ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Vướng mắc về giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự của Viện kiểm sát và giải pháp khắc phục

Thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nảy sinh một số vướng mắc nhất là vướng mắc trong việc áp dụng một số quy định thuộc Chương XXXIII Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) đòi hỏi để có sự thống nhất trong nhận thức và áp dụng.

1. Về thời hạn giải quyết khiếu nại

Thời hạn Viện kiểm sát giải quyết khiếu nại được quy định tại các điều 474, 475, 476 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015. Theo đó thời hạn giải quyết tùy theo từng loại khiếu nại, của Viện kiểm sát là 24 giờ, 07 ngày hoặc 15 ngày.

Trong các nội dung khiếu nại quy định tại các điều trên thì nhiều trường hợp Viện kiểm sát muốn giải quyết khiếu nại phải chờ kết quả giải quyết của các cơ quan khác như các kết luận giám định, kết luận định giá…, tuy nhiên, trong thực tiễn, thời gian để các cơ quan trả lời các kết luận thường kéo dài và không phù hợp với thời hạn giải quyết khiếu nại nên xảy ra tình trạng khi có kết quả trả lời để giải quyết thì đã vi phạm về thời hạn theo quy định.

2. Về thẩm quyền giải quyết

Khoản 1 Điều 475 Bộ luật TTHS quy định: “… Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng VKSND tối cao nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu do Viện trưởng VKSND cấp tỉnh giải quyết. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng VKSND tối cao phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật…”.

Như vậy, có 02 trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp:

Thứ nhất, khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra

Thứ hai, khiếu nại đối với các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn. Ở trường hợp này, nảy sinh vướng mắc về cách hiểu về thẩm quyền giải quyết. Theo đó, cụm từ “đã được Viện kiểm sát phê chuẩn” có thể hiểu là chỉ những quyết định mà Viện kiểm sát đã phê chuẩn mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát còn những quyết định Viện kiểm sát chưa phê chuẩn thì thẩm quyền giải quyết là của Cơ quan điều tra. Với cách hiểu này trên thực tiễn đã này sinh vướng mắc cụ thể như sau:

Cơ quan điều tra khởi tố bị can, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để đề nghị phê chuẩn theo quy định tại Điều 179 BLTTHS năm 2015. Viện kiểm sát có yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc phê chuẩn. Trong thời gian Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu, bị can khiếu nại quyết định khởi tố bị can.

Với quy định trên thì quyết định khởi tố bị can chưa được Viện kiểm sát phê chuẩn thuộc thẩm quyền giải của Thủ trưởng Cơ quan điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 475 BLTTHS năm 2015: “Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trừ khiếu nại về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết…”.

Sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, bị can tiếp tục khiếu nại đến Viện kiểm sát. Trường hợp này, Viện kiểm sát không thể quyết định được việc bác đơn khiếu nại hay chấp nhận đơn khiếu nại do chưa thể xác định quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra là có căn cứ hay không có căn cứ vì vẫn đang chờ Cơ quan điều tra bổ sung tài liệu, chứng cứ cho việc xét phê chuẩn trong khi thời hạn giải quyết khiếu nại trong trường hợp này là bảy ngày kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được khiếu nại.

Quyết định khởi tố bị can là quyết định phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát. Do vậy, quy định như trên sẽ ảnh hưởng tới quyền được giải quyết khiếu nại lần hai của người khiếu nại do Viện kiểm sát cấp trên giải quyết và gây khó khăn trong việc giải quyết khiếu nại như đã nêu trên về căn cứ giải quyết và thời hạn giải quyết.

3. Một số kiến nghị

Thứ nhất, về thời hạn giải quyết khiếu nại: Cần bổ sung các trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp vào Luật khiếu nại và các chương về giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính giúp cho việc giải quyết khiếu nại được chính xác, có căn cứ.

Thứ hai, về thẩm quyền giải quyết quy định tại Điều 457 BLTTHS năm 2015, cần sửa đổi cụm từ “đã được Viện kiểm sát phê chuẩn” thành “do Viện kiểm sát phê chuẩn”. Quy định như vậy sẽ làm rõ hơn, đúng ý nghĩa hơn cho việc giải quyết khiếu nại. Các quyết định của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn hay chưa phê chuẩn đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát cùng cấp.

Thứ ba, giải pháp thực tiễn tháo gỡ vướng mắc: Trên cơ sở quy định của Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của BLTTHS về khiếu nại, tố cáo (Thông tư liên tịch số 02/2018); Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế 51) thì đơn khiếu nại quy định tại Chương XXXIII BLTTHS năm 2015 phải qua giai đoạn tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại. Cụ thể: Theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2018 và Điều 9, Điều 10 của Quy chế số 51 thì giai đoạn tiếp nhận và xử lý đơn là nhằm xác định các điều kiện thụ lý đơn và thẩm quyền giải quyết đơn. Thời hạn giải quyết khiếu nại chỉ được tính kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại sau khi đã xác định đơn khiếu nại đủ điều kiện thụ lý.

Trong giai đoạn tiếp nhận và xử đơn khiếu nại, pháp luật không quy định thời hạn tiếp nhận và xử lý đơn; do vậy, trong trường hợp trên (những trường hợp giải quyết khiếu nại gặp vướng mắc như đã trình bày) khi xem xét tiếp nhận đơn chỉ nên thụ lý, giải quyết khi những vướng mắc không còn, thì khó khăn, vướng mắc đã có thể tạm thời giải quyết mà không bị vi phạm về thời hạn giải quyết. Tuy nhiên, giải pháp trong trường hợp này chỉ là tạm thời, giải quyết tình huống tạm thời trong thực tiễn áp dụng pháp luật về giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự mà không giải quyết tận gốc những khó khăn, vướng mắc./.

Theo Hoàng Kim Ngọc

Nguồn bài viết: https://kiemsat.vn/vuong-mac-ve-giai-quyet-khieu-nai-trong-to-tung-hinh-su-cua-vien-kiem-sat-va-giai-phap-khac-phuc-64001.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục