Sửa Luật Đất đai: Cần cụ thể thời điểm giao đất dự án lấn biển

(PLO) – Các đại biểu cho rằng cần phải nói rõ về thời điểm giao đất đối với loại dự án lấn biển sử dụng vốn ngoài ngân sách để tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh trong thực tế hiện nay.

Vừa qua, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) đã tổ chức phiên họp tham vấn ý kiến của của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan nhà nước, địa phương về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Trong số 12 nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Ủy ban Kinh tế của QH xin ý kiến tham vấn, góp ý thì hoạt động lấn biển là nội dung nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp.

Ba loại dự án lấn biển

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, cho hay qua tiếp thu ý kiến đại biểu QH và trên cơ sở rà soát, dự thảo Luật Đất đai (bản mới nhất ngày 1-8-2023) đã sửa đổi theo hướng quy định rõ về ba loại dự án liên quan đến hoạt động lấn biển. Cụ thể, ba loại dự án gồm: dự án sử dụng vốn của nhà đầu tư, dự án đầu tư công và dự án lấn biển đơn thuần tạo quỹ đất.

“Trong đó riêng loại dự án lấn biển gắn với một dự án đầu tư cụ thể sử dụng vốn ngoài ngân sách đang có quan điểm khác nhau về việc giao đất vào thời điểm nào? Giao từ ban đầu thực hiện dự án hay sau khi có diện tích thực tế?” – ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, đối với loại dự án này đang có hai luồng ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất cho rằng cần xác định rõ các giai đoạn thực hiện khi nhà đầu tư trúng thầu thì giao khu vực biển để nhà đầu tư thực hiện lấn biển, khi hoàn thành lấn biển thì giao đất, cho thuê đất không đấu giá, không đấu thầu để thực hiện dự án.

Trong khi đó, ý kiến còn lại đề nghị giao đất luôn từ thời điểm giao khu vực biển để nhà đầu tư trúng thầu thực hiện lấn biển.

Đối với dự án đầu tư trên đất lấn biển là dự án đầu tư công, dự luật quy định Nhà nước đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện hoạt động lấn biển, sau khi hoàn thành lấn biển, đất lấn biển được dùng để thực hiện dự án đầu tư trên đất lấn biển đã được xác định khi phê duyệt dự án đầu tư công đó.

Đối với dự án lấn biển đơn thuần, tạo quỹ đất, Nhà nước đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện hoạt động lấn biển, sau khi hoàn thành lấn biển, đất lấn biển giao cho tổ chức phát triển quỹ đất quản lý để giao, cho thuê thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.

Ông Hiếu cho rằng quy định như vậy để tạo cơ sở pháp lý về đất đai, cùng với các quy định khác có liên quan về đầu tư, cho phép thực hiện dự án lấn biển tạo quỹ đất, phù hợp với điều kiện thực tế về địa chất nơi thực hiện lấn biển và ngân sách cho việc thực hiện.

Sửa Luật Đất đai: Cần cụ thể thời điểm giao đất dự án lấn biển  ảnh 1

Ông Phùng Quốc Bình, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, nêu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: CTV

Giao đất dự án lấn biển vào thời điểm nào?

Góp ý về nội dung hoạt động lấn biển trong dự thảo luật, ông Phùng Quốc Bình, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang, cho rằng việc dự luật đã chỉ ra được ba loại dự án về lấn biển sẽ giúp tháo gỡ các vướng mắc nảy sinh trong thực tế hiện nay.

“Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị cần nói rõ về thời điểm giao đất đối với loại dự án lấn biển sử dụng vốn ngoài ngân sách. Nên thực hiện giao đất một lần ngay từ khi đấu thầu thực hiện dự án lấn biển, cần tính ngay giá đất giao ở giai đoạn này” – ông Bình nói.

Bên cạnh đó, giám đốc Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang cũng dẫn chứng hoạt động lấn biển không chỉ đơn thuần là diễn ra tại khu vực biển mà còn liên quan đến đất bãi bồi ven biển và đất có mặt nước ven biển. “Nếu quy định không cụ thể nội dung này sẽ có lỗ hổng. Thực tế, chi phí hoạt động lấn biển cũng khác xa nhau giữa các khu vực trên. Nếu không nói rõ ràng sẽ tắc chỗ này” – ông Bình băn khoăn.

Cùng nội dung, ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia độc lập về pháp lý bất động sản, đề nghị đối với dự án lấn biển sử dụng vốn ngoài ngân sách thì nên giao đất ngay thời điểm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án lấn biển. Trong đó căn cứ giao đất đối với dự án lấn biển dựa vào kết quả lựa chọn nhà đầu tư, quy hoạch chi tiết được phê duyệt, giá đất thì được tính tại thời điểm giao đất, còn chi phí lấn biển sau này sẽ trừ vào tiền sử dụng đất của dự án…

“Chi phí lấn biển nên được xác định ngay từ đầu vì dự án lấn biển thường là các dự án có quy mô lớn, có thể lên đến nhiều tỉ USD. Do đó cần đánh giá ngay từ đầu cho nhà đầu tư biết để chủ động phương án tài chính, cũng như không bị rơi vào thế bỏ cả tỉ USD để lấn biển mà không biết được giao đất hay không…” – ông Đỉnh nói.

Về nội dung này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, khẳng định Ủy ban Kinh tế sẽ ghi nhận, tiếp thu ý kiến để nghiên cứu, hoàn thiện dự luật. “Các đại biểu có quan tâm đến giao khu vực biển hay giao đất, cái này chúng tôi sẽ nghiên cứu để xử lý, nhất là về nội dung thời điểm giao đất gắn với tính tiền sử dụng đất” – ông Thanh nói.•

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN