ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Thương mại hóa tài sản trí tuệ tại các trường đại học khối khoa học xã hội – Thực trạng và giải pháp

Tóm tắt: Bài viết phân tích các phương thức thương mại hóa, xác định các tài sản trí tuệ có thể khai thác thương mại trong hoạt động của các trường đại học thuộc khối khoa học xã hội, đánh giá thực trạng của việc khai thác và kiến nghị một số giải pháp thúc đẩy thương mại hóa các tài sản này.
 
Abstract: This article analyzes methods of commercialization, identifies the intellectual property that can be commercially exploited in the activities of social science universities, assesses the current situation of their exploitation and proposes some solutions to promote the commercialization of these assets.
 
1. Khái quát về thương mại hóa tài sản trí tuệ tại các trường khối khoa học xã hội
1.1. Khái niệm và các phương thức thương mại hóa tài sản trí tuệ tại các trường thuộc khối khoa học xã hội
a. Khái niệm thương mại hóa tài sản trí tuệ
Theo Từ điển Anh – Anh Oxford Advanced Learner’s Dictionary, thương mại hóa được định nghĩa là sử dụng một vật gì đó để cố gắng tạo ra lợi nhuận[1]. Tài sản trí tuệ (TSTT) là kết quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ của con người, tồn tại dưới dạng thông tin, tri thức như các sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học, các giải pháp kỹ thuật giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tế cuộc sống, các thiết kế bên ngoài của sản phẩm… Các kết quả sáng tạo này có thể mang lại những lợi ích về tinh thần và đặc biệt là lợi ích về vật chất cho chủ thể nắm giữ thông qua hoạt động khai thác, sử dụng. Trên cơ sở đó, thương mại hóa TSTT có thể được hiểu là việc tạo ra lợi nhuận từ chính việc chủ sở hữu hoặc chủ thể được chủ sở hữu cho phép tiến hành khai thác giá trị của quyền sở hữu và quyền sử dụng các kết quả của hoạt động sáng tạo trí tuệ.
b. Các phương thức thương mại hóa tài sản trí tuệ tại các trường thuộc khối khoa học xã hội
Việc khai thác, sử dụng các TSTT sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho các cơ sở đào tạo đại học thuộc khối khoa học xã hội nhằm nâng cao uy tín, vị thế và khả năng cạnh tranh. Theo đó, các phương thức thương mại hóa TSTT tại các cơ sở này bao gồm:
– Chủ sở hữu tự khai thác thương mại TSTT một cách trực tiếp: Đây là hình thức cơ bản và phổ biến nhất vì chính chủ sở hữu tự mình sử dụng, khai thác TSTT do họ sáng tạo ra hoặc nắm quyền sở hữu và đưa TSTT áp dụng vào hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học để thu được lợi nhuận mà không phụ thuộc vào sự tham gia của các chủ thể khác.
– Chuyển giao quyền đối với TSTT: Theo quy định hiện hành, chuyển giao quyền SHTT bao gồm chuyển nhượng quyền sở hữu và chuyển giao quyền sử dụng TSTT. Việc chuyển giao này chỉ áp dụng đối với các quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm trong thời hạn bảo hộ và phạm vi lãnh thổ nơi TSTT được bảo hộ.
– Sử dụng TSTT để liên kết, hợp tác: Các cơ sở đào tạo cũng có thể sử dụng nguồn thông tin, tri thức mà cơ sở nắm quyền sở hữu hoặc sử dụng để liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu hoặc các cơ quan, tổ chức khác để khai thác nguồn tài nguyên về khoa học, nghệ thuật là kết tinh sáng tạo trí tuệ của người dạy và người học.
1.2. Xác định tài sản trí tuệ có thể khai thác thương mại tại các trường khối khoa học xã hội
Ngày nay, hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học gắn liền với việc tạo lập, phát triển và khai thác rất nhiều các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ (SHTT). Trong số đó, hoạt động đào tạo và nghiên cứu tại các trường thuộc khối khoa học xã hội chủ yếu tạo lập nên các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và một số đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), cụ thể là:
a. Các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả
Trong quá trình hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối khoa học xã hội, các sản phẩm của hoạt động sáng tạo trí tuệ có thể khai thác thương mại chủ yếu là các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 và năm 2019 (sau đây gọi tắt là Luật Sở hữu trí tuệ). Các tác phẩm có thể tồn tại dưới các hình thức như:
– Tác phẩm thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác như giáo trình, tập bài giảng, sách tham khảo, sách chuyên khảo; giáo án, tài liệu dịch thuật; sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học các cấp của giảng viên, sinh viên; bài viết trong kỷ yếu hội thảo, tọa đàm, tài liệu tập huấn, hướng dẫn… Các tác phẩm này là một trong những nguồn tài sản chủ lực, trực tiếp là đối tượng của quá trình thương mại hóa TSTT tại các trường đại học thuộc khối khoa học xã hội hiện nay.
– Bài giảng, bài phát biểu và các bài nói khác.
– Tác phẩm báo chí: Hiện nay, khá nhiều cơ sở đào tạo đại học đã phát hành tạp chí chuyên ngành của trường nhằm mục đích công bố, giới thiệu kết quả nghiên cứu của các chuyên gia, phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tạo diễn đàn trao đổi các vấn đề học thuật cũng như phổ biến kinh nghiệm, phương pháp đào tạo của các cơ sở trong và ngoài nước.
– Tác phẩm âm nhạc như các ca khúc được sáng tác dành riêng cho các cơ sở đào tạo đại học, được coi như bài hát truyền thống của trường hay các ca khúc do giảng viên, sinh viên của trường sáng tác nhằm tuyên truyền, quảng bá cho hoạt động của trường thông qua các cuộc thi.
– Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là các tác phẩm được thể hiện bằng đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục được hình thành trong quá trình đào tạo, nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học khối khoa học xã hội (như thiết kế bìa sách, giáo trình, thiết kế tài liệu quảng bá, giới thiệu về trường…).
– Tác phẩm nhiếp ảnh gắn liền với hình ảnh của các cơ sở đào tạo đại học, hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu của giảng viên, học viên trong trường cũng được xác định là TSTT cần được quản lý, bảo vệ để hạn chế các tranh chấp và hành vi xâm phạm trên thực tế.
– Chương trình máy tính phục vụ cho hoạt động giảng dạy, quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học hoặc các hoạt động chuyên môn khác.
– Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác[2] ví dụ như sưu tập dữ liệu tài liệu của thư viện của các trường.
b. Các đối tượng được bảo hộ quyền liên quan đến quyền tác giả
Bên cạnh quyền tác giả, hoạt động của các trường đại học thuộc khối khoa học xã hội còn hình thành nên đối tượng được bảo hộ quyền liên quan như cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Các đối tượng này được bảo hộ khi đáp ứng điều kiện về tính nguyên gốc và trên cơ sở không gây phương hại đến quyền tác giả. Các bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng các buổi hội thảo, bài giảng, diễn án, thực hành trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu của các trường cũng là TSTT có khả năng khai thác thương mại và mang lại lợi ích về mặt vật chất cho chủ sở hữu.
c. Các đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Do đặc điểm của quyền SHCN thường gắn liền với hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại của các chủ thể, nên các đối tượng SHCN được bảo hộ trong các cơ sở đào tạo đại học thuộc khối khoa học xã hội khá hạn chế, có thể bao gồm:
– Nhãn hiệu: Các cơ sở giáo dục đại học đã đăng ký quyền SHCN đối với nhãn hiệu và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ là chủ sở hữu nhãn hiệu đó. Thông thường, các trường đại học thuộc khối khoa học xã hội tiến hành đăng ký xác lập quyền đối với tên gọi và biểu tượng của trường cho dịch vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong bối cảnh đang diễn ra quá trình tự chủ đại học, việc các trường đại học với chức năng chính là cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học đăng ký bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu là cơ sở quan trọng nhằm ngăn ngừa các hành vi xâm phạm, sử dụng trái phép khiến công chúng bị nhầm lẫn, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, danh tiếng của các cơ sở giáo dục đại học. 
– Bí mật kinh doanh: Đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối khoa học xã hội, thông tin được bảo hộ là bí mật kinh doanh có thể là cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân của giảng viên, người học và các đối tác; kế hoạch, chiến lược quảng bá tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học…  
Từ những phân tích trên có thể thấy, việc nhận diện các TSTT phát sinh trong hoạt động của các trường đại học thuộc khối khoa học xã hội, phân loại và xác định giá trị của khối tài sản này làm tiền đề thúc đẩy việc thương mại hóa thành quả sáng tạo trí tuệ, đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quản lý, khai thác và bảo vệ TSTT tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc quản trị và thương mại hóa TSTT tại hầu hết các trường đại học còn chưa được chú trọng, dẫn đến lãng phí tài nguyên trí tuệ, giảm sút hiệu quả đầu tư sáng tạo cũng như đánh mất cơ hội, hạn chế năng lực cạnh tranh và động lực phát triển[3].
2. Tình hình thương mại hóa tài sản trí tuệ tại các trường đại học thuộc khối khoa học xã hội
Quá trình thương mại hóa TSTT của các trường đại học thuộc khối khoa học xã hội còn chưa thực sự hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng, cụ thể là:
Thứ nhất, các cơ sở giáo dục đại học chưa thực sự chú trọng đến việc thương mại hóa TSTT.
Thực tế hiện nay, các trường chủ yếu chỉ tập trung vào hoạt động giảng dạy, đào tạo. Trong thời gian gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học đã được một số trường quan tâm, đẩy mạnh. Tuy nhiên, việc khai thác thương mại các kết quả nghiên cứu còn hạn chế, chủ yếu chỉ được sử dụng để phục vụ mục đích học tập, nghiên cứu của giảng viên và sinh viên của chính cơ sở đào tạo hoặc một số trường đào tạo cùng chuyên ngành. Ngày 29/12/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 78/2008/QĐ-BGDĐT về quản lý hoạt động SHTT trong cơ sở giáo dục đại học nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo, thúc đẩy quá trình khai thác, chuyển giao quyền SHTT và bảo vệ TSTT của cá nhân, tập thể, tổ chức và của chính cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có một số lượng khiêm tốn các trường đại học thuộc khối khoa học xã hội ban hành văn bản về quản lý hoạt động SHTT. Việc chưa ban hành hoặc chậm ban hành các văn bản quản lý hoạt động SHTT tại các trường dẫn đến thiếu căn cứ cho việc nhận diện các TSTT, xác định quyền sở hữu, tỷ lệ phân chia lợi ích từ việc khai thác TSTT và hiệu quả khai thác kết quả nghiên cứu còn thấp.
Thứ hai, bộ phận phụ trách thương mại hóa TSTT chưa được thành lập hoặc đã thành lập nhưng chưa hoạt động hiệu quả.
Bộ phận chuyên trách về quản lý hoạt động SHTT là đơn vị chuyên môn đảm trách việc hỗ trợ xác lập, thương mại hóa và là đầu mối xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp liên quan đến SHTT phát sinh trong hoạt động của trường. Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát, bộ phận này tại các trường đại học tiềm lực vẫn còn yếu và hoạt động chưa hiệu quả. Nguyên nhân của thực trạng này một phần là do cơ chế quản lý quyền SHTT còn nhiều bất cập, chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể làm căn cứ cho hoạt động của bộ phận cũng như còn thiếu các công cụ, các trang thiết bị về mặt kỹ thuật. Thêm vào đó, nguồn nhân lực có chuyên môn và kỹ năng tốt để thực hiện công tác quản lý và thương mại hóa TSTT tại các trường đại học còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Xuất phát từ tính chất phức tạp, đa dạng của các đối tượng SHTT cũng như yêu cầu về mặt chuyên môn, kiến thức pháp lý, kỹ năng quản lý, maketing, một cán bộ quản lý TSTT cần đồng thời thực hiện nhiệm vụ của một chuyên viên kỹ thuật, một chuyên viên pháp lý và một chuyên viên kinh doanh[4]. Trong khi đó, các trường đại học hiện nay lại chưa chú trọng việc tuyển dụng và đào tạo đội ngũ nhân viên có chuyên môn về SHTT để đảm nhận công việc từ quá trình tạo lập, khai thác cho đến bảo vệ quyền SHTT. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc nhận diện, thương mại hóa và thực thi quyền SHTT trong các cơ sở đào tạo này.
Thứ ba, còn thiếu các công trình, sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao tại các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối khoa học xã hội.
Tại các trường đại học hiện nay, đa số các giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên thường thực hiện việc nghiên cứu khoa học để phục vụ cho mục đích công bố, giảng dạy, hoàn thành nhiệm vụ hoặc đạt được những thành tích trong học tập và nghiên cứu. Chính vì vậy, các sản phẩm nghiên cứu vẫn mang tính lý thuyết cao, các chủ đề nghiên cứu chưa gắn liền với nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp, của thị trường nên các trường thường gặp khó khăn hoặc thậm chí không thể khai thác, ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong thực tế.
Thứ tư, khó khăn trong việc định giá TSTT.
Để làm căn cứ cho hoạt động thương mại hóa, việc định giá TSTT đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, xuất phát từ đặc tính vô hình của TSTT, việc định giá TSTT tại các trường đại học còn nhiều vướng mắc, hạn chế và vẫn chưa tuân theo một chuẩn mực nhất định nào. Các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về định giá TSTT hầu như chưa điều chỉnh trực tiếp vấn đề định giá TSTT mà chỉ đề cập tới các quy định mang tính chất nguyên tắc về cách thức tính toán. Thậm chí các quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa có quy định cụ thể liên quan đến việc định giá TSTT. Trên thực tế, hoạt động định giá TSTT vẫn chưa được quan tâm đúng mức, kiến thức, kỹ năng lựa chọn phương pháp định giá, thu thập số liệu phục vụ định giá cũng như việc áp dụng các phương pháp để xác định giá trị TSTT chưa được các trường đại học nhận thức và thực hiện.
Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra và thực thi quyền SHTT tại các cơ sở giáo dục đại học còn nhiều hạn chế.
Trên thực tế, các hành vi xâm phạm quyền SHTT tại các cơ sở giáo dục đại học vẫn còn diễn ra khá phổ biến, có xu hướng mở rộng về phạm vi, gia tăng về số lượng và nghiêm trọng về tính chất, mức độ. Sở dĩ tồn tại thực trạng này một phần là do việc thanh tra, xử lý các hành vi xâm phạm chưa được tiến hành một cách hiệu quả, bản thân các trường đại học với tư cách là chủ sở hữu quyền tác giả cũng chưa có những động thái tích cực để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Chính vì vậy, các hành vi xâm phạm quyền SHTT tại các cơ sở giáo dục đại học vẫn ít khi bị phát hiện, nhắc nhở và xử lý nghiêm minh. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến hoạt động sáng tạo mà còn hạn chế tiềm năng thương mại hóa TSTT tại các trường đại học.
3. Một số giải pháp thúc đẩy thương mại hóa tài sản thương mại tại các trường đại học khối khoa học xã hội
Trên cơ sở những phân tích, đánh giá trên, tác giả xin đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy khả năng khai thác thương mại của TSTT tại các trường thuộc khối khoa học xã hội như sau:
Một là, cần nâng cao nhận thức của các cơ sở giáo dục đại học về vai trò, ý nghĩa của việc thương mại hóa TSTT.
Ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030, trong đó có đề ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền SHTT cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Theo đó, có những nội dung liên quan đến các trường đại học như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về SHTT thông qua việc xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về SHTT phù hợp với từng nhóm đối tượng; phát triển TSTT của viện nghiên cứu, trường đại học, hỗ trợ tư vấn định giá, kiểm toán TSTT. Như vậy, để hoạt động thương mại hóa TSTT đạt hiệu quả, trước hết cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn để các cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục đại học nhận thức được một cách đầy đủ, rõ ràng về giá trị của TSTT, quy định của pháp luật SHTT cũng như các nội dung và ý nghĩa của việc quản lý, khai thác TSTT tại đơn vị. Việc tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cần được tiến hành một cách đồng bộ, có hệ thống, thường xuyên, liên tục thông qua các buổi tọa đàm, hội thảo với các tình huống thực tế, ví dụ cụ thể và giới thiệu các mô hình tiêu biểu để các cán bộ phụ trách cập nhật các quy định của pháp luật, đánh giá được hiệu quả của các biện pháp triển khai và kịp thời rút kinh nghiệm, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thương mại hóa TSTT tại đơn vị. Các nội dung cần tập trung phổ biến là kỹ năng xây dựng chiến lược về SHTT, ban hành quy chế về quản lý, khai thác thương mại TSTT, thiết kế và hoàn thiện các biểu mẫu, quy trình, thủ tục liên quan đến việc khai báo, xác lập quyền, định giá, lựa chọn phương thức khai thác TSTT, maketing, đàm phán và soạn thảo các loại hợp đồng phù hợp với đặc thù của từng cơ sở đào tạo. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các nhà nghiên cứu, chuyên gia cần biên soạn và phát hành các tài liệu từ cơ bản đến chuyên sâu để hướng dẫn, đào tạo các kỹ năng cho cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục đại học. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cũng thường xuyên tổ chức đánh giá, vinh danh và khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích, sáng kiến trong quản trị TSTT tại các trường đại học. Ngoài ra, cần xây dựng một trang web cập nhật hệ thống văn bản liên quan về bảo hộ quyền SHTT, đưa tin về các hoạt động khai thác, bảo vệ quyền SHTT của các trường đại học, đăng tải các bài viết, ý kiến của chuyên gia về quản lý hoạt động SHTT tại các cơ sở giáo dục đại học để người sử dụng có thể dễ dàng tra cứu, tiếp cận và cập nhật các thông tin về chính sách, quy định, hoạt động bảo hộ quyền SHTT của các trường trong nước cũng như quốc tế.
Hai là, cần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động SHTT tại các cơ sở đào tạo đại học.
Theo kinh nghiệm của hầu hết các trường đại học lớn trên thế giới, bộ phận quản lý TSTT cần được thành lập trong trường đại học. Cơ cấu tổ chức, hoạt động của đơn vị này tùy thuộc vào quy mô và tần suất sử dụng các đối tượng SHTT và các loại quyền SHTT mà nhà trường nắm giữ. Để bộ phận này hoạt động hiệu quả, trường đại học cần ban hành quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ phận quản lý TSTT một cách cụ thể, rõ ràng theo hướng bảo đảm tính khách quan, chủ động tích cực và khuyến khích việc bảo hộ, khai thác thương mại TSTT. Bên cạnh đó, cần xây dựng kế hoạch hoạt động và kế hoạch tài chính cho hoạt động quản lý quyền SHTT; ban hành quy trình, thủ tục và các biểu mẫu; xây dựng cơ chế triển khai xác lập quyền và khai thác thương mại TSTT, đưa ra các nguyên tắc và phương pháp định giá TSTT, xác định rõ ràng tỷ lệ phân chia lợi nhuận thu được trong quá trình thương mại hóa sản phẩm trí tuệ. Thêm vào đó, nhà trường cũng cần quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của các cán bộ, giảng viên, người học và các chủ thể có liên quan khác trong việc phối hợp với bộ phận chuyên môn này tiến hành các hoạt động quản lý quyền SHTT, xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện cũng như khen thưởng và xử lý vi phạm. Ngoài ra, để các hoạt động này được thực hiện chuyên nghiệp, nhà trường cần tuyển dụng và đầu tư đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn và kỹ năng phù hợp để đảm nhiệm tốt việc hỗ trợ lãnh đạo trường trong hoạt động quản lý TSTT, tham gia vào tất cả các quá trình từ tạo lập, đăng ký, bảo vệ và khai thác quyền SHTT.
Ba là, tăng cường khả năng ứng dụng, khai thác thương mại và tiếp cận thị trường của các công trình, sản phẩm khoa học tại các cơ sở đào tạo đại học.
Trong quá trình định hướng và phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học, các trường đại học cần chú trọng đến khả năng ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trên thị trường. Để làm được điều này, các trường đại học và các nhà nghiên cứu cần thiết lập mối quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động thực tiễn, các doanh nghiệp, thường xuyên có các hoạt động trao đổi và lắng nghe nhu cầu, các vấn đề phát sinh cần giải quyết để có định hướng phù hợp cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Việc nghiên cứu giờ đây không chỉ dựa trên những kiến thức, tài liệu sẵn có hay đam mê mang tính cá nhân của người nghiên cứu mà cần dựa trên cơ sở đơn đặt hàng, yêu cầu của các chủ thể hoạt động thực tiễn để hình thành nên những sản phẩm có chất lượng, có tính ứng dụng cao để phục vụ nhu cầu giải quyết các công việc trong thực tế. Như vậy, kết quả nghiên cứu sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có nhu cầu quản lý TSTT có như vậy, sản phẩm mới dễ dàng được khai thác thương mại, mang lại lợi ích vật chất cho chủ thể quyền.
Bên cạnh đó, các trường cần nhận diện, phân loại các TSTT, tìm hiểu nhu cầu của thị trường để lựa chọn phương thức khai thác thương mại hiệu quả đối với từng đối tượng đặc thù của quyền SHTT. Ngoài ra, để chủ động trong hoạt động dạy và học, các tài liệu cần thiết cho học phần được công bố cho sinh viên trước khi kỳ học bắt đầu để sinh viên có sự chuẩn bị. Các trường có thể đưa ra các phương án cho người học lựa chọn ngay từ khi đăng ký học phần gắn liền với việc sử dụng tài liệu và mức học phí tương ứng, đồng thời phối hợp với đơn vị phát hành và các hiệp hội quản lý quyền tác giả để đàm phán, đặt mua tài liệu với giá ưu đãi, có chính sách giảm giá để thu hút người học. Các hoạt động này không chỉ hạn chế việc sinh viên sử dụng sách sao chép trái phép mà còn thúc đẩy việc khai thác tác phẩm của chủ sở hữu quyền tác giả. Đối với tạp chí, sách chuyên khảo, các trường đại học cần đa dạng hóa các hình thức thể hiện như bản in, bản điện tử, bản ghi âm, bản dịch sang các ngôn ngữ khác để mở rộng và tăng cường khả năng tiếp cận của bạn đọc; hình thành và tham gia mạng lưới các cơ sở đào tạo cùng chuyên ngành để tận dụng các nguồn lực sẵn có, đồng thời, chủ động tìm kiếm các đối tác, đàm phán thương mại để mở rộng thị trường khai thác các sáng tạo trí tuệ. Tuy nhiên, các trường cũng cần lưu ý bảo đảm vấn đề về bản quyền, áp dụng các biện pháp công nghệ và gắn các thông tin về quyền tác giả lên tác phẩm để ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số.    
Bốn là, hoàn thiện quy định của pháp luật cũng như hướng dẫn cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn trong việc định giá TSTT tại các cơ sở giáo dục đại học.
Để thúc đẩy hoạt động thương mại hóa TSTT, Việt Nam cần xây dựng các quy định trực tiếp điều chỉnh khía cạnh kinh tế của TSTT, trong đó quy định về vấn đề kiểm toán TSTT, định giá và kiểm soát giá trị của TSTT. Các nội dung liên quan đến định giá TSTT cần được quy định trong một văn bản thống nhất nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, áp dụng pháp luật, làm cơ sở nền tảng cho các bên xác định giá trị, tham gia đàm phán, ký kết các hợp đồng chuyển giao quyền SHTT. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cũng cần thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn về định giá TSTT, tổ chức thi sát hạch và cấp chứng chỉ cho các cán bộ, chuyên gia về định giá TSTT. Đây sẽ là nguồn nhân lực có trình độ cao để tham gia tư vấn, hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học trong quá trình khai thác thương mại các sản phẩm trí tuệ.
Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm hạn chế các hành vi xâm phạm quyền SHTT của các cơ sở giáo dục đại học.
Như đã phân tích ở trên, một trong những nguyên nhân hạn chế khả năng thương mại hóa TSTT của các trường đại học là do hành vi xâm phạm vẫn diễn ra phổ biến mà chưa bị nhắc nhở, xử lý nghiêm minh. Chính vì vậy, các cơ sở giáo dục đại học cần có quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi xâm phạm, đưa nội dung kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo hộ quyền SHTT vào nhiệm vụ của bộ phận thanh tra đào tạo. Các hành vi xâm phạm quyền SHTT trong trường khi bị phát hiện cần xử lý nghiêm theo quy chế của trường và đưa tin công khai để giáo dục, răn đe với các sinh viên, học viên khác. Ngoài ra, đơn vị thanh tra phối hợp với bộ phận quản lý TSTT của trường kịp thời phát hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả của các chủ thể ngoài trường, các website công bố, phân phối và truyền đạt trái phép các tác phẩm được bảo hộ để đề xuất biện pháp bảo vệ quyền tác giả, đề nghị và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT của trường.

Theo ThS. Phạm Minh Huyền
Trường Đại học Luật Hà Nội

Nguồn bài viết: https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/phap-luat-kinh-te.aspx?ItemID=521
 
[1]. Câu nguyên gốc bằng tiếng Anh trong Từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary (7th edition) là “to use something to try to make profit”, Oxford University Press, 2005, tr. 302.
[2]. Khoản 2 Điều 22 Luật Sở hữu trí tuệ.
[3]. PGS.TS. Vũ Thị Hải Yến, “Tổng quan về quản lý, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo tại Trường Đại học Luật Hà Nội”, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường “Nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Trường Đại học Luật Hà Nội”, Hà Nội, 2020.
[4]. TS. Hà Thị Nguyệt Thu, Kinh nghiệm quản lý TSTT của một số trường đại học ở Việt Nam và trên thế giới, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường Nghiên cứu xây dựng quy chế quản lý, khai thác và bảo vệ quyền SHTT của Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, 2020.

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục