ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Cựu giám đốc CDC Hà Nội phủ nhận ăn chia tiền tỉ

Theo (PLO)- Cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm phủ nhận lời khai trước đây, khẳng định chưa bao giờ nghe nói về việc ăn chia lợi nhuận, cũng “không biết gì về việc trích phần trăm”.

Ngày 10-12, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19 xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội.
“Ăn chặn” hơn 5 tỉ đồng
10 bị cáo hầu tòa về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có Nguyễn Nhật Cảm (cựu giám đốc CDC Hà Nội), Nguyễn Vũ Hà Thanh (cựu trưởng Phòng tài chính kế toán), Nguyễn Thị Kim Dung (cựu trưởng Phòng tổ chức hành chính)…
Theo cáo trạng, để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, CDC Hà Nội được giao làm chủ đầu tư mua sắm gói thầu số 15 (gồm một hệ thống Realtime PCR tự động, một máy tách chiết DNA/RNA tự động, một số tủ lạnh và tủ mát) theo hình thức chỉ định thầu.
Cựu giám đốc CDC Hà Nội phủ nhận ăn chia tiền tỉ - ảnh 1
Cựu giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm. Ảnh: TP
Nguyễn Nhật Cảm thay vì thực hiện các thủ tục và quy trình chỉ định thầu lại tìm đến các cá nhân và công ty kinh doanh thiết bị y tế để thỏa thuận giá. Kết quả, bằng việc mua bán lòng vòng, xuất hóa đơn khống qua nhiều công ty, CDC Hà Nội ký kết hợp đồng gói thầu số 15 với tổng giá trị 9,54 tỉ đồng. Trong đó, riêng hệ thống Realtime PCR tự động có giá 7 tỉ đồng, máy tách chiết DNA/RNA tự động 1,2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, kết luận định giá xác định tổng giá trị của gói thầu số 15 theo thị trường chỉ là hơn 4,14 tỉ đồng. Hành vi của các bị cáo gây thiệt hại cho ngân sách hơn 5,4 tỉ đồng.
Vụ án này bị cáo Cảm có vai trò chủ mưu. Cựu giám đốc CDC không những câu kết với các công ty để thỏa thuận giá mà còn chỉ đạo nhân viên dưới quyền thực hiện hành vi gian lận, hợp thức toàn bộ quy trình chỉ định thầu.
Có hay không 15% “hoa hồng”?
Cũng theo VKS, quá trình thực hiện gói thầu, Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech) khai từng đến gặp ông Cảm và thỏa thuận chi 15% giá trị hóa đơn hệ thống Realtime PCR tự động. Về phía mình, ông Cảm thừa nhận có được Nhất hứa hẹn chi phần trăm nhưng không nhớ cụ thể là bao nhiêu.
VKS nhận định dù các bị cáo chưa thực hiện chi số tiền như đã bàn bạc nhưng có đủ căn cứ xác định ông Cảm vì động cơ vụ lợi nên cố ý làm trái quy định về chỉ định gói thầu số 15.
Điều bất ngờ xảy ra tại phiên tòa là cả hai bị cáo đồng loạt phủ nhận những lời khai trên, cho rằng cáo trạng của VKS là không đúng.
Bị cáo Cảm nhiều lần khẳng định chưa bao giờ nghe Nhất nói về việc ăn chia lợi nhuận, cũng “không biết gì về việc trích phần trăm”, tất cả chỉ vì mục đích chung là sớm có máy để phục vụ công tác phòng, chống dịch.
Trong khi đó, bị cáo Nhất cũng khai giữa hai người không hề có sự thỏa thuận ăn chia như cáo trạng truy tố. Thực tế, bị cáo có ý định sẽ trích 15% lợi nhuận (khoảng 90 triệu đồng) sau khi thực hiện xong hợp đồng mua bán cho ông Cảm, chứ không phải 15% giá trị hợp đồng (khoảng 950 triệu đồng). “Đây là tấm lòng của bị cáo, không trao đổi hay thỏa thuận gì với ông Cảm” – bị cáo nói.

 18 gói thầu có dấu hiệu hình sự

Ngoài gói thầu số 15 trị giá 9,54 tỉ đồng, từ năm 2019 đến tháng 3-2020, CDC Hà Nội còn thực hiện đấu thầu đối với 18 gói thầu liên quan đến mua trang thiết bị, vật tư tiêu hao, in tài liệu tuyên truyền phòng, chống dịch. Tổng trị giá 18 gói thầu là hơn 83 tỉ đồng, trong đó CDC Hà Nội đã thanh toán cho các nhà thầu hơn 71 tỉ đồng.

Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định các hoạt động đấu thầu trên có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng nên đã tách vụ án hình sự để tiếp tục điều tra, xử lý.

TUYẾN PHAN

Theo plo.vn

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục