Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp

Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp

Theo Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về góp vốn như sau: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty, bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ của công ty đã được thành lập.” Từ đó ta có thể thấy, việc góp vốn được thực hiện trong hai thời điểm là: khi thành lập doanh nghiệp và sau khi thành lập doanh nghiệp. Việc góp vốn sẽ làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp và tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào giá trị tài sản mà tổ chức, cá nhân dùng để góp vốn.

Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 có sự kế thừa các quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 về tài sản góp vốn, nhưng bên cạnh đó cũng có một vài thay đổi, bổ sung đột phá trong quy định về tài sản góp vốn.

1. Bản chất tài sản góp vốn

Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về tài sản góp vốn tại Điều 34, cụ thể như sau:

Điều 34. Tài sản góp vốn

Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định tại khoản 1 Điều này mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.”

Bên cạnh đó theo luật cũ- Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định tài sản góp vốn tại Điều 35 như sau:

Điều 35. Tài sản góp vốn

Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.”

Từ đây có thể thấy rõ sự thay đổi, bổ sung của Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với Luật Doanh nghiệp năm 2014 về tài sản góp vốn. Cụ thể:

Thứ nhất. Thay đổi thuật ngữ “giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ” thành “quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ”.

Sự thay đổi này đã sử dụng được đúng thuật ngữ và bản chất của tài sản. Vì tài sản được định nghĩa tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

Vậy nên thuật ngữ “giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ” trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 là được sử dụng không đúng và không thuộc bất cứ đối tượng nào được coi là tài sản. Mà trong khi đó thuật ngữ “quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ” trong Luật Doanh nghiệp năm 2020 là một loại quyền tài sản và là một trong những đối tượng được coi là tài sản theo quy định tại Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Thứ hai. Thay đổi từ chỉ có tổ chức cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp sang các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp.

Chủ sở hữu hợp pháp ở đây được hiểu là những tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản. Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với tài sản.

Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp ở đây không phải là chủ sở hữu đối với tài sản nhưng được sử dụng tài sản theo thỏa thuận với chủ sở hữu hoặc theo quy định của pháp luật. Ví dụ tài sản góp vốn là quyền sử dụng đất. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên tổ chức, cá nhân không thể là chủ sở hữu của mảnh đất đó mà cgir là người có quyền sử dụng đối với mảnh đất đó thôi.

2. Định giá tài sản góp vốn

Việc định giá tài sản góp vốn được quy định tại Điều 36 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cụ thể: Đối với tài sản góp vốn không phải là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng: thì việc định giá được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức thẩm định giá thực hiện và được thể hiện thành Đồng Việt Nam.

Như đã nói ở trên, việc góp vốn được thực hiện tại hai thời điểm: khi thành lập doanh nghiệp và sau khi thành lập doanh nghiệp. Cụ thể việc định giá tài sản góp vốn tùy từng thời điểm được quy định như sau:

Thứ nhất. Khi thành lập doanh nghiệp.

Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được trên 50% số thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Thứ hai. Sau khi thành lập doanh nghiệp.

Tài sản góp vốn trong quá trình hoạt động do chủ sở hữu, Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần và người góp vốn thỏa thuận định giá hoặc do một tổ chức thẩm định giá định giá. Trường hợp tổ chức thẩm định giá định giá thì giá trị tài sản góp vốn phải được người góp vốn và chủ sở hữu, Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận.

Trường hợp tài sản góp vốn được định giá cao hơn giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm góp vốn thì người góp vốn, chủ sở hữu, thành viên Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh, thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần cùng liên đới góp thêm bằng số chênh lệch giữa giá trị được định giá và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá; đồng thời liên đới chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do việc cố ý định giá tài sản góp vốn cao hơn giá trị thực tế.

Mọi thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ: 

CÔNG TY LUẬT TNHH MTV NAM HÀ (NAM HA LAW FIRM)

Địa chỉ: Tầng 2.02, Số 90 Trần Đình Xu, P. Cô Giang, Quận 1, TP.HCM

Điện thoại: 028 6291 2919        Tổng đài giải đáp pháp lý: 1900.86.86.24

Hotline: 0906735415 (Luật sư Nguyễn Tri Thắng)

Email:  vp.namhluat@gmail.com    Website: namhaluat.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN