ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Tòa và ngân hàng bàn về việc xử lý nợ xấu tín dụng

Tòa và ngân hàng bàn về việc xử lý nợ xấu tín dụng

Theo (PLO)- Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và TAND TP.HCM nêu thực trạng, giải pháp và các vấn đề pháp lý về hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm tại tòa và thi hành án.

Ngày 26-3, TAND TP.HCM phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức toạ đàm thực trạng, giải pháp và các vấn đề pháp lý về hợp đồng tín dụng, xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm tại tòa và thi hành án.

Đến dự toạ đàm tại hội trường toà nhà 12 Hàm Nghi (quận 1) có Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng cùng các đại diện đơn vị liên quan.

Tại đây, Chánh toà Kinh tế TAND TP.HCM Nguyễn Thị Thuỳ Dung cho biết những năm gần đây, tranh chấp về hợp đồng tín dụng được toà án thụ lý giải quyết ngày càng nhiều.

Tòa và ngân hàng bàn về việc xử lý nợ xấu tín dụng - ảnh 1

Chánh toà Kinh tế TAND TP.HCM Nguyễn Thị Thuỳ Dung trình bày tại toạ đàm. Ảnh: H.Y

Từ ngày 15-8-2017, Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng có hiệu lực đến nay, TAND hai cấp tại TP.HCM đã thụ lý 12.333 vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng liên quan việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đã giải quyết 9.897 vụ việc, còn 2.361 vụ việc chưa giải quyết, tỷ lệ giải quyết đạt 80,25%.

Riêng tại TAND TP.HCM thụ lý 2.809 vụ, giải quyết là 1.686 vụ, tỷ lệ giải quyết đạt 60%.

Theo bà Dung, thực tiễn xét xử có phát sinh vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp. Đáng chú ý là việc gặp khó khăn trong việc xác minh hiện trạng tài sản.

Ví dụ, khi thế chấp tài sản Ngân hàng chỉ thế nhận thế chấp và xem xét tài sản dựa trên giấy tờ hiện có, không xem xét thực tế dẫn đến quá trình thẩm định tại chỗ phần diện tích thực tế có chênh lệch hoặc hiện trạng thực tế tài sản tại thời điểm giải quyết tranh chấp khác nhiều so với hiện trạng tài sản khi thế chấp (trên giấy tờ).

Tòa và ngân hàng bàn về việc xử lý nợ xấu tín dụng - ảnh 2

Toạ đạm thu hút nhiều sự quan tâm của nhiều cơ quan đơn vị. Ảnh: H.YẾN

Nhiều trường hợp, tòa án đã áp dụng hết tất cả các biện pháp theo quy định pháp luật nhưng phía bị đơn hoặc những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không hợp tác (không cung cấp bản vẽ hiện trạng mới, không hợp tác để đo vẽ, không cho thực hiện xem xét thẩm định tại chỗ, không cho hội đồng định giá vào định giá…) gây khó khăn rất nhiều cho tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án.

Đối với tài sản ngân hàng đem bán đấu giá, người mua được tài sản đấu giá vẫn không thực hiện được thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận vì người có tài sản khởi kiện liên quan đến tài sản đấu giá, hoặc tranh chấp khác liên quan đến tài sản đem đấu giá. Điều này dẫn đến phát sinh thêm nhiều vụ tranh chấp liên quan đến Nghị quyết 42, vì vậy vẫn không thể nào giải quyết dứt điểm nợ xấu của ngân hàng.

Tài sản thế chấp thực tế đã được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cho bên thứ ba. Nhiều trường hợp tài sản thế chấp trở thành đối tượng tranh chấp trong một vụ án khác như tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, dẫn đến việc giải quyết vụ án trở nên phức tạp, Tòa án phải ủy thác thu thập chứng cứ đến các tỉnh thành nơi có bất động sản tọa lạc, kéo dài thời gian giải quyết vụ án…

Tòa và ngân hàng bàn về việc xử lý nợ xấu tín dụng - ảnh 3

Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng. Ảnh: H.YẾN

Chia sẻ, Phó trưởng phòng nghiệp vụ, Cục Thi hành án dân sự Phan Văn Thuỵ: Một số quy định tại Nghị quyết 42 liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự còn mâu thuẫn chậm được hướng dẫn, tháo gỡ.

Như những tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đã bị kê biên để thi hành án theo Điều 90 Luật THADS thì xử lý như thế nào, tiếp tục kê biên hay trả lại cho tổ chức tín dụng để xử lý theo quy định tại Nghị Quyết 42? Các khoản chi phí đã phát sinh ai là người phải chịu?

Hay những tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu chấp hành viên đã ra quyết định kê biên nhưng chưa đưa tài sản ra bán đấu giá thì tổ chức tín dụng thông báo cho chấp hành viên biết tài sản này bảo đảm của nợ xấu và yêu cầu chấp hành viên trả lại cho tổ chức tín dụng, Ngân hàng để xử lý theo tinh thần Nghị quyết 42.

Hiện nay, nhiều vụ việc bán đấu giá thành, đã giao được tài sản nhưng người mua trúng đấu giá đang khiếu nại gay gắt do không làm được thủ tục sang tên.

Ông Phan Tấn Trung, Chánh thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước CN TP.HCM nêu một số đề xuất. Đó là Chính phủ sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 và chỉ đạo các cấp hỗ trợ tối đa cho các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ. Cạnh đó, giải quyết dứt điểm, khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết số 42.

Hoàng Yến

Theo plo.vn

Nguồn bài viết: https://plo.vn/phap-luat/toa-va-ngan-hang-ban-ve-viec-xu-ly-no-xau-tin-dung-974958.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục