên, ưu đãi khuyến khích nhà thầu sản xuất trong nước phát triển
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư tương ứng với điều kiện cụ thể, gồm: Chỉ định thầu (áp dụng trong các trường hợp khẩn cấp; cấp bách hoặc cần đẩy nhanh tiến độ dự án); lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; mua sắm trực tiếp (để tránh việc chủ đầu tư lạm dụng áp giá cao, gây thất thoát, Dự thảo Luật bổ sung quy định về “tùy chọn mua thêm” để tạo cơ sở pháp lý cho chủ đầu tư mua thêm hàng hóa đã trúng thầu trước đó); đấu thầu quốc tế, đấu thầu nội khối (nhằm đảm bảo phù hợp theo quy định các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên); mua sắm tập trung (cho phép áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác ngoài hình thức đấu thầu rộng rãi để tận dụng về lợi thế về mua sắm với quy mô lớn; bổ sung quy định về thỏa thuận khung mở để có thể lựa chọn nhiều hơn một nhà thầu trúng thầu, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu).
Bổ sung quy định về quy trình, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và thời gian trong đấu thầu. Trong đó tại Điều 17 Dự thảo bổ sung quy định về nội dung, nguyên tắc lập hồ sơ mời thầu (trên cơ sở luật hóa Chỉ thị 47/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) nhằm hạn chế tình trạng “cài cắm” tiêu chí đánh giá trong hồ sơ mời thầu. Về hình thức và nội dung áp dụng trong hợp đồng áp dụng trong lựa chọn nhà thầu (từ Điều 62 – 69 dự thảo Luật) cũng được điều chỉnh theo hướng tách bạch các trường hợp trượt giá hợp đồng và điều chỉnh hợp đồng… Cụ thể, về các gói thầu thuộc dự án đầu tư phát triển có sử dụng vốn của doanh nghiệp có vốn Nhà nước, điểm c khoản 1 Điều 1 Dự thảo quy định Luật Đấu thầu sẽ điều chỉnh đối với gói thầu thuộc “Dự án đầu tư phát triển… có sử dụng vốn của doanh nghiệp có vốn Nhà nước, vốn của doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp Nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án”. Được hiểu là vốn của doanh nghiệp có vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên không được xem là vốn Nhà nước.
Nhận xét góp ý về quy trình lựa chọn nhà thầu theo quy định tại dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi, các chuyên gia cho rằng quy định khá chặt chẽ, tuân theo nhiều bước khác nhau, có sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Điều này nhằm đảm bảo kiểm soát việc sử dụng vốn nhà nước hiệu quả khi lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực. Tuy nhiên, nếu phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu quá rộng có thể tạo ra sự khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp – là chủ thể phải thực hiện theo thủ tục đấu thầu, khi không được linh hoạt trong các hoạt động kinh doanh của mình.
Liên quan đến doanh nghiệp, Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi đề xuất bổ sung quy định theo hướng tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước càng cao thì ưu đãi càng nhiều. Tại khoản 4 Điều 17 dự thảo Luật, quy định: “Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa được tổ chức đấu thầu trong nước mà có ít nhất ba hãng sản xuất cho ba mặt hàng xuất xứ trong nước đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, giá cả thì người có thẩm quyền quyết định việc yêu cầu nhà thầu chào hàng hóa xuất xứ trong nước”. Cùng với đó, để khuyến khích nhà sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu, Dự thảo Luật cũng đề xuất ưu đãi đối với nhà thầu với việc không yêu cầu về hợp đồng tương tự; đồng thời ưu đãi với nhà sản xuất khởi nghiệp khi không yêu cầu về hợp đồng tương tự cũng như doanh thu…
Với giải pháp đề xuất ưu đãi không yêu cầu về hợp đồng tương tự với nhà thầu là nhà sản xuất cũng như không yêu cầu về hợp đồng tương tự cũng như doanh thu với nhà sản xuất khởi nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng đây là bổ sung cần thiết để tạo cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất trong nước lớn lên. Tuy nhiên để chặt chẽ hơn, dự thảo Luật cần làm rõ trường hợp đối với những hàng hóa không gắn với việc thi công lắp đặt thì không cần yêu cầu hợp đòng tương tự. Ngược lại với hàng hóa có gắn với thi công lắp đặt thì vẫn phải yêu cầu hợp đồng tương tự để bảo đảm năng lực, kinh nghiệm thực hiện.
Dự luật Đấu thầu sửa đổi 2022 sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần này.
Dự thảo Luật Giá sửa đổi: Tăng cường phân cấp trách nhiệm trong việc bình ổn giá trên phạm vi cả nước
Ảnh minh họa
Với kỳ vọng sẽ khắc phục được các bất cập, hạn chế, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm… liên quan tới giá trong Luật Giá hiện hành, Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) cho biết, Dự thảo Luật sửa đổi được điều chỉnh theo hướng quy định về hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá; tăng cường phân công, phân cấp, rõ trách nhiệm trong việc triển khai bình ổn giá trên phạm vi cả nước và trên địa bàn các địa phương.
Theo đó, hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc Danh mục do Chính phủ quy định. Trong trường hợp khẩn cấp do thiên tai, dịch bệnh hoặc các trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trên cơ sở đề nghị của các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh, Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, quyết định hàng hóa, dịch vụ không thuộc Danh mục để áp dụng trong thời hạn nhất định”. Dự thảo đã bổ sung hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, có tính chất độc quyền trong mua bán và không thể thay thế vào nhóm hàng hóa do Nhà nước định giá.
Nguyên tắc hiệp thương giá được quy định tại dự thảo như sau: Các đối tượng đề nghị hiệp thương phải là doanh nghiệp mua, bán hàng hóa, dịch vụ đáp ứng quy định tại Điều 26, Luật Giá 2012. Việc tiếp nhận, tổ chức hiệp thương được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ, cả 02 bên đều phải có văn bản đề nghị hiệp thương. Quá trình hiệp thương phải đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch
Về tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bên cạnh 3 tiêu chí tại Luật 2012 tiếp tục được kế thừa tại Luật sửa đổi đã bổ sung thêm tiêu chí “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh;” nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay, một số mặt hàng đã được bổ sung tại các Luật chuyên ngành và sẽ được cập nhật tại Luật Giá.
Đặc biệt, liên quan đến tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá, dịch vụ thẩm định giá và thẩm định viên về giá, để ngăn chặn tiêu cực, Dự thảo Luật xóa bỏ quy định: “Tổ chức nghề nghiệp về thẩm định giá được tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ về thẩm định giá”; quy định khống chế người tham dự kỳ sát hạch cấp thẻ thẩm định viên về giá theo điều kiện “Phải làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá”; và cấm thẩm định viên làm việc trong cùng một thời gian cho từ 2 doanh nghiệp thẩm định giá trở lên…
Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam: Dự thảo Luật Giá sửa đổi quy định định giá của Nhà nước “có tính đến lộ trình giá thị trường phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ”, quy định này sẽ được hiểu có tính logic với quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 17: “Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giá thấp hơn phương án đã được rà soát, đánh giá theo quy định thì xem xét hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước”. Điều đó được hiểu: Quy định này mở đường cho việc quay lại cơ chế bù giá, bù lỗ mà Luật Giá hiện hành đã đoạn tuyệt. Chúng tôi cho rằng đưa ra nguyên tắc này là một bước lùi so với Luật Giá hiện hành và rất dễ bị lạm dụng trên thực tế; đồng thời mâu thuẫn ngay với quy định tại khoản 1, Điều 5, Dự thảo: “Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Luật này thực hiện định giá hàng hóa, dịch vụ theo các nguyên tắc, phương pháp phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường”.
Dự án sửa đổi Luật Giá cũng sẽ được Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp lần này.
(Còn nữa………)
Theo VŨ LÊ MINH (tổng hợp)
Nguồn bài viết: https://phaply.net.vn/nhung-diem-moi-cua-cac-du-luat-sua-doi-duoc-quoc-hoi-cho-y-kien-tai-ky-hop-thu-4-se-co-tac-dong-truc-tiep-den-doanh-nghiep-a256005.html