Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc làm việc với các tỉnh miền Tây có chỉ đạo nghiên cứu đưa công nhân trở lại TP.HCM làm việc. Mới đây, TP.HCM và các tỉnh lân cận cũng có cuộc họp để thống nhất phương án đưa công nhân từ TP.HCM qua các tỉnh làm việc và ngược lại nhưng chưa gút.
Ngày 20-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, lãnh đạo hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM cho biết là tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp (DN) hoạt động trở lại nhưng trên nguyên tắc là bảo đảm sản xuất an toàn.
TP.HCM: Các doanh nghiệp phải thích ứng an toàn
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, để DN khởi động lại quá trình sản xuất cần một thời gian nhất định. Nó giống như một người bệnh, để trở lại bình thường phải có quá trình dưỡng bệnh. DN sau một thời gian đóng cửa, sản xuất cầm chừng thì thiếu hụt lao động, nguồn lực thâm hụt, thị trường bị thu hẹp và còn rất nhiều thứ phải lo toan buộc DN phải có quá trình chuẩn bị.
DN phải làm tốt việc thích ứng an toàn, tức sản xuất an toàn, an toàn tới đâu mở rộng sản xuất tới đó.
Để duy trì sản xuất, các công ty phải tuân thủ quy trình phòng chống dịch nghiêm ngặt. Trong ảnh: Công nhân Công ty Hữu hạn Kim loại Sheng Bang ở Khu công nghiệp Sông Mây, Đồng Nai. Ảnh: P.ĐIỀN
TP.HCM sẽ hỗ trợ tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2 cho toàn bộ người lao động (NLĐ) của DN; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất an toàn trên cơ sở quy tắc 5K của Bộ Y tế và tiêu chí mà TP.HCM ban hành.
Theo ông Hoan, ngoài chuyện công nhân được tiêm vaccine, thường xuyên xét nghiệm thì DN phải có kịch bản xử lý tình huống khi có F0, bảo đảm cách ly phạm vi hẹp nhưng bảo đảm chung cho DN sản xuất an toàn. DN cũng phải xây dựng lực lượng lao động dự bị, dự phòng để có thể thay thế F0 nhằm hoạt động bình thường.
Về việc phối hợp với các tỉnh, TP mở kênh đưa công nhân ở các tỉnh đã về quê từ đợt dịch thứ tư trở lại TP.HCM làm việc, điều này còn phải gắn với nhu cầu của DN. TP.HCM luôn sẵn sàng đón công nhân trở lại TP làm việc. “Sau ngày 30-9, nếu TP.HCM đã ổn và các địa phương khác đã ổn thì việc đi lại của bà con sẽ bình thường trở lại trên cơ sở đã tiêm vaccine. DN nên rà soát số lượng công nhân và NLĐ, lập danh sách và đề xuất để khi công nhân trở lại là được tiêm vaccine” – ông Hoan nói.
Bình Dương: Tạm sử dụng người lao động có sẵn tại vùng xanh
Ngay sau khi các địa phương tại Bình Dương công bố vùng xanh, DN trên địa bàn các vùng xanh đã bắt đầu khởi động các hoạt động bình thường mới.
Thế nhưng, việc bắt đầu khôi phục sản xuất trong điều kiện bình thường mới gây nhiều khó khăn cho DN vì đã tạm ngưng sản xuất trong một thời gian, trong đó có thiếu hụt NLĐ.
Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, số liệu thống kê mới đây cho thấy các DN đăng ký đầu tư mới, điều chỉnh giấy phép đầu tư, điều chỉnh vốn trong các khu công nghiệp tăng vượt 1,5 tỉ USD, trong đó đa số là tăng vốn, đây là tín hiệu đáng mừng.
Cũng theo ông Trí, sau khi nới lỏng giãn cách đã có hơn 400 DN đăng ký quay lại sản xuất với số lượng gần 53.000 NLĐ.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 8 giảm. Điều này cho thấy nếu không nhanh đưa sản xuất bình thường trở lại thì IIP sẽ giảm trong thời gian tới.
Theo một lãnh đạo tỉnh Bình Dương, hiện nay, các DN ở vùng xanh sẽ thực hiện mô hình sản xuất “ba xanh”: Nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh. Đối với DN vùng đỏ, DN muốn trở lại hoạt động sản xuất có thể lựa chọn phương án sản xuất “ba tại chỗ linh hoạt” hoặc “một cung đường – hai điểm đến”.
Các DN khi hoạt động trở lại phải bảo đảm yêu cầu nghiêm ngặt công tác phòng dịch trong nhà máy.
Bình Dương tạm thời sử dụng lực lượng lao động có sẵn tại các vùng xanh. Còn lực lượng lao động ở các tỉnh khác đã về quê muốn quay lại làm việc, Bình Dương vẫn đang tính toán kỹ lưỡng để có giải pháp cụ thể.
Tỉnh Đồng Nai chưa có kế hoạch kêu gọi công nhân trở lại
Ở Đồng Nai, tỉnh đã ban hành kế hoạch từng bước hoạt động phát triển kinh tế – xã hội bảo đảm phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh này chưa xây dựng kế hoạch kêu gọi, đưa NLĐ từ các tỉnh trở lại nhà máy làm việc. “Hiện tỉnh đang tháo gỡ những khó khăn đối với các DN đang hoạt động, tính toán để công nhân đi lại mà không đưa dịch bệnh vào DN, phải kiểm soát được nguy cơ lây lan dịch bệnh” – ông Dũng nói.
Cũng theo chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh đang thực hiện nhiều công việc để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong bối cảnh tỉnh dần kiểm soát được dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân khôi phục dần các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn phòng chống dịch, chăm lo sức khỏe và đời sống người dân.
Cũng theo ông Dũng, hiện Đồng Nai đang áp dụng vùng xanh đến quy mô phường, xã. Sau 10 ngày thử nghiệm, Đồng Nai sẽ đánh giá một cách thận trọng xem có bảo đảm vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế hay không.
Còn vấn đề các DN đề xuất cho NLĐ từ vùng vàng, cam, đỏ trở lại nhà máy để sản xuất hoặc từ nhà máy trở về nơi cư trú, tỉnh sẽ xem xét để bảo đảm nguồn lao động phục vụ cho sản xuất nhưng trên nguyên tắc bảo đảm an toàn…
Tiêm vaccine để người lao động an tâm
Ông Đào Xuân Đức, nguyên Phó Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM, nhận định để tái khởi động sản xuất, ngoài các nguồn lực tài chính, nguyên liệu thì lực lượng lao động chiếm vị trí tiên quyết.
Tuy nhiên, thời gian qua có hàng chục ngàn NLĐ đã rời TP.HCM về quê, sẽ tạo ra thiếu hụt nguồn lao động để đẩy mạnh phục hồi sản xuất. Như vậy, nếu DN quay lại sản xuất đến cuối năm nay cũng chỉ đáp ứng khoảng 60% lực lượng lao động. Còn muốn phục hồi nguồn nhân lực như lúc bình thường thì phải qua năm sau.
TP và DN cần có kế hoạch tổng thể để thu hút, kêu gọi NLĐ từ các tỉnh, TP cả nước với các giải pháp về chính sách tiền lương, phúc lợi và căn cơ nhất vẫn là việc bảo đảm môi trường sản xuất an toàn, trong đó có việc tiêm vaccine đầy đủ để NLĐ an tâm trở lại nhà máy làm việc. PĐ
Tá Lâm – Lê Ánh – Vũ Hội
Theo plo.vn
Nguồn bài viết: https://plo.vn/thoi-su/tphcm-sau-309-neu-on-se-don-cong-nhan-tro-lai-lam-viec-1016646.html