Thủ đoạn gian dối trong cấu thành tội ‘Lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ và tội ‘Cướp giật tài sản’

(LSVN) – Sử dụng thủ đoạn gian dối với mục đích tiếp cận tài sản nhằm chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu cơ bản trong cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174 BLHS) và cũng là căn cứ để phân biệt với các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt khác. Tuy nhiên, thủ đoạn gian dối không chỉ xuất hiện trong tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà còn xuất hiện ở một số tội khác như tội “Cướp giật tài sản”. Thực tiễn trường hợp trên đã tồn tại quan điểm khác nhau về việc định tội danh.

Ảnh minh họa.

Thực tiễn áp dụng

Đối với hành vi người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối với mục đích chiếm đoạt tài sản trong một số trường hợp còn tồn tại quan điểm khác nhau về việc định tội danh.

Ví dụ 1: Nguyễn Văn A. đi vào cửa hàng mua bán điện thoại, trong lúc đang xem điện thoại, A. nói sẽ mua 01 chiếc điện thoại rồi nhờ chị B. là nhân viên bán hàng tư vấn và đưa cho A. xem điện thoại định mua. Sau khi cầm điện thoại trên tay, lợi dụng chị B. vừa quay mặt ra chỗ khác nên A. nhanh chóng cầm điện thoại bỏ chạy.

Ví dụ 2: Qua tìm hiểu trên mạng, anh Trần H. biết đến địa chỉ bán hàng online của anh Phạm T. (anh T. bán điện thoại các loại). Với mục đích chiếm đoạt tài sản đem bán lấy tiền chi tiêu cá nhân, anh H. nói chuyện trao đổi với anh T. về việc mua điện thoại. Sau khi thống nhất giá cả, điện thoại sẽ mua, anh H. hẹn anh T. đến địa điểm tại thành phố S để giao dịch trả tiền và nhận điện thoại. Do không có tiền để trả cho anh T. nên H. đã nhờ T. chở đi xung quanh thành phố S. đến chỗ người thân mượn tiền mặt trả cho anh T. Trên đường đi, anh H. yêu cầu anh T. cho xem điện thoại để kiểm tra rồi yêu cầu dừng xe để vào nhà người thân mượn tiền. Sau khi anh T. dừng xe, H. nhanh chóng cầm điện thoại bỏ chạy.

Trong hai ví dụ nêu trên, quan điểm thứ nhất cho rằng hành vi của các đối tượng dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Quan điểm thứ hai cho rằng, hành vi của các đối tượng thỏa mãn yếu tố cấu thành tội “Cướp giật tài sản” theo quy định tại Điều 171 Bộ luật Hình sự.

Mặc dù tồn tại quan điểm khác nhau, tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các Cơ quan tiến hành tố tụng đều xét xử các hành vi trên về tội cướp giật tài sản là có căn cứ, bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, áp dụng đúng pháp luật. Bởi lẽ:

Về tội “Cướp giật tài sản” (Điều 171 Bộ luật Hình sự)

Điều 171 Bộ luật Hình sự về tội “Cướp giật tài sản” quy định:

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

Xét về hành vi khách quan: Do điều luật không mô tả hành vi khách quan của tội “Cướp giật tài sản”, căn cứ vào khái niệm và các yếu tố cấu thành tội “Cướp giật tài sản”, qua tổng kết thực tiễn có thể xác định đặc trưng của tội “Cướp giật tài sản” là hành vi giật, tức là giằng mạnh lấy tài sản về mình một cách nhanh chóng (ngay tức khắc). Chính vì hành vi giật tài sản đã bao gồm bản chất của tội cướp giật nên nhà làm luật không mô tả hành vi khách quan của tội cướp giật trong điều luật.

Thực tiễn xét xử tội “Cướp giật tài sản” thì hành vi khách quan của tội phạm này thể hiện rất đa dạng và phức tạp. Hành vi cướp giật tài sản thường biểu hiện dưới dạng lợi dụng sơ hở của người khác để giật lấy, giằng lấy tài sản đang trong sự quản lý của người khác rồi nhanh chóng tẩu thoát. Ví dụ: hành vi giật dây chuyền vàng, giật túi xách, điện thoại,… Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp người phạm tội sử dụng thủ đoạn xảo quyệt, gian dối để tiếp cận tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác, sau đó nhanh chóng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản rồi bỏ trốn. Hành vi cướp giật tài sản dù thực hiện ở dạng thông thường hay phức tạp nhưng dấu hiệu thể hiện rõ nhất cấu thành loại tội phạm này để phân biệt với các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt khác đó là “hành vi thực hiện công khai, nhanh chóng, bất ngờ” làm cho người bị hại dù biết việc bị chiếm đoạt tài sản nhưng không kịp phản ứng.

Về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174 Bộ luật Hình sự)

Điều 174 Bộ luật Hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội phạm này thể hiện ở hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Cụ thể là người phạm tội đã đưa ra những thông tin không đúng sự thật làm cho chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản do nhầm tưởng mà tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu về tài sản hoặc chuyển giao quyền quản lý tài sản cho người phạm tội. Hơn nữa, trong tội lừa đảo, sau khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản một khoảng thời gian nhất định người quản lý tài sản mới phát hiện được là mình bị lừa đảo, người bị lừa đảo tự mình chuyển giao quyền quản lý tài sản hoặc chuyển giao quyền sở hữu về tài sản cho người thực hiện hành vi lừa đảo sau khi bị người phạm tội thực hiện hành vi gian dối (lừa đảo). Đây chính là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt đối với tội “Cướp giật tài sản”.

Ví dụ điển hình về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”: Khi biết bà B. ở thành phố S tỉnh Đ. cho vay tiền chỉ cần thế chấp giấy tờ là chứng minh nhân dân, Anh C. có địa chỉ tại thành phố S đã làm giả CMND thế chấp vay tiền bà B. số tiền 100 triệu đồng. Sau khi lấy được tiền đã chuyển đi nơi khác sinh sống để trốn tránh hành vi lừa đảo của mình.

Đối chiếu với ví dụ đưa ra, hoàn toàn không có căn cứ khi cho rằng các đối tượng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vấn đề cần lưu ý

Như vậy, trong một số trường hợp đặc biệt, giữa tội cướp giật tài sản và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có điểm chung đó là người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, thủ đoạn gian dối trong tội “Lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản” là hành vi của người phạm tội làm cho bị hại tin tưởng là sự thật nên đã tự nguyện giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho người phạm tội có quyền sở hữu hoặc quyền quản lý tài sản.

Thời điểm người bị hại biết bị lừa đảo là sau khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản một khoảng thời gian nhất định. Thủ đoạn gian dối trong tội “Cướp giật tài sản” cũng tương tự như tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, nhưng không có sự việc người bị hại tin tưởng và tự nguyện giao tài sản mà người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối trước, sau đó lợi dụng sơ hở của bị hại để nhanh chóng chiếm đoạt tài sản. Người bị hại hoàn toàn nhận thức được việc bị chiếm đoạt tài sản trong thời điểm đó nhưng do hành vi chiếm đoạt của người phạm tội thực hiện quá nhanh nên họ không kịp phản ứng.

PHÙNG HOÀNG

Tòa án quân sự Quân khu 1

Nguồn bài viết: https://lsvn.vn/thu-doan-gian-doi-trong-cau-thanh-toi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-va-toi-cuop-giat-tai-san-van-de-can-luu-y1630085662.html?fbclid=IwAR0G5qwO1CDrAvHvruw7zKqA7ii94iSENQW0km33XUU8CfsUe07FI4vQXUY

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN