Sáng 18/6/2024, với vai trò Ủy viên ban chấp hành của Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Luật sư Nguyễn Tri Thắng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật Nam Hà và Cộng sự đã tham gia tọa đàm chủ đề “Ứng dụng AI và Blockchain trong ngành Luật – Siêu trợ lý học tập” do Trường ĐH Luật TP. HCM phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII tổ chức.
Tham dự tọa đàm, về phía Trường Đại học Luật TP.HCM có: PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm – Chủ tịch Hội đồng trường; TS. Lê Trường Sơn – Hiệu trưởng Nhà trường; GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng đại diện lãnh đạo các Phòng, Ban, Trung Tâm và sinh viên tham dự. Về phía Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII gồm có: Ông Trần Việt Hùng – Nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Cố vấn cấp cao Hiệp hội Blockchain Việt Nam; Ông Phan Đức Trung – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam; Ông Đào Trung Thành – Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII; Ông Hàng Minh Lợi – Giám đốc Trung tâm sáng tạo Viện ABAII; LS. Nguyễn Tri Thắng – Giám đốc Công ty Luật Nam Hà và Cộng sự.
Tại buổi tọa đàm, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã chia sẻ ứng dụng “AI tra cứu luật” và ký Biên bản ghi nhớ (MOU) cùng Đại học Luật TPHCM về việc phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo, ứng dụng công nghệ Blockchain và AI cho sinh viên và giảng viên nhà trường.
Ông Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Đại học Luật TPHCM ký kết Biên bản ghi nhớ với ông Phan Đức Trung (Áo trắng), đại diện Hiệp hội Blockchain Việt Nam.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các chuyên gia cho biết, sự xuất hiện của các công cụ như Chatbot GPT, trợ lý ảo ngành Tòa án và các ứng dụng tra cứu khác đã đem lại nhiều lợi ích cho sinh viên và người hành nghề luật như tiết kiệm thời gian, giảm bớt lượng công việc thủ công và cung cấp nguồn dữ liệu pháp lý khổng lồ dễ dàng tra cứu. Tuy nhiên, AI vẫn tồn tại những hạn chế về chất lượng làm giảm mức độ đáng tin cậy của nguồn thông tin. Vì vậy, khi sử dụng công cụ tra cứu pháp lý, người dùng không nên hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả được cung cấp mà cần phải kiểm tra lại tính xác thực của dữ liệu.
Tại chương trình, các chuyên gia hàng đầu về pháp lý, công nghệ như ông Phan Đức Trung (Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam); ông Đào Trung Thành (Phó Viện trưởng Viện ABAII); luật sư Nguyễn Tri Thắng (Giám đốc Công ty Luật Nam Hà và cộng sự) và PGS.TS Trần Việt Dũng (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật TPHCM) đã có buổi trao đổi cởi mở, thẳng thắn về việc ứng dụng công nghệ blockchain và AI vào ngành luật cũng như các vấn đề pháp lý, đạo đức hiện đang được cộng đồng rất quan tâm.
Các chuyên gia pháp lý chia sẻ về ứng dụng Blockchain và AI trong ngành luật
Là một người hành nghề luật nhiều năm, Luật sư Nguyễn Tri Thắng – Giám đốc Công ty Luật Nam Hà thừa nhận, AI đang hỗ trợ rất nhiều cho nhân sự nghề luật, giúp tăng năng suất, tăng mức độ chính xác và tốc độ giải quyết công việc. Luật sư Thắng đã dẫn ví dụ nghiên cứu của Đại học Stanford, khi đã tiến hành thí nghiệm với AI pháp lý LawGeex bằng cách cho công cụ này làm bài kiểm tra cùng 20 luật sư giàu kinh nghiệm để đánh giá các hợp đồng pháp lý. Kết quả cho thấy, các luật sư đạt được tỷ lệ chính xác 85% và mất trung bình 92 phút, trong khi AI đạt đến 95% và hoàn thành nhiệm vụ chỉ trong vòng 26 giây. “Mặc dù AI không thể thay thế hoàn toàn con người hay các luật sư, chuyên gia pháp lý nhưng sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cũng đem đến những khó khăn nhất định như làm tăng tính cạnh tranh, gia tăng áp lực nghề nghiệp đối với các nhân sự ngành luật”- Luật sư Thắng bày tỏ lo ngại.
Luật sư Nguyễn Tri Thắng chia sẻ góc nhìn về câu hỏi AI sẽ thay đổi các ngành nghề pháp lý như thế nào.
Có thể thấy, AI đã và đang đem lại nhiều ích lợi cho người dùng, tuy nhiên, người dùng không nên hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả được cung cấp mà cần phải kiểm tra lại tính xác thực của dữ liệu. Công ty Luật Nam Hà đang dành sự quan tâm nhất định đến việc chuyển đổi số cũng như việc ứng dụng AI Luật để cải thiện chất lượng dịch vụ pháp lý của mình, mang đến những giá trị tốt nhất cho khách hàng và xã hội./.
Quý đại biểu, khách mời và sinh viên tham dự tọa đàm chụp ảnh lưu niệm