VKS Cấp cao đề nghị VKS Tối cao kháng nghị ‘bản án sửa 3 lần’

Theo (PLO)- Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho hay ông Nguyễn Đình Trung (Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM) vừa có văn bản gửi VKSND Tối cao đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vụ tranh chấp cổ phần Công ty CP Nam Bắc. Đây là vụ án mà Pháp Luật TP.HCM đã nhiều lần phản ánh.

Theo đó, năm 2012 và năm 2016, vợ chồng bà Nguyễn Thị Bắc, ông Vũ Trọng Hùng chuyển nhượng hơn 3 triệu cổ phần (tương đương 30,5 tỉ đồng) của mình cho ông Trần Văn Tùng. Ông Tùng trở thành chủ tịch HĐQT Công ty CP Nam Bắc, có dự án khu dân cư Bạch Đằng tại xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau.

Đến năm 2019, vợ chồng bà Bắc khởi kiện ông Tùng đòi lại toàn bộ cổ phần đã chuyển nhượng. Nguyên đơn cho rằng việc chuyển nhượng cổ phần cho ông Tùng là giả tạo nhằm nhờ ông Tùng đứng tên công ty để dễ vay tiền ngân hàng, bởi bà Bắc lúc bấy giờ có nợ xấu khó vay tiền. Sau một thời gian, ông Tùng không vay được tiền nên vợ chồng bà yêu cầu hủy các hợp đồng mua bán cổ phần, trả lại quyền sở hữu công ty.

Phía bị đơn, ông Tùng cho rằng do vợ chồng bà Bắc muốn từ bỏ công ty nên giao cho ông. Ông đã nhận công ty, điều hành dự án, đồng thời thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng cho công ty (thời bà Bắc để lại) vài chục tỉ đồng.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM nhận định cả hai cấp tòa sơ, phúc thẩm vụ án này đều nhận định thủ tục chuyển nhượng cổ phần giữa nguyên và bị đơn hợp pháp. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm tuyên bác yêu cầu khởi kiện, còn tòa phúc thẩm thì tuyên ngược lại.

VKS cho rằng Công ty CP Nam Bắc vay tiền là trên pháp nhân chứ không phải cá nhân nên khẳng định lý do để ông Tùng đứng tên để dễ vay tiền là không đúng với thực tế khách quan. Hơn nữa, việc chuyển giao dự án khu đô thị Bạch Đằng không phải chỉ ông Tùng, bà Bắc làm được, phải có nhiều cơ quan, trong đó có UBND tỉnh chấp thuận. Ông Tùng đã đứng tên trên giấy tờ đại diện pháp nhân hợp pháp.

VKS bày tỏ quan điểm đồng thuận với bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Cà Mau, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Còn bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM là “đánh giá chứng cứ không đúng sự thật khách quan của vụ án, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn”.

Từ đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị VKSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên án sơ thẩm.

Cơ quan dân cử giám sát chặt vụ án

Vụ án này TAND tỉnh Cà Mau xử sơ thẩm, tuyên bác yêu cầu khởi kiện. Đến ngày 12-8, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện, hủy hai hợp đồng, buộc ông Tùng trả lại hơn 3 triệu cổ phần, tương đương 30,5 tỉ đồng.

Sau khi bản án được ban hành, chủ tịch HĐND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Sở KH&ĐT, Cục Thi hành án tỉnh Cà Mau cùng có văn bản thắc mắc với bản án.

Từ các văn bản trên, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ba lần ra quyết định sửa chữa, bổ sung bản án. Cụ thể, sửa tên công ty từ Công ty CP Bắc Nam thành Công ty CP Nam Bắc, sửa con số liên quan đến tiền cổ phần. Gần đây nhất là sửa số tiền án phí, từ 247 triệu đồng xuống còn 3 triệu đồng.

Riêng chủ tịch HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau còn có văn bản kiến nghị cá nhân có thẩm quyền ở Tòa và Viện Tối cao xem xét kháng nghị giám đốc thẩm bản án này. Hai cơ quan trên cho rằng vụ việc đã hết hiệu lực xét xử, nhiều nội dung tuyên vô lý, không toàn diện, khách quan, nhiều sai sót.

Hai cơ quan này cùng nhấn mạnh việc tòa chỉ tuyên ông Tùng trả cổ phần cho vợ chồng bà Bắc mà không xem xét đến công lao ông Tùng đã đầu tư tài chính, công sức vào công ty từ gần chục năm trời.

TRẦN VŨ

 

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN