ThS. TẠ ĐÌNH TUYÊN – Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật An ninh mạng, Bộ Công an đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định và lấy ý kiến. Bài viết sau đây sẽ giới thiệu sự cần thiết và những nội dung chính của dự thảo Nghị định.
1. Sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị định
1.1. Việc xây dựng dự thảo Nghị định là có cơ sở pháp lý
Ngày 12/6/2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật An ninh mạng, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019. Sự ra đời của Luật An ninh mạng đã đánh dấu một bước tiến mới, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ, quản lý không gian mạng, phòng, chống, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật về an ninh mạng. Sau hơn 01 năm ban hành, có hiệu lực, Luật An ninh mạng đã đi vào cuộc sống, là bộ luật thiết thực, hiệu quả, tạo dựng được niềm tin trong quần chúng nhân dân.[1] Là văn bản luật đầu tiên về an ninh mạng được ban hành, Luật An ninh mạng đã có những quy định mang tính nền tảng về phương thức, cách thức bảo vệ, quản lý không gian mạng theo 02 hướng: tăng cường ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và đề cao sự thượng tôn pháp luật bằng các hình phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 9 Luật An ninh mạng quy định người có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Việc xây dựng Nghị định đã được Chính phủ cụ thể hóa trong Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 18/10/2019 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng quốc gia. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng là một trong những chế tài phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước nói chung và Luật An ninh mạng nói riêng.
Một số hành vi vi phạm về an ninh mạng hiện được quy định lồng ghép trong các văn bản xử phạt hành chính về công nghệ thông tin, viễn thông, tần số vô tuyến điện, văn hóa, tư tưởng, thương mại, tài chính, ngân hàng…nên còn tản mát ở nhiều văn bản nhưng chưa đầy đủ hành vi vi phạm, hiệu lực thi hành chưa cao, chưa đủ sức răn đe và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Thời gian vừa qua, các văn bản này đã có sự thay đổi, nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung dẫn tới sự thiếu tập trung, không phù hợp về mức xử phạt, cần phải được thống nhất hoặc bãi bỏ. Cụ thể: (1) Nghị định 141/2018/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; (2) Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; (3) Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo; (4) Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (5) Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; (7) Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (8) Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện; (9) Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; (10) Nghị định 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh; (11) Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Từ nội dung đã nêu trên cho thấy, hệ thống pháp luật về an ninh mạng bước đầu được xây dựng, triển khai nhưng chưa hoàn thiện, thiếu mảnh ghép quan trọng là văn bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng nên chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ an ninh mạng trong tình hình hiện nay.[2]
1.2. Việc xây dựng dự thảo Nghị định đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn hiện nay
1.2.1. Tình hình an ninh mạng diễn biến phức tạp, đặt ra yêu cầu chế tài xử phạt hành chính về an ninh mạng
– Hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng và tình hình lộ, mất bí mật nhà nước qua không gian mạng: Hệ thống mạng thông tin Việt Nam tiếp tục đối mặt với hoạt động tấn công mạng, một số vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, để lại hậu quả lớn. Đối với hành vi chưa tới mức xử lý hình sự, mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe vì lợi nhuận cao hơn rất nhiều lần với mức xử phạt. Tình trạng lộ thông tin nhạy cảm, thông tin bí mật nhà nước diễn ra thường xuyên, nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng. Mặc dù năm nào cũng tổ chức kiểm tra, xử lý nhưng do không có chế tài đủ sức răn đe nên hành vi này vẫn tiếp tục diễn ra.
– Hoạt động sử dụng không gian mạng đăng tải, phát tán thông tin xấu độc, sai sự thật: Theo thống kê của Bộ Công an, mạng xã hội (MXH) là nơi thường xuyên diễn ra tình trạng đăng tải thông tin xấu độc, sai sự thật. Chỉ tính riêng tình hình dịch Covid-19, cơ quan công an đã xử lý hàng trăm trường hợp tung tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận, có xử phạt vi phạm hành chính nhưng mức độ chưa đủ sức răn đe. Tính đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép hoạt động cho 455 MXH trong nước.[3] Một số MXH bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, bảo mật, kiểm duyệt, kiểm soát thông tin công cộng, để cho người dùng đăng tải thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hiện có khoảng 200 trang thông tin điện tử không phép, đăng ký “ẩn danh”, máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động như tờ báo tư nhân trá hình, mạo danh các cơ quan, tổ chức trong nước đăng tải thông tin không chính thống từ nhiều nguồn, tin giả, tin sai sự thật. Nhiều hội, nhóm trên MXH có lượng thành viên lớn, đăng các bài viết bịa đặt, bình luận tiêu cực về các vấn đề chính trị, xã hội, sự kiện “nóng” trong nước, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc tin tức “giật gân”. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn nước ngoài né tránh thực hiện các quy định pháp luật về an ninh mạng, đáp ứng hạn chế các yêu cầu từ phía cơ quan chức năng Việt Nam, trong một số trường hợp không đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, hoạt động tán phát thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật vẫn diễn ra thường xuyên trên các nền tảng dịch vụ của Facebook, Youtube.
– An ninh thông tin, an ninh dữ liệu đã được quan tâm nhưng chưa có chế tài xử lý. Dữ liệu thông tin cá nhân bị sử dụng, đánh cắp, công khai, trao đổi, rao bán nhằm trục lợi, chào mời khách hàng sử dụng các loại hình dịch vụ. Thông tin cá nhân người sử dụng các ứng dụng, dịch vụ trên không gian mạng đang bị thu thập, khai thác, sử dụng công khai bởi các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số, thương mại điện tử, nhiều ứng dụng lưu trữ dữ liệu tại nước ngoài. Đây là những hành vi cần có mức xử phạt để tăng hiệu lực của pháp luật, tăng sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm.
– Tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, rất nhiều cá nhân đã bị lừa đảo với số tiền rất lớn. Tội phạm tổ chức đánh bạc và đánh bạc, cá độ bóng đá trên mạng chủ yếu do hàng chục “nhà cái” ở nước ngoài móc nối với các đối tượng trong nước (đại lý) xây dựng các đường dây, thiết lập hàng nghìn trang web, tên miền, số tiền đánh bạc ước tính hàng triệu USD mỗi ngày. Trong khi đó, dịch vụ trò chơi trực tuyến tiếp tục hoạt động mạnh ở Việt Nam; gia tăng nhiều trò chơi trực tuyến mô phỏng cờ bạc hoặc có nội dung nhạy cảm về chính trị, chứa đựng yếu tố khiêu dâm, bạo lực; nhiều trò chơi trực tuyến bị đính kèm mã độc có chức năng nghe lén điện thoại, thu thập thông tin người dùng. Hoạt động “tín dụng đen” trên mạng xuất hiện hình thức mới (cho vay ngang hàng – P2P Lending) có dấu hiệu cho vay nặng lãi, một số vụ có đối tượng người nước ngoài tham gia; đặc biệt, tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng để núp bóng hoạt động đánh bạc qua mạng, lừa đảo, trốn thuế, rửa tiền, tài trợ cho tổ chức khủng bố hoặc huy động tài chính đa cấp.
– Tội phạm người nước ngoài sử dụng công nghệ cao chủ yếu là công dân nước ngoài đang dịch chuyển mạnh địa bàn hoạt động sang Việt Nam, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, khu du lịch, vùng ven biển có vị trí chiến lược, trọng yếu về an ninh, quốc phòng. Tội phạm có tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, tài chính, ngân hàng tiếp tục gia tăng với nhiều thủ đoạn mới tinh vi hơn. Tình trạng tội phạm lắp đặt thiết bị Skimming tại các máy ATM nhằm trộm cắp thông tin, làm giả thẻ ngân hàng để rút tiền, thanh toán hàng hóa tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương, nhưng với mức độ tổ chức tinh vi và phức tạp hơn, trong đó, đối tượng phạm tội chủ yếu là người nước ngoài. Tình trạng các đối tượng người nước ngoài vào Việt Nam sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài, thanh toán khống hàng hóa, dịch vụ để rút tiền vẫn tiếp diễn; xuất hiện thủ đoạn “hủy đảo giao dịch”, lợi dụng hoạt động thanh toán hàng hóa, dịch vụ qua POS của một số ngân hàng thương mại có lỗi để thực hiện giao dịch khống, chiếm đoạt tài sản. Hoạt động thanh toán xuyên biên giới tiềm ẩn nhiều rủi ro cho an ninh kinh tế, gây thất thoát nguồn thu thuế của nhà nước, đặc biệt là tình trạng khách du lịch nước ngoài sử dụng ví điện tử Alipay hoặc Wechatpay để thanh toán hàng hoá dịch vụ tại một số địa phương.
– Các diễn đàn tội phạm mạng (underground, có nhiều đối tượng người Việt Nam tham gia) thường xuyên trao đổi, chia sẻ phương thức, thủ đoạn, công cụ tấn công hệ thống mạng máy tính để thu lợi. Đặc biệt, xuất hiện thủ đoạn tấn công, xâm nhập hệ thống thông tin của các doanh nghiệp có hệ thống bảo mật cao như ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán để chiếm đoạt tiền.
– Tình trạng truyền bá, phát tán ấn phẩm đồi trụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thuần phong, mỹ tục; hoạt động phát tán phim ảnh khiêu dâm trẻ em gia tăng. Các đối tượng hình sự sử dụng MXH để tuyên truyền lối sống, văn hóa đi ngược lại đạo đức xã hội, coi thường pháp luật… tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức, lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên. Hoạt động vi phạm bản quyền phần mềm máy tính, bản quyền nhạc số, phim số, truyền hình, quyền tác giả, tác phẩm đang làm giảm sức cạnh tranh kinh tế của Việt Nam và các nước trong khu vực. Các đường dây mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ, các thiết bị nghe lén, định vị ngụy trang trên mạng Internet diễn ra công khai. Hoạt động mua bán giấy tờ, bằng cấp giả trên không gian mạng, rao bán ma túy, chất gây nghiện, ảo giác trên mạng Internet vẫn tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức: Tạo lập tài khoản MXH Facebook nhận làm bằng cấp và các loại chứng chỉ đào tạo nghề; tạo lập hội nhóm kín trên MXH Facebook, Zalo để đăng tải, quảng cáo cho việc mua bán các loại ma túy, chất gây nghiện, chất gây ảo giác.
– Tình trạng sàn thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm pháp luật về buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa đảo trong hoạt động mua bán, giao nhận hàng hóa qua sàn thương mại điện tử… gây bức xúc dư luận xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh đa cấp qua mạng cũng có sự thay đổi phương thức hoạt động, bao gồm các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng với các mặt hàng thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm… không rõ nguồn gốc được rao bán tràn lan trên mạng và đăng tuyển cộng tác viên để chiếm đoạt tiền.[4]
1.2.2. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai pháp luật về an ninh mạng và có liên quan tới xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng
– Về quy định hành vi vi phạm: Các hành vi xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng chưa được xác định cụ thể; nhiều hành vi được quy định rải rác trong các văn bản xử phạt vi phạm hành chính trên các lĩnh vực khác nhau, một số chưa có cách, áp dụng thống nhất hoặc chưa được đồng thuận trong thực tiễn. Nhiều hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng được quy định trong Luật An ninh mạng và một số văn bản hướng dẫn thi hành nhưng chưa có chế tài xử phạt.
– Về quy định mức phạt tiền: Với mức độ lợi nhuận thu được từ các hoạt động trên không gian mạng, nếu không áp dụng mức phạt tối đa đối với một số hành vi vi phạm về an ninh mạng sẽ không đủ sức răn đe, chưa tương xứng với hậu quả thiệt hại gây ra, chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, dẫn đến tình trạng tuy không phổ biến nhưng nhiều cá nhân, tổ chức hiện đang tồn tại tâm lý chung chấp nhận nộp phạt vi phạm hành chính vẫn có lợi hơn so với phải chấp hành đúng quy định của pháp luật.
– Việc áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả: Hiện nay, hai hình thức xử phạt chính được áp dụng là cảnh cáo và phạt tiền. Tuy nhiên, với đặc thù của an ninh mạng, cần áp dụng thêm một số hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả phù hợp với an ninh mạng như: Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; buộc khôi phục, buộc gỡ bỏ, buộc đính chính, buộc xin lỗi, buộc kiểm tra, đánh giá, chứng nhận lại, buộc cải chính kết quả kiểm tra, đánh giá, chứng nhận.
2. Nội dung chính của dự thảo Nghị định[5]
2.1. Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, trong đó Chương II quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo các nhóm vi phạm hành chính chủ yếu trong lĩnh vực an ninh mạng, cụ thể:
– Mục 1 về Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh thông tin, quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi: Làm ra, phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung chống nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; Làm ra, phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm, làm nhục, vu khống, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Làm ra, phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Làm ra, phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, ảnh hưởng tới trật tự xã hội; Vi phạm quy định về trách nhiệm xử lý thông tin có nội dung vi phạm pháp luật; Vi phạm quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật công tác, bí mật gia đình.
– Mục 2 về Vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi: Vi phạm nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân; Vi phạm quyền của chủ thể dữ liệu; Vi phạm quy định về sự đồng ý của chủ thể dữ liệu; Vi phạm quy định về rút lại sự đồng ý; Vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân trong trường hợp không có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu; Vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em; Vi phạm quy định về thông báo xử lý dữ liệu cá nhân; Vi phạm quy định về truy cập dữ liệu cá nhân; Vi phạm quy định về cung cấp dữ liệu cá nhân; Vi phạm quy định về chỉnh sửa dữ liệu cá nhân; Vi phạm quy định về lưu trữ, xóa, hủy dữ liệu cá nhân; Vi phạm quy định về đánh giá tác động xử lý dữ liệu cá nhân; Vi phạm quy định về chuyển dữ liệu cá nhân qua biên giới; Vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân trong kinh doanh dịch vụ tiếp thị, giới thiệu sản phẩm quảng cáo; Vi phạm quy định về phòng, chống mua, bán dữ liệu cá nhân; Vi phạm quy định về biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; Vi phạm quy định về trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân.
– Mục 3 về Vi phạm quy định về phòng, chống tấn công mạng, quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi: Vi phạm quy định về phòng, chống tấn công mạng; Vi phạm quy định về phòng, chống khủng bố mạng; Vi phạm quy định về phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng.
– Mục 4 về Vi phạm quy định về triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng, quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi: Vi phạm quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; Vi phạm quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng quốc gia, cổng kết nối mạng quốc tế; Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh thông tin; Vi phạm quy định về phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật; Vi phạm quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
– Mục 5 về Vi phạm quy định về phòng, chống sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự kinh tế, trật tự xã hội, quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi: Vi phạm quy định phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Vi phạm quy định phòng, chống hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử xâm phạm trật tự xã hội; Vi phạm quy định về xác thực, định danh, bảo mật tài khoản số.
2.2. Về hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả: Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền.
Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
– Tước quyền sử dụng giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
– Tịch thu tang vật, phương tiện, tài liệu vi phạm hành chính;
– Cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh mạng.
Ngoài biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm d, i khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
– Buộc gỡ bỏ chương trình, phần mềm; buộc thu hồi hoặc tiêu hủy sản phẩm, thiết bị, ngừng cung cấp dịch vụ gây hại về an ninh mạng; hoặc không đảm bảo chất lượng hoặc không có giấy phép hoặc thực hiện không đúng với giấy phép;
– Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả về an ninh mạng;
– Buộc xóa dữ liệu bị chiếm đoạt, mua bán, trao đổi trái phép;
– Buộc xóa bỏ, cải chính thông tin có nội dung vi phạm pháp luật về an ninh mạng;
– Buộc loại bỏ tính năng, thành phần gây hại về an ninh chương trình, sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm;
– Buộc thu hồi số thuê bao, đầu số, kho số viễn thông; tài nguyên Internet, tên miền, địa chỉ Internet (IP), số hiệu mạng (ASN); mã số quản lý, số cung cấp dịch vụ;
– Buộc hoàn trả địa chỉ IP, ASN, tên miền, tài khoản số;
– Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm;
– Buộc hủy bỏ kết quả thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận về an ninh mạng;
– Buộc sửa đổi thông tin đối với sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm;
– Buộc cải chính kết quả thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận về an ninh mạng;
– Buộc thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận lại về an ninh mạng;
– Buộc công bố lại thông tin thẩm định, đánh giá, kiểm tra, chứng nhận, thông tin về sản phẩm, thiết bị, dịch vụ, phần mềm;
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 37 Luật Xử lý vi phạm hành chính được áp dụng đối với người vi phạm có thu lợi bất hợp pháp./.
Ảnh minh họa. Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+
[1] Bộ Công an, tlđd, tr. 1.
[2] Bộ Công an, tlđd, tr. 2.
[3] Bộ Công an, tlđd, tr. 3.
[4] Bộ Công an, tlđd, tr. 3-5.
[5] Nội dung dự thảo Nghị định được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, tại: http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/congdan/DuThaoVanBan?_piref135_27935_135_27927_27927.mode=detail&_piref135_27935_135_27927_27927.id=4584, truy cập ngày 02/10/2021.
Theo tapchitoaan.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/xay-dung-nghi-dinh-quy-dinh-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-trong-linh-vuc-an-ninh-mang-dap-ung-yeu-cau-doi-hoi-tu-thuc-tien-hien-nay