ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Vụ án tranh chấp hợp đồng vay tiền – Cần phân biệt từng trường hợp cụ thể để có hướng giải quyết

Theo Th.s HUỲNH XUÂN TÌNH (Thẩm phán TAND tp Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) -Th.s NGUYỄN THỊ THANH HƯƠNG (Phó trưởng phòng Vụ Pháp chế và QLKH TANDTC) – Sau khi nghiên cứu tình huống trong bài viết: “Đánh giá chứng cứ trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tiền khi chỉ có giấy vay tiền” của tác giả Bùi Văn Khanh đăng ngày 3/4/2021, chúng tôi cho rằng cần phân biệt trường hợp bị đơn được tống đạt trực tiếp thông báo thụ lý hay gián tiếp qua niêm yết, để giải quyết vụ án một cách khách quan.

Trong tố tụng dân sự, quan hệ lợi ích cần được giải quyết trong các vụ việc dân sự là quan hệ giữa các đương sự, do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án thì các đương sự có quyền và nghĩa vụ chứng minh cho Tòa án và những người tham gia tố tụng khác thấy được sự đúng đắn trong yêu cầu của mình. Chính vì vậy, chứng minh là hoạt động tố tụng cơ bản trong tố tụng dân sự, mang tính chất quyết định đến kết quả giải quyết vụ việc dân sự, làm cơ sở cho Tòa án giải quyết vụ việc dân sự được chính xác và đúng pháp luật. Vậy nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn và bị đơn được phân định như thế nào? Để hiểu rõ vấn đề này chúng ta cùng phân tích một tình huống được nêu trong bài viết của tác giả Bùi Văn Khanh[1] thường hay gặp trong quá trình xét xử tại Tòa án. Cụ thể như sau:

Ông Phan Quốc C cho chị Hà Thị D vay số tiền 2 tỷ đồng, thời hạn vay là 03 tháng. Hết hạn vay, chị D không trả tiền cho ông C. Ông C khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu buộc chị D phải trả số nợ gốc và lãi theo quy định. Kèm theo đơn khởi kiện, ông C cung cấp cho Tòa án 01 giấy vay tiền viết tay có chữ ký của bên nhận là chị Hà Thị D. Quá trình Tòa án giải quyết vụ án trên, bị đơn được triệu tập hợp lệ nhưng không đến Tòa án tham gia tố tụng.

Tác giả Bùi Văn Khanh cũng nêu lên hai quan điểm: Quan điểm thứ nhất cho rằng  không đủ cơ sở để khẳng định có hay không việc vay mượn tiền giữa hai bên. Do đó, nếu không thu thập được chữ ký, chữ viết để làm cơ sở trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết thì Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Và quan điểm thứ hai cho rằng Tòa án cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Chúng tôi cho rằng, khi giải quyết vụ án dân sự nhất là các vụ án tranh chấp hợp đồng dân sự về vay tài sản thì có trường hợp bị đơn có mặt tại địa phương, tuy nhiên, cũng có trường hợp bị đơn đã bỏ trốn hoặc vì lý do gì đó mà không có mặt tại địa phương[2]. Do vậy, trong trường hợp này cần phân biệt, tùy từng trường hợp cụ thể để có hướng giải quyết khác nhau, cụ thể như sau:

Trường hợp thứ nhất: Nếu bị đơn đã được tống đạt trực tiếp thông báo thụ lý theo quy định tại khoản 1 Điều 174, Điều 177 BLTTDS năm 2015, tức là bị đơn nhận và biết được thông báo thụ lý thì dù bị đơn không đến Tòa án và nguyên đơn cũng không cung cấp được được chữ ký, chữ viết để làm cơ sở trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết thì Tòa án vẫn chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải trả số nợ gốc cùng lãi suất theo quy định cho nguyên đơn.

Bởi lẽ, tại khoản 2 Điều 91 BLTTDS năm 2015 cũng quy định: “Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó.” Như vậy, trong tố tụng dân sự, không chỉ đương sự đưa ra yêu cầu mà ngay cả đương sự phản đối yêu cầu cũng phải có nghĩa vụ chứng minh. Nói cách khác, đương sự phản đối yêu cầu cũng phải thuyết phục Tòa án rằng mình không xâm phạm đến quyền lợi của đương sự có yêu cầu; từ đó Tòa án mới có căn cứ, cơ sở để bác bỏ yêu cầu mà phía bên kia đưa ra. Đương sự phản đối yêu cầu phải đưa ra chứng cứ, căn cứ pháp lý, các lý lẽ, lập luận để chứng minh cho việc phản đối đó là đúng đắn và có cơ sở. Khoản 2 Điều 92 BLTTDS năm 2015 quy định: “Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh”. Trường hợp này, bị đơn đã biết nội dung khởi kiện của nguyên đơn nhưng không đến Tòa án để trình bày ý kiến, cũng như không đưa ra bất kỳ ý kiến phản đối nào thì được hiểu rằng bị đơn thừa nhận chứng cứ mà nguyên đơn đã đưa ra và nguyên đơn không phải chứng minh thêm cho yêu cầu khởi kiện của mình. Do đó, việc Tòa án chấp nhận yêu cầu của bị đơn là hoàn toàn có cơ sở.

Trường hợp thứ hai: Nếu bị đơn được tống đạt thông báo thụ lý nhưng dưới hình thức niêm yết hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại khoản 3, 4 Điều 174, Điều 179 và Điều 180 BLTTDS năm 2015, tức là không thể tống đạt trực tiếp được cho bị đơn do bị đơn không có mặt tại địa phương thì trường hợp này không thuộc quy định tại khoản 2 Điều 92 BLTTDS năm 2015. Nói cách khác, Tòa án không xác định việc bị đơn không đến Tòa án là không phản đối, hoặc thừa nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Mà trong trường hợp này, Tòa án cần phải yêu cầu nguyên đơn cung cấp chữ ký, chữ viết mẫu để làm cơ sở trưng cầu giám định chữ ký, chữ viết trong biên nhận nợ. Nếu nguyên đơn gặp khó khăn trong việc thu thập chứng cứ thì nguyên đơn có thể yêu cầu Tòa án hỗ trợ trong việc thu thập các chữ ký, chữ viết mẫu như các chữ ký, chữ viết có trong hồ sơ làm các giấy tờ cá nhân (giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn…). Nếu nguyên đơn không cung cấp được thì chưa đủ cơ sở để xem xét chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Có như vậy, mới đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự, cũng như, tránh được những trường hợp chủ thể “lách luật”, lợi dụng sự vắng mặt của đương sự thể tạo ra những giấy tờ, chứng cứ giả làm căn cứ khởi kiện trước Tòa án.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả nhằm trao đổi với bạn đọc. Rất mong nhận được sự góp ý, trao đổi của các bạn đồng nghiệp và đọc giả để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

TANDTP Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu  xét xử vụ án “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” – Ảnh: Lương Ngọc Tú


[1] https://www.tapchitoaan.vn/bai-viet/trao-doi-y-kien/danh-gia-chung-cu-trong-vu-an-tranh-chap-hop-dong-vay-tien-khi-chi-co-giay-vay-tien

[2] Thuộc trường hợp cố tình giấu địa chỉ theo hướng dẫn của Nghị quyết 04/2017/NQ-HDTP ngày 05/5/2017 hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án.

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/vu-an-tranh-chap-hop-dong-vay-tien-can-phan-biet-tung-truong-hop-cu-the-de-co-huong-giai-quyet

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục