Ngày 3-10, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết năm năm thi hành Luật Đấu giá tài sản 2016.
“Thận trọng từng li từng tí nhưng cuối cùng vẫn sai”
Nêu ý kiến, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Nguyễn Quang Thái nêu nhiều vướng mắc trong quá trình bán đấu giá tài sản THA. Theo ông Thái, việc đấu giá tài sản THA có tính chất cưỡng chế, bắt buộc để thực hiện bản án, quyết định của tòa án, khác hoàn toàn tính chất đấu giá tài sản tự nguyện trong quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, hai loại tài sản này đều đang được áp dụng chung một quy trình, thủ tục đấu giá.
TP Nha Trang đang lấy ý kiến về phương án đấu giá 78 lô biệt thự ở khu tái định cư Hòn Rớ II. Ảnh: HUỲNH HẢI |
“Ở trường hợp thông thường, người có tài sản bao giờ cũng mong muốn bán được tài sản nhanh nhất, giá cao nhất nhưng trong đấu giá tài sản THA, người có tài sản bao giờ cũng cố tình không cho bán, thậm chí họ còn tung tin đồn để không ai mua…” – ông Thái nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục THADS phản ánh có những vụ việc phải đưa tài sản ra bán đến lần thứ 17, kéo dài ba năm vẫn chưa có người mua. Đến lúc đấu giá thành, người phải THA chống đối bằng nhiều hình thức nên chậm giao tài sản cho người mua.
Từ thực tế trên, ông Thái đề nghị cần có quy trình thủ tục riêng, đặc thù cho loại bán đấu giá mang tính bắt buộc, ngoài mong muốn của những người có tài sản. “Quá trình bán đấu giá tài sản THA rất dễ sai. Chúng tôi phải chỉ đạo liên tục, yêu cầu chấp hành viên phải thận trọng từng li từng tí nhưng cuối cùng vẫn sai” – ông Thái nói thêm.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình Trần Chí Tiến cho biết như nhiều địa phương trên cả nước, việc đấu giá tài sản, nhất là đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, các tổ chức đấu giá cơ bản áp dụng hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại phiên đấu giá. “Vì áp dụng hình thức này nên đã phát sinh hiện tượng thông đồng, dìm giá, đe dọa, thao túng cuộc đấu giá, một số tỉnh còn có sự tham gia của xã hội đen trong đấu giá, làm mất an ninh trật tự, phát sinh đơn khiếu nại, tố cáo” – ông Tiến lý giải.
Theo ông Tiến, để khắc phục tình trạng này, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Bình tham mưu tỉnh chỉ đạo áp dụng một số giải pháp, trong đó thống nhất chỉ đạo đấu giá bằng hình thức bỏ phiếu gián tiếp đối với tất cả cuộc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn.
Trong khi đó, trước tình trạng “bỏ cọc” khi trúng đấu giá xảy ra thời gian qua, Trưởng Phòng bổ trợ tư pháp Sở Tư pháp TP.HCM Nguyễn Thành Băng đề xuất tăng mức tiền đặt trước nhưng không tăng cứng. “Luật vẫn quy định mức tiền đặt trước không quá 20% giá khởi điểm như hiện nay nhưng có thêm điều khoản quy định một số trường hợp đặc biệt, mức tiền đặt trước không quá 50% giá khởi điểm và phải nêu rõ lý do, được cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là người có thẩm quyền quyết định về tài sản chấp thuận” – ông Băng nêu kiến nghị.
Những bất cập, hạn chế và yếu tố tiêu cực
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu ghi nhận những kết quả tích cực, nổi bật sau năm năm thi hành Luật Đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng hoạt động đấu giá còn nhiều khó khăn, vướng mắc, có một số hạn chế, bất cập, thậm chí là thiếu sót, vi phạm pháp luật, trong đó có cả pháp luật hình sự. “Nguyên nhân có rất nhiều” – ông nói và lưu ý pháp luật về bán đấu giá tài sản đã bộc lộ một số bất cập, thiếu một số quy định quan trọng.
Tính đến tháng 8-2022, cả nước có 1.200 đấu giá viên, gần 600 doanh nghiệp đấu giá tài sản, 58/63 Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tại các tỉnh, TP trực thuộc trung ương.
Từ tháng 7-2017 đến 31-12-2021, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 169.000 cuộc đấu giá, số tiền thù lao dịch vụ đấu giá tài sản thu được đạt gần 2.100 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.500 tỉ đồng.
Theo ông Phan Chí Hiếu, quy định trong Luật Đấu giá tài sản là quy định chung, chưa mang đầy đủ đặc thù của từng loại tài sản, quyền tài sản rất đặc biệt. “Ví dụ, quyền khai thác tài nguyên, trong đó có tài nguyên số, băng tần, biển số xe… Những loại tài sản này nếu áp dụng theo quy định của Luật Đấu giá tài sản thì có vẻ không phù hợp” – ông Hiếu nhận xét.
Mặt khác, ông Hiếu cũng cho rằng có trường hợp lợi dụng các quy định chưa thật chặt chẽ của pháp luật để “co kéo lợi ích cho mình”. “Nhiều người nói có việc đăng thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên báo A; quảng cáo lúc 3 giờ sáng… Rồi xác định tiêu chí lựa chọn tổ chức bán đấu giá yêu cầu phải có đấu giá viên có trình độ tiến sĩ. Đó là do chúng ta, chứ đâu phải do pháp luật” – ông Hiếu nói và cho rằng pháp luật không bao giờ có thể quy định cụ thể phải đăng trên báo nào, lúc mấy giờ, hay phải lựa chọn tổ chức đấu giá như thế nào…
Dù vậy, nguyên nhân quan trọng nhất, theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, là con người. Ông chỉ ra việc người có tài sản bán đấu giá chưa làm hết trách nhiệm, có trường hợp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi cá nhân. Cạnh đó, một số tổ chức bán đấu giá, đấu giá viên cũng bắt tay, câu kết, thông đồng dìm giá.
“Không một hệ thống pháp luật nào có thể đầy đủ các quy định để không còn người “làm bậy” nữa. Pháp luật có thể sơ hở nhưng chúng ta làm việc ngay ngắn, nghiêm túc, người có tài sản bán đấu giá là tài sản của Nhà nước phát huy hết tinh thần trách nhiệm, đấu giá viên không tiếp tay… sẽ không có vi phạm” – ông Hiếu cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tiêu cực, hạn chế, nhũng nhiễu, trục lợi thời gian qua.
Lưu ý những việc cần làm ngay sau hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị Cục Bổ trợ tư pháp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Khi chưa sửa được luật, cục nghiên cứu kỹ những khó khăn, vướng mắc trên thực tế để kịp thời có văn bản xử lý, giải đáp.
Ông cũng đề nghị Cục Bổ trợ tư pháp tham mưu cho lãnh đạo bộ để đẩy nhanh việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 62, trong đó có việc xây dựng cổng thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.•
Không nên quy định tiền đặt trước quá cao
Nói về câu chuyện “bỏ cọc” khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nêu việc có nhiều ý kiến cho rằng quy định về đặt cọc là quá thấp…
“Luật Đấu giá tài sản quy định mức tiền đặt trước tối đa lên tới 20% là quá cao. Nếu quy định số tiền đặt cọc quá cao sẽ hạn chế người tham gia đấu giá. Đó lại là mảnh đất để tiếp tục lợi dụng, trục lợi” – ông Hiếu nhận định.
Theo ông, muốn có “biện pháp bảo đảm” mạnh hơn, cần phối hợp áp dụng các quy định khác của pháp luật về quy chế bán đấu giá tài sản, hợp đồng bán đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản trúng đấu giá… “Chúng ta thỏa thuận, quy định ngoài số tiền đặt cọc thì trách nhiệm bồi thường thế nào trong trường hợp bỏ cọc, bỏ hợp đồng. Pháp luật dân sự cho phép điều đó” – Thứ trưởng Phan Chí Hiếu dẫn chứng.