NGUYỄN CAO CƯỜNG (VKSND huyện A Lưới, Thừa Thiên Huế) – Thực tiễn cho thấy, quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về giữ người, bắt người cũng như thời hạn tạm giữ, thời hạn xét phê chuẩn các lệnh, quyết định vẫn còn vướng mắc, bất cập, gây khó khăn cho việc áp dụng.
Thứ nhất, Viện kiểm sát kiểm sát việc trả tự do cho người bị giữ, bị bắt quả tang như thế nào?
Tại khoản 4 Điều 110 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 (BLTTHS) có quy định “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp hoặc nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này phải ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó. Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn”.
Khoản 4 Điều 117 Bộ luật này quy định: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ phải gửi quyết định tạm giữ kèm theo các tài liệu làm căn cứ tạm giữ cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền. Nếu xét thấy việc tạm giữ không có căn cứ hoặc không cần thiết thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và người ra quyết định tạm giữ phải trả tự do ngay cho người bị tạm giữ.”.
Như vậy, trường hợp sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan có thẩm quyền điều tra trả tự do cho người bị giữ chứ không ra quyết định tạm giữ, ra lệnh bắt người bị giữ, thì không phải thông báo, không phải gửi hồ sơ trả tự do cho VKS. Cũng như giữ người trong trường hợp khẩn cấp, sau khi bắt người phạm tội quả tang, nếu Cơ quan có thẩm quyền điều tra không ra quyết định tạm giữ mà trả tự do cho người bị bắt thì cũng không phải thông báo hay gửi hồ sơ trả tự do cho VKS. Các trường hợp này, VKS rất khó biết được, nắm được để kiểm sát việc Cơ quan có thẩm quyền điều tra đã giữ người, bắt người phạm tội quả tang, cũng như Cơ quan có thẩm quyền điều tra trả tự do cho người bị giữ, người bị bắt có căn cứ và hợp pháp hay không? Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt tội phạm, người phạm tội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị giữ, người bị bắt.
Vì lẽ đó, tác giả đề nghị bổ sung vào Điều 110, 111,114 BLTTHS quy định về trách nhiệm và thời hạn Cơ quan có thẩm quyền điều tra phải gửi quyết định cùng hồ sơ trả tự do cho người bị giữ, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang để VKS có thể kiểm sát hoạt động này, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Thứ hai, thời hạn VKS phải phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan có thẩm quyền điều tra chưa hợp lý.
Tại khoản 6 Điều 110 BLTTHS: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn” và khoản 2 Điều 118 Bộ luật này: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị gia hạn tạm giữ, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn” quy định thời hạn xét phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp và quyết định gia hạn tạm giữ trong 12 giờ là quá ngắn, gây khó khăn cho VKS, nhất là các vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc khi xét phê chuẩn cùng lúc nhiều đối tượng mà trước đó VKS chưa nắm được việc giữ người, bắt người.
Do đó, theo tác giả, BLTTHS cần sửa đổi thời hạn phê chuẩn của VKS dài hơn, chẳng hạn 24 giờ đối với lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp tại Điều 110 và quyết định gia hạn tạm giữ tại Điều 118.
Trường hợp không sửa đổi thời hạn phê chuẩn, thì có thể bổ sung vào Điều 110, 114 Bộ luật này nội dung ngay sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, Cơ quan có thẩm quyền điều tra phải thông báo ngay việc giữ người, bắt người cho Viện kiểm sát. Điều này giúp VKS nắm bắt được vụ việc ngay từ đầu để chủ động phối hợp và kiểm sát chặt chẽ việc giữ người, bắt người phạm tội quả tang, từ đó hoạt động xét phê chuẩn lệnh bắt người, gia hạn tạm giữ sẽ thuận lợi hơn.
Thứ ba, mâu thuẫn về thời điểm kết thúc thời hạn tạm giữ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLTTHS, thời hạn mà Bộ luật này quy định được tính theo giờ, ngày, tháng, năm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn. Trong khi đó, khoản 1 Điều 118 Bộ luật này lại quy định “Thời hạn tạm giữ không quá 03 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt hoặc áp giải người bị giữ, người bị bắt về trụ sở của mình hoặc kể từ khi Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú”. Với quy định trên, tác giả cho rằng dường như có sự mâu thuẫn giữa Điều 118 và Điều 134 BLTTHS về thời điểm kết thúc của thời hạn tạm giữ.
Trong ví dụ đã nêu trên, CQĐT đã quyết định tạm giữ 7 đối tượng từ 8 giờ 00 phút, ngày 24/3/2021. Nếu theo Điều 118 BLTTHS thì thời hạn tạm giữ hết vào 8h00 phút, ngày 27/3/2021; còn theo Điều 134 Bộ luật này, thời hạn tạm giữ sẽ hết vào lúc 24h ngày 27/3/2021.
Trong thực tiễn tạm giữ, CQĐT vẫn áp dụng Điều 118 BLTTHS để tính thời hạn tạm giữ, nhưng để thống nhất nhận thức, tác giả đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải thích, hướng dẫn.
Kiểm sát công tác tác tạm giữ, tạm giam Ảnh: Nguyễn Chí Linh
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/vuong-mac-tu-thuc-tien-ap-dung-quy-dinh-ve-viec-bat-tam-giu6418.html