ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Đấu thầu qua mạng: 3 thông tin quan trọng cần nắm

Hoạt động đấu thầu qua mạng đang ngày càng trở nên phổ biến, phần lớn các gói thầu hiện nay đều được thực hiện qua mạng.

1. Đấu thầu qua mạng là gì?

Đấu thầu qua mạng được hiểu là đấu thầu thực hiện thông qua việc sử dụng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (theo khoản 13 Điều 4 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13).

Trong đó, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia là hệ thống công nghệ thông tin do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, quản lý nhằm 02 mục đích:

1- Quản lý thông tin về đấu thầu;

2- Thực hiện đấu thầu qua mạng.

Như vậy, đấu thầu qua mạng chính là tổ chức các hoạt động đấu thầu thông qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

dau thau qua mang

Đấu thầu qua mạng thực hiện qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (Ảnh minh họa)

2. Gói thầu nào phải đấu thầu qua mạng?

Thực hiện đấu thầu qua mạng là một trong những ưu tiên về cải cách đấu thầu nói chung và đấu thầu mua sắm công nói riêng. Theo Điều 29 Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT, chủ đầu tư, bên mời thầu phải tổ chức đấu thầu qua mạng theo lộ trình sau:

Năm 2021:

100% gói thầu áp dụng đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu ≤ 10 tỷ đồng; thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu ≤ 20 tỷ đồng.

Lưu ý:

– Không tổ chức đấu thầu qua mạng đối với gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng/các gói thầu có tính đặc thù.

– Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng trong năm phải bảo đảm tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 70% số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và tổng giá trị gói thầu đạt tối thiểu 35% tổng giá trị các gói thầu áp dụng các hình thức này.

Từ năm 2022 – năm 2025:

– Tối thiểu 70% các gói thầu thuộc quy định tại Điều 1 Luật Đấu thầu 2013;

– 100% gói thầu sử dụng vốn Nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập;

– 100% gói thầu mua sắm tập trung.

Theo đó, tính tới thời điểm hiện nay (năm 2021), 100% các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu ≤ 10 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu ≤ 20 tỷ đồng phải thực hiện đấu thầu qua mạng.

Ngoại trừ trường hợp gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hay gói thầu có tính đặc thù.

dau thau qua mang 1

Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia (Ảnh minh họa)

3. Hướng dẫn đăng ký đấu thầu qua mạng đơn giản

3.1. Hồ sơ đăng ký đấu thầu qua mạng

Theo Quyết định 1779/QĐ-BKHĐT ngày 08/12/2020, hồ sơ đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia gồm:

– Đơn đăng ký nhà thầu, nhà đầu tư (đã có chữ ký của người đại diện theo pháp luật và đóng dấu của đơn vị);

– Bản chụp Quyết định thành lập/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (đối với hộ kinh doanh cá thể)/tài liệu tương đương khác;

– Bản chụp CMND/CCCD/hộ chiếu của người đại diện hợp pháp của nhà thầu, nhà đầu tư;

– Trường hợp nhà thầu, nhà đầu tư đã đăng ký và có thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ http://dangkykinhdoanh.gov.vn thì không phải nộp các tài liệu nêu trên, trừ đơn đăng ký nhà thầu, nhà đầu tư.

3.2. Trình tự, thủ tục thực hiện

Thủ tục đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đối với nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện như sau:

Bước 1: Đăng ký thông tin nhà thầu, nhà đầu tư trên mạng

– Nhà thầu, nhà đầu tư sử dụng máy tính tự đăng ký các thông tin của đơn vị mình trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tại địa chỉ: http://muasamcong.mpi.gov.vn.

– Nhà thầu, nhà đầu tư in đơn đăng ký từ Hệ thống;

Nhà thầu, nhà đầu tư có thể gửi hồ sơ đăng ký theo đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia hoặc gửi trên Hệ thống.

Bước 2: Kiểm tra trạng thái phê duyệt đăng ký nhà thầu, nhà đầu tư trên mạng

Bước 3: Nhận chứng thư số trên mạng

Bước 4: Đăng ký người sử dụng chứng thư số trên mạng.

Nhà thầu, nhà đầu tư có tên trong danh sách cơ sở dữ liệu nhà thầu, nhà đầu tư được phê duyệt trên Hệ thống, được cấp chứng thư số tham gia đấu thầu qua mạng.

Chú ý:

– Nhà thầu nộp hồ sơ đăng ký trực tuyến trên Hệ thống bằng cách:

+ Hoàn thiện đơn đăng ký, lấy chữ ký của người đại diện pháp luật và đóng dấu của đơn vị.

+ Vào Bước 2: Kiểm tra trạng thái phê duyệt đăng ký, đính kèm bản mềm bộ hồ sơ đăng ký và nộp trên Hệ thống.

+ Không cần gửi hồ sơ đăng ký bản cứng đến Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia.

3.3. Chi phí tham gia đấu thầu qua mạng

Căn cứ Điều 24 Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT, tùy thuộc vào tư cách tham gia đấu thầu, nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện đấu thầu qua mạng phải nộp các khoản chi phí sau:

– Chi phí đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (nộp 01 lần khi đăng ký): 550.000 đồng (đã bao gồm VAT);

– Chi phí duy trì tên và dữ liệu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (nộp hàng năm, không kể năm đăng ký): 550.000 đồng (đã bao gồm VAT);

– Chi phí nộp hồ sơ dự thầu: 330.000 đồng/gói (đã bao gồm VAT);

– Chi phí nộp hồ sơ đề xuất: 220.000 đồng/gói (đã bao gồm VAT);

– Chi phí đăng tải thông báo mời quan tâm, thông báo mời sơ tuyển: 330.000 đồng/gói thầu/thứ tiếng (đã bao gồm VAT);

– Chi phí đăng tải thông báo mời chào hàng: 165.000 đồng/gói thầu/thứ tiếng (đã bao gồm VAT);

– Chi phí đăng tải thông báo mời thầu: 330.000 đồng/gói thầu/thứ tiếng (đã bao gồm VAT);

– Chi phí đăng tải danh sách ngắn: 165.000 đồng/gói thầu/thứ tiếng (đã bao gồm VAT).

3.4. Một số lưu ý khi thực hiện đấu thầu qua mạng

– Các doanh nghiệp lần đầu tham gia phải đọc kỹ hướng dẫn về tham dự đấu thầu qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và nên thử dự thầu trên hệ thống (có nhiều mã cho phép nhà thầu tham dự thử).

– Nên chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và tham dự thầu tối thiểu trước 01 ngày so với thời điểm đóng thầu để tránh gặp lỗi trong quá trình thực hiện.

– Máy tính tham gia dự thầu nên cài đặt các phần mềm như Ultraview hay Teamview nếu khi có vấn đề xảy ra có thể gọi khẩn cấp lên tổng đài Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia để được hỗ trợ can thiệp, điều khiển máy tính từ xa kịp thời.

– Đặc biệt lưu ý, đối với các hồ sơ đã được scan nên lưu dưới dạng PDF và có dung lượng nhỏ <4MB và chia theo từng loại văn bản, tên file để không dấu. Các file đính kèm không cài mật khẩu, không được chứa virus, nếu không sẽ bị coi là không nộp file đính kèm.

– Sau khi gửi hồ sơ phải vào lại hệ thống để kiểm tra lại trạng thái của hồ sơ, nếu hệ thống hiển thị “xác nhận đã gửi” tức là hồ sơ đã được gửi đi thành công.

Hậu Nguyễn

Theo luatvietnam.vn

Nguồn bài viết: https://luatvietnam.vn/tin-phap-luat/goi-thau-nao-bat-buoc-phai-dau-thau-qua-mang-230-30398-article.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục