Vướng mắc về định giá tài sản trong vụ án hình sự

Việc định giá tài sản có vai trò quan trọng trong xác định tính chất, mức độ của từng tội danh cụ thể của Bộ luật Hình sự, ngoài ra còn là cơ sở để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bài viết này phân tích những quan điểm trái chiều trong việc xác định giá trị thiệt hại của tài sản, từ đó đưa ra căn cứ đề xuất hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự.

Quy định về kết luận định giá tài sản trong pháp luật tố tụng hình sự

Việc xử lý hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác được quy định từ Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985. Theo đó, ở một số tội danh cụ thể đã có quy định về hành vi “chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn”, từ đó, cho thấy việc xác định giá trị tài sản bị xâm hại là bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Qua những lần pháp điển hóa, BLHS năm 1999, BLHS năm 2015 đều quy định cụ thể về giá trị tài sản bị xâm hại trong cấu thành tội phạm.

Điều 7 Bộ luật Tố tụng hình sự (BTTHS) năm 1988 đã ghi nhận: “Công dân có quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự và nhân phẩm. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự và nhân phẩm của công dân đều bị xử lý theo pháp luật”. Đồng thời, tại Điều 47 BLTTHS năm 1988 quy định những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự cũng yêu cầu phải xác định tính chất và mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Tuy nhiên, Điều 48 BLTTHS năm 1988, Điều 64 BLTTHS năm 2003 khi quy định về chứng cứ đều không quy định căn cứ xác định giá trị thiệt hại của tài sản.

Ngày 02/3/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2005/NĐ-CP về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự (Nghị định số 26/2005), trong đó quy định cụ thể về việc ban hành Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự. Sau đó, BLTTHS năm 2015 đã bổ sung quy định về Kết luận định giá tài sản và xem đây là một trong những nguồn chứng cứ phải có trong quá trình giải quyết vụ án hình sự liên quan đến tài sản bị thiệt hại. Để khắc phục một số bất cập của Nghị định số 26/2005, ngày 07/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản, trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự (Nghị định số 30/2018), đồng thời, ngày 07/5/2018, Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư số 43/2018/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018.

Việc xác định giá đối với vật, tài sản có tính năng đặc biệt

Đối với tài sản là gia súc, gia cầm, thú nuôi:

Khoản 1 Điều 217 BLTTHS năm 2015 quy định về tiến hành định giá tài sản như sau: “Việc định giá tài sản do Hội đồng định giá tài sản tiến hành. Phiên họp định giá tài sản có thể thực hiện tại nơi có tài sản được định giá hoặc nơi khác theo quyết định của Hội đồng định giá tài sản.”

Để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại, Nghị định số 30/2018 đã quy định việc định giá phải phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá. Một trong các căn cứ định giá tài sản là giá thị trường của tài sản, có thể được xác định theo giá bán buôn, giá bán lẻ của tài sản cùng loại hoặc tài sản tương tự.

Quy định chung là như vậy, tuy nhiên đối với một số tài sản là gia súc, gia cầm hay thú nuôi thì việc định giá chưa được thực hiện đúng theo quy định trên mà phần lớn dựa vào nhận thức chủ quan của các cơ quan, người tiến hành tố tụng để vận dụng trong thực tiễn.

Ví dụ: Trong vụ chiếm đoạt tài sản là gà chọi (gà đá), đây là gà trống giống hay được nuôi dùng để chọi ăn cuộc, do đó, gà chọi có giá cao hơn gà thịt thông thường, có con giá vài triệu đồng nhưng có những con gà có giá trị cả tỉ đồng. Cũng có những con chó nuôi được xem là thú cưng có giá trị từ 10 triệu đến trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, Hội đồng định giá chỉ xác định giá trị tài sản theo giá gà thịt, chó thịt với vài chục ngàn đồng/kg. Để bảo vệ cho quan điểm của mình, những người định giá cũng như những người tiến hành tố tụng cho rằng: Nếu xác định gà chọi có giá trị cao hơn gà thịt, đồng nghĩa với việc cho phép đánh bạc ăn thua bằng tiền, vì thế không được tính giá gà chọi theo giá thị trường mà phải tính theo giá gà thịt và quan điểm này đang được áp dụng trong thực tiễn.

Theo tác giả, ý kiến trên là chưa phù hợp. Theo cách hiểu gà chọi là gà được nuôi riêng và dùng để mang đi chọi, việc chọi ăn cuộc không nhất thiết phải là hình thức được thua bằng tiền hay hiện vật, bởi trong đời sống xã hội, nhiều cuộc chọi gà được phép tổ chức trong các lễ hội dân gian. Nếu lạm dụng việc chọi gà để cá cược nhằm thu lợi bất chính thì tùy tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cũng như việc đánh bài, pháp luật không cấm nếu việc đánh bài đó không có tính sát phạt, không được thua bằng tiền hay hiện vật mà chỉ là giải trí. Việc định giá gà chọi, thú nuôi với giá tính trên kilôgam bán tiêu dùng sẽ thiệt hại đến quyền của bị hại. Nhiều trường hợp, người thực hiện hành vi phạm tội khi trộm được gà chọi, thú nuôi đã bán với giá cao nhưng khi bị phát hiện thì chỉ nhận là bán với giá kilôgam thịt theo giá thị trường tiêu dùng nhằm chiếm đoạt tài sản và không phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật (bởi giá trị định giá không đủ định lượng cấu thành tội phạm).

Có thể thấy, việc nhận thức và vận dụng pháp luật nói trên chưa đảm bảo quyền lợi của bị hại, là kẽ hở khiến tội phạm không bị xử lý. Do đó, Liên ngành Trung ương cần có hướng dẫn việc định giá tài sản là gia súc, gia cầm, thú nuôi đúng với giá trị thực tế của tài sản bị xâm hại; kịp thời khắc phục thiếu sót nêu trên.

Về chứng thư, giấy xác định quyền tài sản:

Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản là vật, nhưng có phải bất cứ vật nào cũng là tài sản hay không? Trên cơ sở lý luận cho rằng, thuộc tính tài sản là vật phải có giá trị thành tiền, là đối tượng trong trao đổi tài sản và khi chúng không còn tồn tại thì quyền sở hữu bị chấm dứt thì một số vật không được xác định là tài sản. Điển hình như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, giấy đăng ký xe máy… Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất chỉ là một chứng thư và là một bằng chứng chứng minh quyền sử dụng đất, không phải là giấy tờ có giá và từ đó cho thấy các loại giấy tờ, chứng thư trên không được xem là tài sản. Vấn đề này phù hợp với hướng dẫn tại Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 của Tòa án nhân dân tối cao về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy.

Như vậy, hành vi chiếm đoạt các giấy tờ trên không được xác định là vi phạm pháp luật, bởi vì các loại giấy tờ trên không được xem là tài sản. Thời gian qua, có nhiều trường hợp tranh chấp và đã chiếm đoạt trái phép các vật nói trên, khi đưa ra xác định giá trị tài sản thì không định giá, thậm chí dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc chiếm đoạt các vật trên, có đủ dấu hiệu khách quan của tội “cướp tài sản” hay tội “cưỡng đoạt tài sản” (quy định tại các điều 168, 171 BLHS năm 2015) nhưng vì không xác định các vật trên là tài sản nên các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật không bị xử lý.

Tuy không phải là giấy tờ có giá, nhưng hoàn toàn có thể xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vật. Điều này là hợp lý, bởi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tồn tại dưới hình thức vật chất nhất định, thậm chí có hình dạng cụ thể (là tờ giấy) nằm trong khả năng chiếm hữu của con người (có thể thực hiện việc nắm giữ, chiếm giữ, quản lý đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), có giá trị sử dụng (được dùng để chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của người sử dụng đất). Việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thể tham gia vào giao dịch trao đổi mua bán không làm mất đi bản chất tài sản của nó. Có quan điểm cho rằng: “Việc Tòa án nhân dân tối cao coi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tài sản dẫn đến nhiều hệ quả  không giải thích được về lý luận và thực tế, đồng thời làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người sử dụng đất”.

Theo tác giả, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như các giấy tờ, chứng thư pháp lý là một trong những loại giấy tờ có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự công nhận của nhà nước đối với người sử dụng đất hợp pháp. Việc chiếm giữ trái phép những loại giấy tờ trên ảnh hưởng không nhỏ đến quyền của chủ sở hữu. Là một vật được tồn tại do con người tạo ra với một khoản chi phí nhất định (giấy, lệ phí..) nên nó có giá trị riêng. Nếu bị mất mát, hư hỏng, chủ sở hữu phải làm lại và phải tốn một khoản chi phí nhất định. Vì thế, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các chứng thư và giấy tờ khác không được xác định là giấy tờ có giá nhưng cũng cần xem đây là một loại tài sản, và giá trị của nó được xác định bằng chi phí làm lại giấy thông qua các khoản trích thu giấy và lệ phí nhất định.

Đối với tài sản là động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm:

Nghị định số 30/2018 quy định việc định giá tài sản là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong những căn cứ sau: Giá thị trường của tài sản mua bán không chính thức; giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định; giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.

Hiện nay chưa có cơ quan, tổ chức nào quy định về giá của các loại động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Việc xác định giá chủ yếu dựa vào việc xác minh thực tế tại địa phương. Hơn nữa, khi tiếp nhận thông tin về việc mua bán không chính thức thì cơ quan chức năng có phải xử lý hay không khi người cung cấp thông tin đã thực hiện hành vi mua bán hoặc chứng kiến hành vi mua bán mà không báo cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời. Ở mỗi địa phương hoặc khu vực sẽ có giá khác nhau nên việc áp dụng giá không thống nhất, dẫn tới việc áp dụng pháp luật không công bằng. Cùng về một hành vi, đối với cùng một loài, một cá thể động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm thì ở địa phương này người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự còn ở địa phương khác thì có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một số kiến nghị

Những vướng mắc trong việc định giá tài sản như đã nêu là nguyên nhân dẫn đến kết quả định giá tài sản không bảo đảm tính khách quan, xác thực và còn làm kéo dài thời gian, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ án. Để đảm bảo việc nhận thức, áp dụng pháp luật được thống nhất trong thực tiễn, tác giả có một số kiến nghị sau:

Một là, liên ngành Trung ương có hướng dẫn thống nhất thế nào tài sản; việc xác định giá trị tài sản đối với tài sản là gia súc, gia cầm, thú nuôi, chứng thư, giấy xác định quyền tài sản… bị chiếm đoạt trái pháp luật.

Hai là, ban hành quy định cụ thể về giá trị đối với động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm khi bị xâm hại.

Để đạt được mục tiêu trong công tác cải cách tư pháp thì một trong những nhiệm vụ đặt ra là phải “hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp” như nội dung Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Do đó, muốn nâng cao chất lượng công tác định giá tài sản trong hoạt động tố tụng thì vấn đề quan trọng trước hết là cần gấp rút hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này./.

Ngô Văn Lượng – Thạc sĩ, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân

Theo kiemsat.vn

Nguồn bài viết: https://kiemsat.vn/vuong-mac-ve-dinh-gia-tai-san-trong-vu-an-hinh-su-62441.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN