ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Thâu tóm doanh nghiệp đầu ngành, “đại gia” Thái nắm trọn ngành sản xuất nhựa tại Việt Nam

Thâu tóm Nhựa Duy Tân, nắm cổ phần chi phối tại Bao bì Biên Hòa, Nhựa Bình Minh…, Siam Cement Group-SCG (Thái Lan) đang dần nắm trọn thượng nguồn và hạ nguồn của ngành sản xuất nhựa Việt Nam.

Nhà máy của Công ty Nhựa Duy Tân - doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường nhựa gia dụng Việt Nam và đã ký kết thỏa thuận bán 70% vốn tại 5 công ty thành viên cho SCG

Nhà máy của Công ty Nhựa Duy Tân – doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường nhựa gia dụng Việt Nam và đã ký kết thỏa thuận bán 70% vốn tại 5 công ty thành viên cho SCG

Thâu tóm Nhựa Duy Tân

Ai cũng có thể mua đồ của Nhựa Duy Tân. Công ty này có gần 1.000 đơn vị hàng hóa (SKU) và 16.000 đại lý phân phối trên cả nước, công suất hàng năm đạt 116.000 tấn bao bì nhựa cứng và các sản phẩm nhựa gia dụng…

Thông tin đó rất có thể là lý do chính khiến thương hiệu nhựa tồn tại hơn 3 thập kỷ ở Việt Nam và được Forbes Việt Nam xác định giá trị 20,4 triệu USD lọt vào “tầm ngắm” của đại gia ngành công nghiệp Thái Lan – SCG.

Nhựa Duy Tân là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường nhựa gia dụng với doanh thu năm 2020 đạt 4.700 tỷ đồng, tổng tài sản đến cuối năm đạt 5.000 tỷ đồng. Khách hàng chính của tên tuổi này là các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ở nội địa. 80% sản phẩm của Công ty được bán tại Việt Nam, 20% xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác.

Biên lãi doanh thu của Nhựa Duy Tân tăng trưởng đều đặn hằng năm với tốc độ 18%, dù vậy, lợi nhuận sau thuế tương đối biến động, giai đoạn 2016 – 2019 giảm sút mạnh. Riêng năm 2020, Công ty báo lợi nhuận tăng đột biến 197%, từ mức 61 tỷ đồng lên 181 tỷ đồng, trong khi doanh thu chỉ tăng 10% so với năm 2019, đạt 4.478 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, trên thực tế, trong thời gian qua, nhựa gia dụng trong nước rất khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu của Thái Lan, Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải bán lại cho đối tác ngoại.

Thương vụ SCG thông qua công ty con SCG Packaging (SCGP) mua 70% cổ phần của Nhựa Duy Tân là ví dụ tiếp theo của xu hướng này.

Phía Nhựa Duy Tân cho biết, theo thỏa thuận được ký kết trực tuyến vào ngày 9/2/2021, Nhựa Duy Tân sẽ bán 70% số cổ phần của 5 trong tổng số 22 công ty thành viên cho SCG, trong đó, có 2 công ty quan trọng trong Tập đoàn, chuyên sản xuất nhựa bao bì và nhựa gia dụng là Công ty cổ phần Sản xuất nhựa Duy Tân và Công ty cổ phần Duy Tân Long An.

SCG sẽ mua cổ phần của các công ty này theo lộ trình 3 năm, bắt đầu từ năm 2021 và có thể đạt mức cao nhất là 70% khi kết thúc lộ trình. Cũng theo đại diện Duy Tân, dựa vào tình hình kết quả kinh doanh, nên quá trình mua cổ phần của SCG mới kéo dài như vậy.

Trong thương vụ này, mục đích chính của 2 bên là tạo nền tảng, thế mạnh trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Đối với Duy Tân, việc bán vốn cho SCG là định hướng chiến lược đã được lên kế hoạch từ lâu nhằm mục tiêu phát triển mảng bao bì nhựa cứng, sản phẩm nhựa gia dụng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu. Nguồn lực từ việc bán cổ phần lần này sẽ được sử dụng vào phát triển mảng nhựa kỹ thuật cao và nhà máy tái chế mà Công ty đang tập trung thực hiện.

Trong khi đó, khoản đầu tư vào Nhựa Duy Tân sẽ giúp mở rộng hoạt động kinh doanh bao bì nhựa cứng của SCGP trên toàn khu vực ASEAN, đặc biệt là củng cố năng lực phục vụ các nhà sản xuất FMCG và người tiêu dùng tại Việt Nam.

Được biết, thương vụ này nằm trong kế hoạch đầu tư 10 tỷ baht (334 triệu USD) nhằm mở rộng lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam – thị trường đang có nhu cầu lớn và tiếp tục gia tăng về các sản phẩm bao bì nhựa. Ông Wichan Jitpukdee, Giám đốc điều hành SCGP cho biết, Công ty sẽ không ngừng gia tăng đầu tư vào Việt Nam và điều này mang lại mức tăng trưởng doanh thu hơn 10% mỗi năm.

Năm 2009, SCGP thành lập Vina Kraft Paper tại Bình Dương để sản xuất giấy bao bì, với tổng công suất 500.000 tấn/năm. Năm 2015, tập đoàn này đầu tư vào Công ty Bao bì Tín Thành (Batico). Mới đây, SCG cũng chi 2.070 tỷ đồng (89 triệu USD) để sở hữu 94% vốn Công ty cổ phần Bao bì Biên Hòa. Ngoài ra, SCG còn nắm cổ phần chi phối tại Nhựa Bình Minh; 100% vốn Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng Việt Nam;  sở hữu lượng cổ phần lớn tại Prime Group, Liên doanh bao bì Việt – Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái.

Đặc biệt, tháng 6/2018, SCG đã ký thỏa thuận mua lại 29% cổ phần của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) trong Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam (Dự án Long Sơn, có sản phẩm chủ yếu là nhựa PP), tăng vốn sở hữu từ 71% lên 100%, với tổng vốn đầu tư 5,4 tỷ USD.

Các thương vụ này góp phần mở rộng cơ sở sản xuất các sản phẩm thượng nguồn và hạ nguồn của ngành nhựa cũng như hoạt động của SCGP tại Việt Nam và dự kiến đóng góp doanh thu thêm 8,5 tỷ baht mỗi năm.

Thái Lan đang dẫn đầu trong việc thúc đẩy các thương vụ mua bán – sáp nhập (M&A) ở Đông Nam Á khi nền kinh tế ở quốc gia này chững lại vì sự bất ổn chính trị, nhu cầu trong nước bão hòa, cộng với chính sách tích cực hơn của Chính phủ Thái Lan nhằm thúc đẩy đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Các đại gia của Thái Lan đang sử dụng các thương vụ M&A để đối phó với những thách thức. Họ nhắm đến các công ty của Việt Nam và Indonesia.

Chi phối chuỗi giá trị ngành nhựa

Ngành sản xuất nhựa ở Việt Nam khá phân mảnh, với khoảng 3.300 doanh nghiệp đang hoạt động với quy mô giá trị toàn ngành ước tính 18 tỷ USD.

Theo Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), trong ngành nhựa, nhựa gia dụng chiếm tỷ trọng khoảng 22% giá trị sản xuất (tương ứng 3,3 tỷ USD); mảng nhựa bao bì chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 41%, với khoảng 1.353 doanh nghiệp.

Khoảng 55% doanh nghiệp ngành nhựa tập trung ở khu vực miền Nam; 37% tập trung tại miền Bắc và gần 9% ở miền Trung. Sở dĩ các doanh nghiệp ngành nhựa tập trung chủ yếu ở hai miền Nam, Bắc vì đó là hai khu vực trọng điểm kinh tế, tập trung đông dân cư cũng như các doanh nghiệp sản xuất và chế biến đồ uống, thực phẩm.

Cơ cấu giá trị sản xuất ngành nhựa được chia thành 4 mảng lớn: nhựa gia dụng, nhựa bao bì, nhựa xây dựng và nhựa kỹ thuật (gồm các linh kiện, phụ tùng nhựa có độ chính xác cao dùng trong lĩnh vực điện tử).

Chẳng hạn, Đại Đồng Tiến có thế mạnh trong lĩnh vực nhựa gia dụng; Nhựa Ngọc Nghĩa tập trung mảng chai pet, bao bì; Nhựa Long Thành mạnh về pallet và sóng nhựa; Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh dẫn đầu thị phần ống nhựa xây dựng; Công ty Cát Thái và Minh Nguyên chuyên về nhựa kỹ thuật cao. Trong khi đó, các công ty nước ngoài thống lĩnh mảng nhựa bao bì.

Theo quan sát, Nhựa Duy Tân xác định lối đi khác biệt, khi quyết định tham gia hầu hết các mảng, trừ nhựa xây dựng. Công ty này cung cấp bao bì, chai nhựa, nắp chai cho một loạt nhãn hàng như Omo, Comfort, Sunlight, Lux, Romano, Lix, Lifebuoy, Biore, Enchanteur, Meiji, Nam Dương…

Có thể thấy, nhu cầu sản phẩm đầu ra của mảng nhựa bao bì và nhựa dân dụng đều phụ thuộc vào quy mô dân số, thu nhập và chi tiêu của người dân. Sản phẩm đầu ra của mảng nhựa bao bì là các sản phẩm màng nhựa, chai nhựa sử dụng để đóng gói các sản phẩm của các ngành công nghiệp chế biến đồ uống, thực phẩm. Sản phẩm đầu ra của mảng nhựa dân dụng là các sản phẩm phục vụ nhu cầu của các hộ gia đình như nội thất nhựa, dụng cụ nhà bếp, hộp nhựa. Vì vậy, quy mô dân số tăng trưởng cùng với thu nhập gia tăng sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm nhựa bao bì và nhựa dân dụng tăng theo.

Giới phân tích trong ngành cho rằng, động lực tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhựa bao bì và nhựa dân dụng chủ yếu đến từ khu vực châu Á. Lý do là, khu vực này có dân số lớn nhất thế giới, tốc độ tăng trưởng dân số cao, tăng trưởng GDP đầu người được kỳ vọng ở mức cao nhất trong các khu vực trên thế giới, khoảng 4,5% trong giai đoạn 2018 – 2022.

Ngành nhựa là một trong những ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh so với nền kinh tế Việt Nam nói chung. Tuy đã bước vào giai đoạn chững lại, nhưng ngành này vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng trung bình 6,5%/năm trong giai đoạn 2019 – 2023.

Sự kỳ vọng này bắt nguồn từ mức thu nhập và chi tiêu hộ gia đình được dự báo đạt khoảng 7,1% trong giai đoạn 2019 – 2022. Trong đó, tăng trưởng chi tiêu cho mảng thực phẩm và đồ uống không cồn lần lượt ở mức 11,8% và 12,0%. Đây sẽ là động lực tăng trưởng chính cho mảng nhựa bao bì. Bên cạnh đó, mảng nhựa xây dựng nhà ở và xây dựng hạ tầng nước trong giai đoạn 2019 – 2022 được dự báo tăng trưởng lần lượt 6,7% và 7,3%/năm. Ngoài ra, xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam trong ngắn hạn của các công ty đa quốc gia, cùng với chính sách tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam sẽ tạo cơ hội phát triển cho mảng nhựa kỹ thuật trong tương lai. Giống các quốc gia khác trên thế giới, chuỗi giá trị ngành nhựa Việt Nam bao gồm: thượng nguồn và hạ nguồn.

Thượng nguồn của ngành nhựa thuộc về các doanh nghiệp lọc hóa dầu, các doanh nghiệp hóa chất với hoạt động chính là biến đổi các loại nguyên liệu hóa thạch thành các loại hạt nhựa nguyên liệu.

Hạ nguồn của ngành nhựa là giai đoạn các nhà sản xuất biến đổi các loại hạt nhựa nguyên liệu thành các sản phẩm nhựa. Hạ nguồn của ngành nhựa, dựa vào sản phẩm có thể chia ra làm 4 mảng chính là nhựa bao bì, nhựa xây dựng, nhựa dân dụng và nhựa kỹ thuật.

Như vậy, có thể thấy, động thái rót vốn mua cổ phần tại các công ty thượng nguồn và hạ nguồn trong ngành nhựa tại Việt Nam của  SCG đã giúp đại gia Thái Lan này chi phối toàn bộ thị trường, đặc biệt là nhựa bao bì và nhựa xây dựng – 2 mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất (khoảng 61% toàn thị trường).

Anh Hoa

Theo baodautu.vn

Nguồn bài viết: https://baodautu.vn/thau-tom-doanh-nghiep-dau-nganh-dai-gia-thai-nam-tron-nganh-san-xuat-nhua-tai-viet-nam-d138276.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục