ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Các giao dịch đất đai, thủ tục hành chính sẽ thay đổi thế nào khi bỏ sổ hộ khẩu giấy?

(Pháp lý) – Từ ngày 1/1/2023, toàn bộ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy sẽ không còn giá trị sử dụng. Theo đó, các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công ở nhiều lĩnh vực như: Việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi… liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú theo quy định tại Điều 38 Luật Cư trú đều sẽ thay đổi.

Từ 1/1/2023, người dân thực hiện các thủ tục trên, thì chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Căn cước công dân gắn chip, chứng minh nhân dân còn hiệu lực, giấy xác nhận cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại Nghị định 104/2022 của Chính phủ.

anh-1-1-1672132031.jpg

Từ ngày 1/1/2023, toàn bộ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy sẽ không còn giá trị sử dụng (ảnh minh hoạ)

Thay đổi trong thủ tục hành chính đất đai, nhà ở

Theo quy định hiện hành, những  thủ tục về đất đai cần sổ hộ khẩu giấy gồm:

Xác định việc sử dụng đất ổn định của người sử dụng đất (Điều 21 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014).

Xác nhận nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 30 Điều 3 của Luật Đất đai (khoản 2 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, khoản 4 Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT).

Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng (khoản 5 Điều 9 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014).

Đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (thay đổi người đại diện là chủ hộ hoặc người đại diện là thành viên của hộ gia đình) (Khoản 6 Điều 9 Thông tư số 24/2014/TT-BTNMT, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 19 Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT; khoản 4 Điều 7 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT).

Tuy nhiên, kể từ 1/1/2023, để giải quyết các thủ tục về đất đai sẽ khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo Nghị định 104/2022/NĐ-CP, Việc này được thực hiện bằng một trong các phương thức sau:

Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;

Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;

Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp;

Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.

Bên cạnh đó, đối với các thủ tục hành chính về đất đai thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu về giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cũng đã được rà soát. Theo đó, tại khoản 5 Điều 11 Thông tư số 09/2021/TT-BTNMT đã quy định: Với trường hợp nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận mà có yêu cầu thành phần là bản sao giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hoặc sổ hộ khẩu, hoặc giấy tờ khác thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không yêu cầu người nộp hồ sơ phải nộp các giấy tờ này.

Ngoài ra, Nghị định 168/2016 quy định hồ sơ nhận khoán ổn định, lâu dài rừng tự nhiên, rừng trồng, đất rừng; vườn cây cao su, chè, cà phê, ca cao, quế và vườn cây lấy nhựa, tinh dầu, cây ăn quả lâu năm bao gồm bản sao chụp sổ hộ khẩu đối với cá nhân, hộ gia đình. Đối với cộng đồng dân cư thôn cần phải có bản sao chụp sổ hộ khẩu của các cá nhân và hộ gia đình trong cộng đồng.

Tuy nhiên, kể từ 1/1/2023, hồ sơ đề nghị nhận khoán không còn yêu cầu sổ hộ khẩu đối với cá nhân hộ gia đình. Riêng đối cộng đồng dân cư thì yêu cầu thông tin về số định danh cá nhân của các thành viên trong danh sách.

anh-2-1-1672132057.jpg

Các thủ tục về đất đai, nhà ở sẽ thay đổi sau khi bỏ sổ hộ khẩu (ảnh minh hoạ)

Về hồ sơ thuê, bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước, hiện nay, theo Nghị định 99/2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) thì người thuê, bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước là vợ chồng thì phải có bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy đăng ký kết hôn. Nay theo Nghị định 104/2022, kể từ năm 2023, vợ chồng buộc phải có bản sao Giấy chứng nhận kết hôn. Quy định này cũng áp dụng đối với hồ sơ khi thực hiện thủ tục bán phần diện tích nhà đất sử dụng chung hoặc chuyển quyền sử dụng đất liền kề hoặc chuyển quyền sử dụng đất đối với nhà ở xây dựng trên đất trống trong khuôn viên nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước quy định tại Điều 71a Nghị định 30/2021.

Các thủ tục về đăng ký thường trú, tạm trú

Bắt đầu từ năm 2023, thay vì được lưu trữ bằng Sổ hộ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy, thông tin cư trú của người dân sẽ được quản lý trên môi trường điện tử. Song, các quy định về khai báo thông tin cư trú không có gì thay đổi. Do đó, người dân vẫn cần làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú như trước đây.

Thông tin về nơi cư trú của công dân thay vì được ghi vào Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì sẽ được cập nhật lên hệ thống điện tử để quản lý thống nhất.

Đối với thủ tục đăng ký thường trú: Người dân chỉ cần chuẩn bị giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp như: Sổ đỏ, Sổ hồng… để chứng minh nơi cư trú hợp pháp.

Thủ tục đăng ký thường trú được thực hiện trực tiếp tại Công an cấp xã hoặc Công an cấp huyện (ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã) hoặc thực hiện online qua Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Đối với thủ tục đăng ký tạm trú: Người dân chuẩn bị giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (như hợp đồng thuê nhà, mua nhà…) để làm thủ tục tại Công an cấp xã nơi mình dự kiến tạm trú. Ngoài ra, người dân cũng có thể làm thủ tục đăng ký tạm trú online qua Cổng dịch vụ công quản lý cư trú.

Thủ tục tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình

Nghị định 104/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2023 đã sửa đổi, bổ sung một số điều và biểu mẫu của Nghị định 146/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế.

Theo đó, Nghị định 104/2022/NĐ-CP đã bỏ yêu cầu về sổ hộ khẩu trong các biểu mẫu liên quan đến BHYT, BHYT hộ gia đình.

Cụ thể, Điều 2 Nghị định này đã điều chỉnh một số thông tin, yêu cầu trong các biểu mẫu liên quan đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm y tế hộ gia đình như bãi bỏ cụm từ “Số sổ hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú)” tại Mẫu số 3 – Danh sách thành viên hộ gia đình tham gia BHYT kèm theo Nghị định 146/2018.

Theo đó, việc lập danh sách thành viên hộ gia đình khi đăng ký tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình không còn yêu cầu phải có hộ khẩu giấy.

anh-3jpeg-1672132057.png

Nghị định 104/2022/NĐ-CP đã bỏ yêu cầu về sổ hộ khẩu trong các biểu mẫu liên quan đến BHYT, BHYT hộ gia đình (ảnh minh hoạ)

Ngoài ra, Nghị định 104/2022 còn sửa đổi, bổ sung nội dung tại phần hướng dẫn Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả cấp, cấp lại và đổi thẻ bảo hiểm y tế. Theo đó, cá nhân đăng ký nhận kết quả trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội, khi đến nhận kết quả là tiền giải quyết chế độ bảo hiểm y tế, viên chức bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả hướng dẫn cá nhân như sau:

Người hưởng chế độ trực tiếp nhận phải cung cấp giấy hẹn và thẻ Căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân.

Người nhận thay nếu là thân nhân của người hưởng chế độ: Cung cấp giấy hẹn, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân và một trong các giấy tờ chứng minh là thân nhân của người hưởng bảo hiểm y tế như bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận thông tin về cư trú…

Nếu là người giám hộ phải cung cấp giấy hẹn, Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân, giấy tờ chứng minh là giám hộ đương nhiên của người hưởng bảo hiểm y tế (bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

Như vậy, Nghị định 104/2022 đã bỏ quy định về cung cấp bản sao sổ hộ khẩu, thay vào đó là bản sao Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Những thay đổi các thủ tục liên quan đến giáo dục

Việc đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ học sinh ở xã thôn đặc biệt khó khăn, theo khoản 1, 2, 3 Nghị định 104/2022/NĐ-CP, từ ngày 01/01/2023, hồ sơ nhận hỗ trợ hưởng chính sách đối với học sinh ở xã, thôn đặc biệt khó khăn gồm: Đơn đề nghị (theo mẫu); Bản sao một trong các loại giấy tờ:Thẻ Căn cước công dân; Chứng minh nhân dân; Giấy xác nhận thông tin về cư trú; Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư). Giấy tờ chứng minh hộ nghèo (trường hợp đối tượng hưởng hỗ trợ là học sinh trung học phổ thông người dân tộc Kinh).

Đối với hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ đối với trẻ em mẫu giáo, theo Nghị định 104/2022 của Chính phủ, từ ngày 01/01/2023, cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc đối tượng được hưởng chính sách không cần nộp Sổ hộ khẩu như hiện nay, thay vào đó nộp bản sao một trong các giấy tờ chứng minh cư trú thay Sổ hộ khẩu.

Đồng thời, cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em vẫn phải cung cấp thông tin về số định danh cá nhân của trẻ em hoặc của cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Chính sách trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 104/2022/NĐ-CP, bãi bỏ xuất trình Sổ hộ khẩu hoặc Giấy xác nhận tạm trú của trẻ khi làm hồ sơ hưởng trợ cấp. Thay vào đó, hồ sơ hưởng trợ cấp đối với trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp gồm: Đơn đề nghị trợ cấp; Giấy khai sinh…

Hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi

Theo Điều 12 Nghị định 104/2022/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế của người nhận con nuôi sẽ thay đổi như sau:

Người nhận con nuôi phải làm Tờ khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế và nộp cho UBND cấp xã, nơi người đó thường trú. Trong Tờ khai cần ghi rõ ngày, tháng, năm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi trên thực tế, có chữ ký của ít nhất hai người làm chứng.

Kèm theo Tờ khai phải có các giấy tờ sau: Bản sao của một trong các giấy tờ sau: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người nhận con nuôi; (Theo quy định hiện hành tại Nghị định 19/2011/NĐ-CP cần có “Bản sao Giấy chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu của người nhận con nuôi).

Bản sao của một trong các giấy tờ: Giấy khai sinh, thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người được nhận làm con nuôi;

Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn của người nhận con nuôi, nếu có; Giấy tờ, tài liệu khác để chứng minh về việc nuôi con nuôi, nếu có.

Như vậy, theo Nghị định 104/2022, từ 1/1/2023, hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi thực tế sẽ không còn sổ hộ khẩu giấy của người nhận con nuôi…

Bỏ sổ hộ khẩu với nhiều giao dịch, thủ tục hành chính khác

Nghị định 104/2022/NĐ-CP cũng bãi bỏ, thay thế một số cụm từ liên quan tới quy định về sổ hộ khẩu của một số lĩnh vực cụ thể như:

Bãi bỏ cụm từ “Sổ hộ khẩu” tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị định số 150 sửa đổi một số nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Bãi bỏ cụm từ “trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú” tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 123 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

Bãi bỏ cụm từ “số sổ hộ khẩu (đối với thành viên là hộ gia đình)” và cụm từ “sổ hộ khẩu (đối với thành viên là hộ gia đình)” tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 45 về thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Bãi bỏ cụm từ “sổ hộ khẩu…” tại Nghị định 131 hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Thay thế cụm từ “Sổ hộ khẩu của đối tượng hoặc văn bản xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn” tại Nghị định số 20 quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội thành “Giấy xác nhận thông tin về cư trú hoặc Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”…

Khi Nghị định 104/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2023, các thủ tục hành chính, dịch vụ công có yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy được thay thế bằng việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú theo quy định.

Cụ thể, việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thực hiện bằng một trong các phương thức sau:

Một: Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua cổng dịch vụ công quốc gia;

Hai: Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNelD;

Ba: Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chip trên thẻ Căn cước công dân gắn chip;

Bốn: Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Trường hợp không thể khai thác được thông tin cư trú của công dân theo các phương thức nêu trên, cơ quan có thẩm quyền, cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công có thể yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình một trong các giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.

Theo Nam Kiên (tổng hợp)
Nguồn bài viết: https://phaply.net.vn/cac-giao-dich-dat-dai-thu-tuc-hanh-chinh-se-thay-doi-the-nao-khi-bo-so-ho-khau-giay-a256298.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục