Bất cập trong quy định của Luật Tố tụng hành chính về kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm và kiến nghị hoàn thiện

Theo ThS LÊ THỊ MƠ (Giảng viên Khoa Luật Hành chính – Nhà nước – Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh)  ĐẶNG TẤN LỘC (Lớp HS 43 A2 – Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh) – Bài viết phân tích quy định của Luật Tố tụng hành chính (LTTHC) hiện hành về kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm. Trên cơ sở đó, bài viết chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc trong quy định của LTTHC về kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm và đề xuất giải pháp hoàn thiện.

1. Đặt vấn đề

Trong tố tụng hành chính, kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là nội dung không thể thiếu và có nhiều ý nghĩa quan trọng. Nếu các quy định của LTTHC về nội dung này là cụ thể, rõ ràng và toàn diện sẽ tạo điều kiện để đương sự thực hiện chính xác quyền kháng cáo phúc thẩm, bảo đảm kịp thời các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Về phía Tòa án (TA), các quy định đầy đủ, rõ ràng, minh thị và thấu triệt của LTTHC về kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi để TA xác định chính xác các kháng cáo hợp lệ, từ đó tiến hành thụ lý phúc thẩm đúng luật, loại trừ các sai sót, lúng túng, vướng mắc trong công tác thụ lý, bảo đảm chất lượng xét xử phúc thẩm, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa.

2. Quy định của LTTHC

Kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là hành vi tố tụng của đương sự yêu cầu TA cấp phúc thẩm xét xử lại bản án, quyết định chưa có hiệu lực của TA cấp sơ thẩm nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Xét về góc độ pháp lý, LTTHC quy định về kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm tại các Điều 203 đến Điều 210, 218. Theo đó, LTTHC đề cập các nội dung sau:

Thứ nhất, về chủ thể có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm: Điều 204  LTTHC quy định, chủ thể có quyền kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự. Trong đó, đương sự bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan[1]. Người đại diện hợp pháp của đương sự bao gồm người đại diên theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền[2]. Như vậy, không phải tất cả người tham gia TTHC đều có quyền kháng cáo mà chỉ có đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự mới có quyền kháng cáo. Quy định này đã giới hạn chủ thể có quyền kháng cáo bảo đảm việc kháng cáo không rơi vào tình trạng tràn lan và đồng thời giúp cho hoạt động tiếp nhận, thụ lý kháng cáo của TA không quá tải, bảo đảm được chất lượng thụ lý xét xử phúc thẩm vụ án hành chính (VAHC).

Thứ hai, về đối tượng của kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm: Hiện tại, Điều 203, 204 LTTHC quy định về đối tượng kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm. Theo đó, chỉ có bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án chưa có hiệu lực pháp luật của TA cấp sơ thẩm mới là đối tượng được kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm. Xét về hậu quả pháp lý thì bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của TA cấp sơ thẩm có sự tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của các đương sự. Nếu chúng được ban hành tùy tiện, thiếu chính xác thì quyền lợi của các đương sự sẽ không được bảo đảm. Do vậy, khi không đồng tình, các đương sự, người đại diện hợp pháp của các đương sự có quyền kháng cáo đối với bản án, quyết định trên theo thủ tục phúc thẩm.

Thứ ba, về thời hạn kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm: Thời hạn kháng cáo là khoảng thời gian mà LTTHC quy định để chủ thể có quyền kháng cáo thực hiện kháng cáo nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thời hạn kháng cáo luôn có thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc, khi hết thời hạn kháng cáo thì người có quyền kháng cáo sẽ mất quyền kháng cáo, trừ trường hợp kháng cáo quá hạn được TA chấp nhận. Hiện tại, Điều 206 LTTHC quy định như sau:

1/ Đối với bản án sơ thẩm: Thời hạn kháng cáo đối với bản án của TA cấp sơ thẩm là 15 kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày được giao cho họ hoặc được niêm yết. Đối với trường hợp đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo kể từ ngày tuyên án”.

2/ Đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của TA cấp sơ thẩm: Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú hoặc nơi có trụ sở trong trường hợp người có quyền kháng cáo là cơ quan, tổ chức. Như vậy, đối với các đối tượng kháng cáo khác nhau thì thời hạn kháng cáo là khác nhau. Thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm dài hơn thời hạn kháng cáo đối với quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Mặt khác, thời điểm tính thời hạn kháng cáo cũng có sự khác nhau nhất định. Nhìn chung, LTTHC quy định khá cụ thể về thời hạn kháng cáo và cách xác định thời hạn kháng cáo. Điều này nhằm bảo đảm cho việc kháng cáo có những giới hạn nhất định, nhằm bảo đảm hiệu lực thi hành của bản án sơ thẩm.

 Thứ tư về hình thức; trình tự, thủ tục và phương thức kháng cáo

– Hình thức kháng cáoTheo quy định của LTTHC, hình thức kháng cáo phải bằng đơn kháng cáo, có các nội dung tại khoản 1 Điều 205 và tuân theo biểu mẫu số 24 –HC ban hành kèm theo Nghị quyết 02/2017/NQ-HĐTP. Điều này cho thấy, pháp luật TTHC chưa thừa nhận kháng cáo trực tiếp hay còn gọi là kháng cáo bằng miệng là một trong những hình thức của kháng cáo. Theo đó, đơn kháng cáo được xem là văn bản thể hiện ý chí định đoạt và các yêu cầu của người có quyền kháng cáo đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Người ký đơn kháng cáo có thể là đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ. Về nội dung này LTTHC quy định khá kỹ lưỡng và cụ thể tại khoản 2,3,4,5 Điều 205 LTTHC và đã cho thấy, đây là quy định thông thoáng, tạo điều kiện cho người có quyền kháng cáo thực hiện kháng cáo, góp phần bảo đảm tốt nhất quyền kháng cáo của họ. Mặt khác, giúp cho việc viết, ký đơn kháng cáo được thống nhất về biểu mẫu.

– Trình tự, thủ tục kháng cáo: Đây là nội dung thể hiện các bước mà người kháng cáo phải thực hiện khi kháng cáo phúc thẩm. Hiện tại, LTTHC dành nhiều điều khoản khác nhau để đề cập về trình tự thủ tục kháng cáoTheo đó, thủ tục kháng cáo được thực hiện qua các bước sau: Bước 1: Người kháng cáo gửi đơn kháng cáo cho TA cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo. Bước 2: Tòa án cấp sơ thẩm kiểm tra lại tính hợp lệ của đơn kháng cáo. Bước 3: Khi chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ, Tòa án cấp sơ thẩm thông báo cho người kháng cáo biết để họ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nếu họ không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Bước 4: Người kháng cáo xuất trình biên lai nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và Tòa cấp sơ thẩm gửi toàn bộ hồ sơ vụ án và đơn kháng cáo cho Tòa cấp phúc thẩm. Bước 5: Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, đơn kháng cáo do Tòa án cấp sơ thẩm chuyển lên, Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định thụ lý vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

– Phương thức kháng cáo: Phương thức kháng cáo là các cách thức mà người có quyền kháng cáo sử dụng để thực hiện quyền kháng cáo.[3]. Theo đó, Điều 205, 206 LTTHC có ghi nhận các phương thức kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm như sau: Người có quyền kháng cáo có thể tự mình hoặc thông qua người đại diện theo pháp luật, thông qua người đại diện theo ủy quyền làm đơn và nộp trực tiếp tại TA; thông qua dịch vụ bưu chính để gửi đơn kháng cáo đến TA; thông qua giám thị trại giam để nhờ ban quản lý trại giam gửi đơn kháng cáo cho TA nếu người kháng cáo đang bị giam giữ.  

Thứ năm, hậu quả của kháng cáo  

Khi đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự thực hiện quyền kháng cáo đối với bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án chưa có hiệu lực pháp luật của TA cấp sơ thẩm thì sẽ làm phát sinh hậu quả pháp lý nhất định đối với bản án, quyết định sơ thẩm đó. Theo đó, Điều 215 LTTHC quy định: “Phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp pháp luật quy định được thi hành ngay. Bản án, quyết định hoặc phần của bản án, quyết định của TA cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị”. Như vậy, theo quy định trên, khi có kháng cáo đối với bản án, quyết định sơ thẩm thì sẽ dẫn đến hai hậu quả pháp lý. Trường hợp thứ nhất, phần của bản án, quyết định của TA cấp sơ thẩm bị kháng cáo thì chưa được đưa ra thi hành, trừ trường hợp quy định được thi hành ngay tại Điều 311. Trường hợp thứ hai, bản án, quyết định hoặc phần của bản án, quyết định của TA cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Nhận thấy, nhà làm luật đã quy định rất cụ thể về hậu quả pháp lý của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị. Điều này trước hết, nó là cơ sở để xác định phạm vi của xét xử phúc thẩm, xác định thẩm quyền của TA khi giải quyết và quyết định về “số phận” của bản án, quyết định sơ thẩm hoặc phần của bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị. Đặc biệt, điều đó còn có ý nghĩa trong việc tôn trọng hiệu lực thi hành của phần bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị và nhằm đảm bảo sự ổn định tương đối của bản án sơ thẩm, quyết định sơ thẩm, đồng thời đảm bảo cho việc thi hành án được nhanh chóng, kịp thời, phát huy tính thiết thực trong việc xét xử.

3. Một số hạn chế, bất cập và đề xuất giải pháp hoàn thiện

Về cơ bản, các nội dung của LTTHC về kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là tương đối đầy đủ, rõ ràng về chủ thể kháng cáo, đối tượng kháng cáo, thời hạn kháng cáo, hình thức kháng cáo, thủ tục kháng cáo, phương thức kháng cáo, hậu quả kháng cáo. Những thành công này đã tạo điều kiện rất lớn cho các chủ thể có quyền kháng cáo cũng như các chủ thể tiến hành tố tụng thực hiện trọn vẹn quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, góp phần nâng cao chất lượng của các kháng cáo, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn tồn tại những vướng mắc, hạn chế nhất định. Cụ thể:

Thứ nhất, LTTHC đề cập về đối tượng kháng cáo tại Điều 204 chưa rõ ràng

Hiện tại, LTTHC không có điều khoản trực tiếp quy định về đối tượng kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm, thay vào đó LTTHC lại gián tiếp đề cập đối tượng kháng cáo phúc thẩm tại Điều 203, Đ 204. Theo đó, đối tượng kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là bản án chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của TA cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Đây là cách hiểu mang tính liên kết tinh thần, nội dung của Điều 203 và Điều 204 LTTHC. Tuy nhiên, khi quan sát kỹ hai điều khoản này, đặc biệt là Điều 204 quy định về người có quyền kháng cáo, tác giả nhận thấy điều khoản chỉ đề cập “đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm” mà không nói rõ đó phải là bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật.

Vấn đề đặt ra, phải chăng đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự trong vụ án được quyền kháng cáo đối với cả bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của TA cấp sơ thẩm. Trong khi đó, theo nguyên tắc hai cấp xét xử và tính chất của xét xử phúc thẩm, chỉ bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án chưa có hiệu lực pháp luật của TA cấp sơ thẩm mới là đối tượng được kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm. Chính bởi quy định chưa chặt chẽ, đồng nhất giữa Điều 203, Điều 204 về đối tượng kháng cáo phúc thẩm nên trên thực tế có trường hợp đương sự đi kháng cáo đối với cả bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật và cán bộ TA đã phải giải thích nhiều lần đương sự mới nhận thức được.[4]

Từ các phân tích, lập luận trên, tác giả cho rằng quy định tại Điều 204 cần có sự thiết kế lại cho phù hợp hơn. Theo đó, trên tinh thần tham chiếu quy định của Luật Kiện tụng hành chính của Trung Quốc năm 1989, sửa đổi bổ sung năm 2017, tại Điều 58 có ghi nhận: “Người khởi kiện (cá nhân, pháp nhân), người bị kiện (cá nhân, pháp nhân), người đại diện hợp pháp cho người khởi kiện, người bị kiện có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, phán quyết sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân lên Tòa án nhân dân cấp trên để bảo vệ lợi ích thiết thực của mình”, tác giả đề xuất Điều 204 Luật TTHC của nước ta cần điều chỉnh lại như sau: “đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án chưa có hiệu lực pháp luật của TA cấp sơ thẩm để yêu cầu TA cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”.

Thứ hai, việc xác định ngày kháng cáo theo quy định của LTTHC còn một số vấn đề chưa đầy đủ

Ngày kháng cáo chính là cơ sở quan trọng để TA xác định người kháng cáo có thực hiện kháng cáo đúng thời hạn mà pháp luật quy định hay không. Do đó, nếu quy định mốc thời điểm tính ngày kháng cáo không chính xác sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người kháng cáo, họ có thể bị mất quyền kháng cáo, các cơ hội yêu cầu TA cấp phúc thẩm giải quyết lại vụ án cũng vì đó mà chấm dứt. LTTHC quy định, ngày kháng cáo được xác định dựa trên phương thức nộp đơn kháng cáo.

Trường hợp 1: Nếu đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được tính từ ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu phong bì. Với quy định này LTTHC đã không đề cập trường hợp dấu phong bì của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi bị phai mờ, rách, không rõ thì ngày kháng cáo được xác định như thế nào? Do đó, tác giả cho rằng đây là thiếu sót của các nhà làm luật. Điều này không chỉ gây khó khăn, lúng túng cho TA khi xác định ngày kháng cáo mà còn gây ra việc tìm hiểu, áp dụng pháp luật không được thống nhất giữa các TA.

Trường hợp 2: Người kháng cáo đang bị tạm giữ hoặc đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày làm đơn kháng cáo theo xác nhận của người có thẩm quyền của nhà tạm giữ, trại tạm giam. Với quy định này, Luật TTHC không quy định cụ thể về chủ thể xác nhận ngày làm đơn kháng cáo là chủ thể nào mà chỉ quy định chung chung là người có thẩm quyền của nhà tạm giữ, trại tam giam. Theo quy định của Điều 14 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 thì nhân sự trong nhà tạm giữ, trại tạm giam gồm rất nhiều người có thẩm quyền khác nhau ví dụ như giám thí trại tạm giam, phó giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ hay phó trưởng nhà tạm giữ.[5] Trong các chủ thể này thì người nào sẽ ký xác nhận vào đơn kháng cáo để tính ngày kháng cáo? Vì thế, việc LTTHC đưa ra quy định nêu trên là chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, khó đảm bảo việc thống nhất.

Trường hợp 3: Nếu như người có quyền kháng cáo thực hiện nộp đơn kháng cáo trực tiếp tại trụ sở của Tòa án thì ngày kháng cáo được xác định như thế nào? Điều này hiện nay Luật TTHC. Trong khi đó, so với các phương thức kháng cáo khác có khoảng 95% đương sự, người đại diện của đương sự kháng cáo trực tiếp tại Tòa án, vì đây là phương thức có độ an toàn, an tâm hơn hẳn. Do vậy, việc không quy định tiêu chí xác định ngày kháng cáo ở trường hợp kháng cáo trực tiếp tại trụ sở của Tòa án là thiếu sót cần lưu tâm của Luật TTHC.

 Với các hạn chế trên, tác giả đề xuất giải pháp như sau:

1/ LTTHC cần bổ sung điều khoản độc lập quy định trực tiếp về xác định ngày kháng cáo. Theo đó, nội dung của điều khoản gồm các vấn đề sau:

 – Trường hợp người có quyền kháng cáo kháng cáo trực tiếp tại Tòa án có thẩm quyền thì ngày kháng cáo là ngày nộp đơn kháng cáo.

– Trường hợp người khởi kiện gửi đơn trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn.

– Trường hợp người có quyền kháng cáo gửi đơn đến TA qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày có dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi. Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính nơi gửi thì ngày kháng cáo là ngày người có quyền kháng cáo gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính. Người có quyền kháng cáo phải chứng minh ngày mình gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính; trường hợp người kháng cáo không chứng minh được thì ngày kháng cáo là ngày TA nhận được đơn kháng cáo do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.

– Trường hợp, người kháng cáo đang bị tạm giữ hoặc đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày làm đơn kháng cáo theo xác nhận của giám thị trại tạm giam, phó giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ hay phó trưởng nhà tạm giữ.

2/ Song song với kiến nghị bổ sung điều khoản trực tiếp quy định về ngày kháng cáo nêu trên thì tác giả đề xuất bỏ khoản 3 Điều 206  LTTHC. Đây là đề xuất bảo đảm việc đồng bộ, nhất quán trong nội dung của LTTHC. Bảo đảm việc vận dụng, thực thi và áp dụng pháp luật được thống nhất.

Thứ ba, LTTHC chưa quy định toàn diện về phương thức kháng cáo

Phương thức kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là cách thức mà người kháng cáo nộp đơn kháng cáo cùng các tài liệu, chứng cứ cho TA có thẩm quyền. Việc quy định rõ ràng, đầy đủ và khả thi về phương thức kháng cáo có ý nghĩa quan trọng đối với đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự khi họ thực hiện kháng cáo. Thế nhưng, LTTHC hiện hành chỉ mới quy định về phương thức kháng cáo trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính, kháng cáo tại trại giam, nhà tạm giữ mà không đề cập đến phương thức kháng cáo qua cổng thông tin điện tử của TA. Tác giả cho rằng đây cũng là thiếu sót cần khắc phục của LTTHC. Bởi vì, xu thế hiện nay là phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin, điện tử, hiệu quả mà cuộc cải cách công nghệ thông tin đem lại là rất lớn, tạo điều kiện cho người dân khi kháng cáo có sự thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian. Mặt khác, trong khi ở các phương thức khởi kiện VAHC, LTTHC lại có đề cập trực tiếp đến phương thức khởi kiện qua cổng thông tin điện tử của TA. Do đó, xét trong sự thống nhất, tương thích giữa việc khởi kiện và kháng cáo, tác giả nhận thấy việc LTTHC không đề cập đến phương thức kháng cáo qua cổng thông tin điển tử của TA là đã thu hẹp đi sự lựa chọn phương thức kháng cáo của người kháng cáo. Từ các lập luận trên đây, tác giả đề xuất LTTHC cần bổ sung thêm điều khoản quy định về phương thức kháng cáo như sau:

            “Người có quyền kháng cáo gửi đơn kháng cáo và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án có thẩm quyền bằng một trong các phương thức sau:

            – Nộp trực tiếp tại Tòa án;

            – Gửi qua dịch vụ bưu chính;

            – Gửi trực tuyến qua cổng thông tin điện tử của TAND (nếu có)”.

Thứ tư, LTTHC chưa quy định cụ thể về căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn

Hiện tại, LTTHC quy định căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn tại khoản 3 Điều 208. Theo đó, Hội đồng gồm 03 Thẩm phán xem xét kháng cáo quá hạn chỉ cần căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của đương sự kháng cáo quá hạn, đại diện VKSND tại phiên họp để biểu quyết về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo quá hạn. Các lý do của kháng cáo quá hạn, kèm các tài liệu chứng cứ có liên quan đến kháng cáo quá hạn do người kháng cáo quá hạn cung cấp cho TA và thực tế các lý do này có được TA xem xét chấp nhận hay không đều phụ thuộc vào ý chí chủ quan và biểu quyết cảm tính của các thành viên xét kháng cáo quá hạn. Mặt khác, sẽ dẫn đến hiện tượng tùy tiện bác đơn kháng cáo quá hạn không chính xác hoặc chấp nhận đơn kháng cáo qúa hạn dù lý do thiếu thuyết phục, bản thân các Thẩm phán gặp lúng túng vì không có căn cứ cụ thể để chấp nhận hay bác đơn kháng cáo quá hạn. Hơn nữa, việc quy định theo dạng tùy nghi, tùy vào quan điểm của TA như đã nêu còn tạo ra sự thiếu khách quan, minh bạch, tiêu cực trong việc xem xét kháng cáo qúa hạn dẫn đến mất quyền kháng cáo của đương sự, gây ra những khiếu nại, gia tăng tỷ lệ hủy, sửa quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận đơn kháng cáo về sau.

Ngoài ra, mặc dù Luật không quy định về căn cứ chấp nhận hay bác kháng cáo quá hạn nhưng trong thực tiễn, đa phần các quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn, TA đều viện dẫn đến căn cứ “lý do kháng cáo quá hạn là không chính đáng, là không vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan”. Điều này tạo ra sự bất nhất giữa quy định của Luật và thực tiễn thi hành luật tại các TA, gây ra sự khó hiểu cho người nghiên cứu. Để minh chứng cho luận giải này tác giả đã tìm hiểu và nghiên cứu 50 quyết định không chấp nhận và chấp nhận kháng cáo quá hạn về TTHC trên phạm vi cả nước qua trang công bố bản án của TAND tối cao[6]. Tác giả nhận thấy, tất cả các quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn đều đưa ra lý do rằng: các lý do của kháng cáo quá hạn do người kháng cáo quá hạn cung cấp không vì lý do chính đáng, không vì sự kiện bất khả kháng và trở ngại khách quan.

Xin minh chứng bằng 03 quyết định sau: Trong Quyết định số 14/2018/QĐ-PT của TAND thành phố Hà Nội quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn của bà H với lý do “những gì bà H cung cấp về lý do nộp đơn kháng cáo quá hạn không phải là lý do chính đáng” nên Hội đồng xét kháng cáo quá hạn đã ra quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn của bà H.[7] Hoặc trong quyết định số 24/2019/QĐ-PT về việc không chấp nhận kháng cáo quá hạn của ông Hà Văn B của Tòa án nhân dân cấp cao thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 10/09/2019 cũng đề cập nội dung “Vì lý do kháng cáo quá hạn của ông Hà Văn B đưa ra là không chính đáng, không thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật, nên Hội đồng xét kháng cáo quá hạn bác kháng cáo quá hạn của ông Hà Văn B”.[8] Hoặc trong quyết định số 21/2019/QĐ-PT về việc không chấp nhận kháng cáo quá hạn của Ủy ban nhân dân quận BT của TAND cấp cao thành phố Hồ Chí Minh ban hành ngày 31/7/2019 cũng đề cập nội dung “lý do trên không thuộc trường hợp trở ngại khách quan hoặc sự kiện bất khả kháng ảnh hưởng đến việc kháng cáo nên không được TA chấp nhận” .[9] Như vậy, giữa quy định của LTTHC và thực tiễn áp dụng pháp luật có sự không nhất quán với nhau. Việc LTTHC trao quyền tùy nghi cho TA khi viện dẫn căn cứ ra quyết định chấp nhận kháng cáo quá hạn và quyết định không chấp nhận kháng cáo quá hạn là thiếu thuyết phục.

Từ phân tích trên, tác giả đề xuất LTTHC hiện hành cần có quy định hướng dẫn về căn cứ chấp nhận kháng cáo quá hạn một cách minh thị và thấu triệt. Theo đó, cần luật hóa cụ thể căn cứ chấp nhận kháng cáo quá hạn theo hướng: Nếu lý do đó là chính đáng, xuất phát từ sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì TA phải chấp nhận kháng cáo quá hạn và ngược lại. Đương nhiên, về khái niệm sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan đã được LTTHC quy định cụ thể tại khoản 13, 14 Điều 3. Thiết nghĩ, giải pháp này sẽ giải quyết được khúc mắc bất nhất giữa quy định của Luật và việc vận dụng luật trên thực tế hiện nay tại các quyết định chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo qúa hạn. Điều này sẽ giúp TA thuận lợi, dễ dàng khi xét kháng cáo quá hạn, đồng thời cũng bảo đảm cho hoạt động xét kháng cáo chính xác, tránh gây hiểu lầm cho người kháng cáo.

 4. Kết luận

Kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm là nội dung quan trọng không thể thiếu của LTTHC hiện hành. Nhìn chung, quy định của LTTHC về vấn đề này là tương đối toàn diện, cụ thể, tạo điều kiện cho đương sự thực hiện tốt quyền kháng cáo của mình. Thế nhưng, xét về khía cạnh thực tiễn và lý luận, một số quy định của Luật TTHC về kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm còn hạn chế, vướng mắc. Do vậy, tác giả đã đề xuất một vài giải pháp góp phần hoàn thiện toàn diện quy định của LTTHC về kháng cáo phúc thẩm./.

TAND tỉnh Khánh Hóa xét xử vụ án nguyên đơn kiện Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa vì vi phạm Luật tiếp cận thông tin, các luật khác – Ảnh: Kỳ Nam

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bat-cap-trong-quy-dinh-cua-luat-to-tung-hanh-chinh-ve-khang-cao-theo-thu-tuc-phuc-tham-va-kien-nghi-hoan-thien-%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A0%C2%A06873.html


[1] Khoản 7 Điều 3 Luật TTHC

[2] Điều 60 Luật TTHC

[3] Nguyễn Cảnh Hợp (2017), Giải thích và bình luận Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nxb Hồng Đức – Hội Luật gia Việt Nam, Hà Nội.

[4] Báo cáo tổng kết rút kinh nghiệm xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Tr 16, Tài liệu lưu hành nội bộ, năm 2020

[5] Xem Điều 14 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015.

[6] Đặng Tấn Lộc (2022), Kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm trong tố tụng hành chính Việt Nam, Luận văn tốt nghiệp, Đại học Luật Tp Hồ Chí Minh, Tr 70,

[7] Quyết định số 14/2018/QĐ-PT của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội ngày 13/3/2018 về việc không chấp nhận kháng cáo quá hạn, truy cập ngày 12/5/2022.

[8] Quyết định số 24/2019/QĐ-PT của Tòa án nhân dân cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/9/2019 về việc không chấp nhận kháng cáo quá hạn, truy cập ngày 12/5/2022.

[9] Quyết định số 21/2019/QĐ-PT của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 31/7/2019 về việc không chấp nhận kháng cáo quá hạn, truy cập ngày 12/5/2022.

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN