Liên quan đến BN2899 nhiễm COVID-19, sáng 2-5, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam đã tổ chức họp khẩn. Ông Trương Quốc Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, cho biết đối với BN2899, dù đã hoàn thành thực hiện cách ly ở Đà Nẵng nhưng khi về nhà lại chưa thực hiện nghiêm các quy định là phải tự cách ly tại nhà, vẫn tổ chức liên hoan, ăn uống khiến lây bệnh cho một số người.
Âm tính vẫn phải cách ly tại nhà
Theo ông Huy, trước hết sẽ phải xử lý phạt hành chính, nếu đủ căn cứ thì xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với BN2899. Cạnh đó, UBND tỉnh cũng kiểm điểm trách nhiệm trưởng Trạm Y tế xã Đạo Lý (huyện Lý Nhân) vì chưa xử lý và giải quyết kịp thời trường hợp BN2899, gây hậu quả lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Các cá nhân thuộc các đơn vị: Sở Y tế, huyện Lý Nhân và xã Đạo Lý nếu có vi phạm thì sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, phân tích: Căn cứ Văn bản số 425 ngày 19-1-2021 của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 (hướng dẫn bàn giao, quản lý sau khi hoàn thành cách ly tập trung) thì người đã hoàn thành cách ly tập trung về nơi lưu trú tiếp tục theo dõi, giám sát y tế 14 ngày (kể từ ngày có quyết định hoàn thành cách ly).
Ngoài ra, người cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch COVID-19 phải tuân thủ theo Quyết định 879 ngày 12-3-2020 của bộ trưởng Bộ Y tế (hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú phòng chống dịch COVID-19).
Theo đó, người thuộc đối tượng cách ly tập trung có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng là đối tượng phải cách ly y tế tại nhà. Vì vậy, người cách ly có nghĩa vụ thực hiện theo mục 6.4 của Quyết định 879 nói trên.
Theo LS Nguyễn Hoài Nghĩa, Đoàn LS TP.HCM, Quyết định 879 nói trên quy định rất rõ đối với thành viên trong hộ gia đình, nơi ở, nơi lưu trú. Theo đó, những người này phải hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi cần tiếp xúc. Họ phải cung cấp suất ăn riêng cho người được cách ly và thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã, chính quyền địa phương khi người được cách ly tự ý rời khỏi khu cách ly hoặc có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh. Ngoài ra, những người này không được tổ chức liên hoan, ăn uống, hoạt động đông người tại nơi ở, nơi lưu trú…
Có thể bị xử lý hình sự
Về chế tài cụ thể, LS Lê Quang Vũ, Đoàn LS TP.HCM, cho biết nếu người cách ly vi phạm quy định về cách ly y tế thì có thể bị xử phạt 5-10 triệu đồng theo điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định 117/2020 của Chính phủ.
Theo LS Hoan, người không tuân thủ quy định về cách ly có thể bị xử lý theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS vì có hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù với mức án cao nhất lên đến 12 năm tù.
Đối với nhân viên y tế xã, người có thẩm quyền của chính quyền địa phương có thể bị phạt tiền 5-10 triệu đồng theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 117/2020 của Chính phủ nếu có vi phạm về hai hành vi. Đó là việc: Không tổ chức cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định hoặc không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định.
Trường hợp có hậu quả xảy ra chết người như gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (hoặc của tổng hai người trở lên) mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên do ngân sách nhà nước phải bỏ chi phí về phòng chống dịch… thì có thể bị xem xét về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 BLHS 2015 (mức án cao nhất đến 12 năm tù). Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.
Trách nhiệm của người bị cách ly tại nhà
a) Chấp hành việc tự cách ly tại nơi ở, nơi lưu trú đúng thời gian quy định và có cam kết với chính quyền địa phương (mẫu kèm theo).
b) Tự đo thân nhiệt và tự theo dõi sức khỏe hằng ngày. Ghi lại kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hằng ngày. Thông báo hằng ngày cho nhân viên y tế cấp xã về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.
c) Thông báo ngay cho nhân viên y tế cấp xã được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, đau họng, khó thở.
d) Hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác.
đ) Không ra khỏi nơi ở, nơi lưu trú trong suốt thời gian cách ly.
e) Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn khác. Không dùng chung các vật dụng cá nhân: bát, đũa, thìa, cốc, bàn chải đánh răng, khăn mặt…
f) Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng để xử lý theo quy định.
g) Không ăn chung, không ngủ chung với những người khác trong gia đình, nơi ở, nơi lưu trú.
h) Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống đủ nước, vận động cơ thể, tập thể dục nhẹ nhàng tại chỗ.
(Trích mục 6.4 Quyết định 879 ngày 12-3-2020 của bộ trưởng Bộ Y tế)
Ngân Nga
Theo plo.vn
Nguồn bài viết: https://plo.vn/phap-luat/vi-pham-ve-cach-ly-tai-nha-co-the-bi-khoi-to-982463.html