LƯU CHÍ TÂM* – PHẠM THỊ THỦY** – Sau khi nghiên cứu bài viết trao đổi ý kiến “Thực tiễn xét xử các vụ án về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại – Đề xuất và kiến nghị” của tác giả Trương Huỳnh Hải và Trương Minh Chiến, nhóm tác giả đồng thuận với quan điểm thứ hai.
Trong tình huống của bài viết: A ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng V để vay số tiền 1 tỷ đồng, để đảm bảo cho khoản vay, A ký hợp đồng thế chấp với Ngân hàng V thế chấp quyền sử dụng đất 10.000 m2, sau đó A chết. Thời điểm A chết chỉ có tài sản duy nhất đã thế chấp cho Ngân hàng V (A chết không để di chúc, hàng thừa kế thứ nhất của A gồm B, C, D, E). Ngân hàng tiến hành khởi kiện B, C, D, E (là các con của A) để yêu cầu trả khoản nợ của A vốn + lãi là 1 tỷ 200 triệu đồng.
Căn cứ Điều 615 của BLDS 2015 có quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:
– Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
– Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 658 BLDS 2015, có thể nhận thấy một số nghĩa vụ tài sản và thứ tự thanh toán như sau:
(1) – Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng;
(2) – Tiền cấp dưỡng còn thiếu;
(3) – Chi phí cho việc bảo quản di sản;
(4) – Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ;
(5) – Tiền công lao động;
(6) – Tiền bồi thường thiệt hại;
(7) – Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước; (8)- Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân;
(9) – Tiền phạt;
(10) – Các chi phí khác.
Như vậy, đối với các khoản nợ của người vay tiền chết để lại thì những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Và người thừa kế không được quyền từ chối nhận di sản trong trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác (theo quy định tại Điều 620 của BLDS 2015).
Trong tình huống trên: B, C, D, E phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thay cho A trong phạm vi giá trị của di sản là quyền sử dụng đất 10.000 m2. Việc định giá xác định giá trị phần di sản của A trong trường hợp này là không cần thiết vì trong trường hợp này định hướng xét xử của Tòa án là tuyên tiếp tục duy trì hợp đồng thế chấp để đảm bảo cho việc thi hành án và chỉ cần tuyên buộc các con của A là B, C, D, E phải có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ cho Ngân hàng V số tiền lãi trong hạn và số tiền lãi quá hạn. Giả sử, trong trường hợp hợp đồng đã đến hạn thanh toán cả nợ gốc và lãi thì Tòa án tuyên buộc B, C, D, E có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng V và tài sản thế chấp là tài sản sẽ được kê biên để thi hành án nếu B, C, D, E không thực hiện nghĩa vụ. Như vậy, nếu hết thời gian thực hiện nghĩa vụ mà B, C, D, E không thực hiện thì Ngân hàng V được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xử lý các tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật để thanh toán cho ngân hàng V. Và khi cơ quan thi hành án thực hiện việc bán đấu giá tài sản thì giá bán ra lúc này mới là cơ sở để xác định giá trị của tài sản thế chấp. Đồng thời, Luật Thi hành án năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2018, 2020, 2022) cũng có quy định trong trường hợp xử lý tài sản thế chấp thì số tiền thu được từ việc bán tài sản thế chấp bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho Ngân hàng V sau khi trừ án phí của bản án, chi phí cưỡng chế.
Trên đây là ý kiến trao đổi của nhóm tác giả, mong nhận được phản hồi của quý độc giả gần xa!
*Ths.TAND tỉnh Trà Vinh **Ths. Bộ môn Luật- Khoa Sư phạm và Xã hội nhân văn Trường Đại học Kiên Giang
TAND thị xã Long Mỹ, Hậu Giang xét xử vụ án tranh chấp chia thừa kế – Ảnh: Kim Chúc
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/xac-dinh-gia-tri-phan-di-san-khi-xet-xu-cac-vu-an-ve-thuc-hien-nghia-vu-tai-san-do-nguoi-chet-de-lai9271.html