Để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sửa luật, mở rộng đối tượng tài trợ, cho vay của Quỹ SMEDF….
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất mở rộng đối tượng cho vay, tài trợ của Quỹ SMEDF.
Dưới tác động của dịch bệnh, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm 2021 tiếp tục có sự gia tăng, với 79.673 doanh nghiệp, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 40.251 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm đến 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng đầu năm 2021.
Tính riêng TP.HCM, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, đã có tới 23.199 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (chiếm 29,1% số doanh nghiệp rút lui của cả nước), tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần phải có giải pháp kịp thời để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 cũng như có thể duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát. “Theo đó, việc mở rộng đối tượng cho vay, tài trợ của Quỹ SMEDF lúc này là cần thiết”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Theo quy định hiện nay, Quỹ SMEDF thực hiện các chức năng cho vay, tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị. Do đó, đối tượng cho vay, tài trợ của Quỹ có phạm vi hẹp.
Trong khi đó, việc xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thời gian qua còn gặp nhiều vướng mắc, khó có thể đưa ra được các tiêu chí cụ thể, phù hợp yới đặc thù và nhu cầu hỗ trợ của từng lĩnh vực hoặc từng địa phương . Vì vậy, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ Quỹ còn rất hạn chế. Hiện mức lãi suất cho vay ưu đãi Quỹ đang áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là 2,16%/năm (ngắn hạn) và 4,0%/năm (trung và dài hạn).
Do đó, với 98,5% doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ của Quỹ SMEDF để gia tăng số lượng doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, đồng thời vẫn đảm bảo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị sửa đổi Điều 20 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, tài trợ của Quỹ SMEDF.
Tính đến 31/12/2020, tuy số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quỹ SMEDF còn hạn chế nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa được vay vốn từ Quỹ đầu hoạt động ổn định, trả nợ gốc, lãi đầy đủ, mở rộng sản xuất kinh doanh; trong đó, 4/15 doanh nghiệp có tổng nguồn vốn đật trên 100 tỷ đồng (doanh nghiệp nhỏ và vừa là doanh nghiệp có tổn nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng hoặc có tổng doanh thu không quá 300 tỷ đồng) và 2 doanh nghiệp trả nợ trước hạn.
Ngân Hà
Theo vneconomy.vn
Nguồn bài viết: https://vneconomy.vn/sua-luat-mo-rong-doi-tuong-tiep-can-quy-phat-trien-doanh-nghiep-nho-va-vua-smedf.htm