1 vụ hủy hoại rừng có dấu hiệu oan

1 vụ hủy hoại rừng có dấu hiệu oan

Theo (PLO)- Kháng nghị giám đốc thẩm cho rằng xử lý tội hủy hoại rừng là không đúng và cũng không đủ định lượng để xử lý hình sự bị cáo.

VKSND Cấp cao tại TP.HCM vừa kháng nghị bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Tây Ninh xử phạt bị cáo Phan Thành Mạnh ba năm tù về tội hủy hoại rừng. Theo kháng nghị này thì bản án sơ thẩm và phúc thẩm kết tội bị cáo là có dấu hiệu oan.

Chặt cây rừng để khoai mì phát triển

Theo hồ sơ, cuối tháng 9-2012, Ban quản lý (BQL) khu rừng văn hóa – lịch sử Chàng Riệc ký hợp đồng khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng với ông Lê Ngọc Tuyên 5,8 ha đất trồng rừng thuộc phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng tỉnh Tây Ninh.

Đến năm 2014, ông Tuyên tự ý lập hợp đồng viết tay sang nhượng diện tích rừng nêu trên cho bị cáo Mạnh tiếp tục chăm sóc cây rừng và canh tác trồng xen cây nông nghiệp.

Từ năm 2015 đến 2018, Mạnh trồng xen cây khoai mì trên toàn bộ diện tích rừng đã sang nhượng. Do cây rừng phát triển nhanh, che ánh sáng làm cho cây khoai mì không phát triển nên Mạnh đã chặt hủy hoại 939 cây rừng (gồm cây dầu, sao, keo) với diện tích hơn 9.500 m2, trị giá tài sản 86 triệu đồng.

Sau đó Mạnh bị khởi tố, truy tố về tội hủy hoại rừng. Tháng 6-2020, TAND huyện Tân Biên xử sơ thẩm đã tuyên xử phạt Mạnh ba năm tù. Hai tháng sau đó, TAND tỉnh Tây Ninh xử phúc thẩm đã bác kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.

Nhiều thiếu sót

Theo kháng nghị, quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án này có những vi phạm, thiếu sót. Cụ thể, về xác định đối tượng bị xâm hại, hợp đồng giao khoán giữa BQL rừng Chàng Riệc với ông Tuyên và hồ sơ vụ án đều thể hiện lô 29 khoảnh 2 và lô 36 khoảnh 4, tiểu khu 15 là rừng trồng.

Tại biên bản xác định diện tích rừng bị hủy hoại vào năm 2019, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Biên và BQL rừng kết luận mật độ cây trồng theo thiết kế tại hai lô trên là 980 cây/10.000 m2 (ha).

Như vậy, về tiêu chí mật độ cây trồng trên phần đất trồng rừng tại lô 29 và lô 36 là không đạt được 1.000 cây/ha trở lên theo Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT.

Cạnh đó, kết quả điều tra xác định bị cáo Mạnh chặt phá 939 cây rừng, tức là mật độ cây trồng thực tế hằng năm trên phần đất được giao khoán trồng rừng tại lô 29 và lô 36 là thấp hơn rất nhiều so với mật độ cây trồng được thiết kế. Theo kháng nghị, những chủ thể trực tiếp quản lý rừng ở tỉnh Tây Ninh nhưng không biết được thực tế rừng trồng trên đất rừng đặc dụng tại lô 29, lô 36 đã thành rừng hay chưa…

Với những tình tiết, chứng cứ nêu trên, có cơ sở xác định đất có rừng trồng tại lô 29 và lô 36 trên thực tế là không đạt được tiêu chí để trở thành rừng theo Điều 3 và khoản 1 Điều 9 Thông tư số 34/2009.

Vì vậy, Hạt Kiểm lâm huyện Tân Biên và BQL rừng căn cứ vào quyết định của UBND tỉnh Tây Ninh làm cơ sở kết luận rừng trồng tại hai lô trên đã thành rừng là không đúng với thực tế hiện trạng rừng trồng hằng năm và các tài liệu, chứng cứ của vụ án.

Chưa đủ định lượng xử lý hình sự

Kháng nghị còn cho rằng đủ căn cứ xác định kết quả nghiệm thu trồng rừng hằng năm của BQL là không đúng kết quả trồng rừng, mục đích chỉ là để hợp thức hóa hợp đồng giao khoán. Điều này cũng có nghĩa là hợp đồng giao khoán trồng rừng trên đất rừng đặc dụng tại lô 29 và lô 36 không đạt yêu cầu, nên trên thực tế không đủ tiêu chuẩn thành rừng theo quy định.

Các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào kết luận của Hạt Kiểm lâm huyện Tân Biên và BQL về việc rừng trồng tại lô 29 và lô 36 đã thành rừng để quy kết bị cáo Mạnh hủy hoại rừng đặc dụng là không đúng, mâu thuẫn với chính nhận định của mình.

Đất rừng đặc dụng được phân làm ba loại: Đất có rừng đặc dụng là rừng tự nhiên, đất có rừng đặc dụng là rừng trồng và đất đang được sử dụng để phát triển rừng đặc đụng (trong đó có đất đã được giao sử dụng vào mục đích rừng đặc dụng và đã, đang được trồng rừng… nhưng chưa đạt tiêu chuẩn rừng).

Vào năm 2012, phần đất rừng đặc dụng tại lô 29 và lô 36 khu rừng Chàng Riệc là đất trống, được BQL khu rừng giao khoán cho ông Tuyên trồng mới rừng để phát triển rừng đặc dụng. Phần diện tích trồng rừng này phải thỏa mãn các tiêu chí thành rừng theo quy định của pháp luật thì mới được xác định trở thành rừng đặc dụng là rừng trồng.

Do vậy, khi cây trồng trên đất rừng đặc dụng tại hai lô trên chưa thành rừng thì chỉ có thể xem xét xử lý Mạnh về hành vi hủy hoại cây trồng chưa thành rừng theo điểm a khoản 1 Điều 243 BLHS 2015 (không phụ thuộc vào khu rừng đó là loại rừng gì). Tuy nhiên, với diện tích đất trồng rừng bị xâm hại mà các cơ quan tiến hành tố tụng xác định thì không đủ định lượng để xử lý hình sự đối với bị cáo Mạnh.

Kháng nghị cho rằng tòa cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định bị cáo Mạnh phạm tội hủy hoại rừng là chưa đủ căn cứ. Kháng nghị đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử giám đốc thẩm theo hướng hủy toàn bộ hai bản án trên để điều tra lại.

“Vợ chồng tôi mừng lắm!”

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chị Ngô Kim Thuận, vợ bị cáo Mạnh, nói: “Từ khi nghe thông tin VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị hủy án, vợ chồng chúng tôi mừng lắm! Tâm trạng chồng tôi cũng khởi sắc hơn trước”.

Chị Thuận nghẹn ngào khi nhắc về khoảng thời gian hai vợ chồng mang đơn đi kêu cứu khắp nơi để được xem xét sự việc một cách khách quan nhất. Chị bảo từ khi xảy ra vụ án, gia đình gặp nhiều xáo trộn, hai vợ chồng không còn tâm trí để làm rẫy nuôi con ăn học. Bị cáo Mạnh thì ngày càng lầm lì ít nói, chị Thuận sợ chồng bị bệnh trầm cảm nên lúc nào cũng lo lắng.

Theo PLO (NGÂN NGA)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN