Khủng hoảng Covid-19 đã và đang gây tác động nặng nề lên nền sản xuất và tiêu dùng trên thế giới cũng như trong nước. Dù chúng ta vẫn chưa ra khỏi cuộc khủng hoảng này, nhưng một câu hỏi rất đáng quan tâm cho các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp, đó là hướng đi nào cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới – giai đoạn hậu Covid-19?…
Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, mà một ví dụ điển hình là hàng hóa của các của chuỗi cửa hàng IKEA tại châu Âu vừa rồi bị thiếu hụt do rất nhiều mặt hàng của hãng này được sản xuất tại châu Á, trong đó có Việt Nam.
HAI KỊCH BẢN CÓ THỂ XẢY RA
Theo các số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm nay, số lượng doanh nghiệp giải thể ở Việt Nam là 12,19 nghìn và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 43,17 nghìn, tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (với các con số tương ứng là khoảng 10,4 nghìn và 34,3 nghìn).
Cũng trong thời gian này, số lượng doanh nghiệp được thành lập mới là 81,58 nghìn, thấp hơn so với con số 88,7 nghìn của 8 tháng đầu năm 2020.
Nhiều nghiên cứu sơ bộ về ảnh hưởng của Covid-19 đã chỉ ra rằng nền kinh tế thế giới hậu Covid-19 có thể tương ứng với một trong hai khả năng sau.
Thứ nhất, nền kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi rất nhanh sau một thời gian bị dồn nén.
Thứ hai, khủng hoảng Covid-19 gây thay đổi toàn diện nền sản xuất và tiêu dùng, tạo ra dịch chuyển lớn trong nền kinh tế thế giới.
Song tôi nghĩ rằng sự kết hợp các yếu tố của cả hai kịch bản này có lẽ là điều có khả năng xảy ra cao nhất. Các chính sách kinh tế (kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, đầu tư công, hỗ trợ người lao động…) ở Việt Nam và các nước trên thế giới sẽ giúp nền kinh tế vực dậy sau giai đoạn khủng hoảng.
Tuy nhiên, sự hồi sinh này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phản ứng của các doanh nghiệp, nhất là trong việc dự báo các thay đổi trong sản xuất và tiêu dùng trong giai đoạn hậu Covid-19.
CHUYỂN ĐỔI MỘT CÁCH THÍCH HỢP
Các nghiên cứu này cũng cho rằng trong giai đoạn cách ly xã hội, những doanh nghiệp gắn bó với các giá trị bền vững, năng động trong sáng tạo, hoặc áp dụng các biện pháp quản lý linh hoạt thì sẽ giảm thiểu được tác động tiêu cực của khủng hoảng lên hiệu suất kinh tế.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) có đưa ra môt số hướng dẫn về tái cấu trúc doanh nghiệp nhằm tăng cường khả năng thích ứng và phát triển sau Covid-19.
Đây là những điều cần thiết mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng trong thời điểm hiện nay. Quan trọng nhất là doanh nghiệp có thể cơ cấu lại quy trình sản xuất cho phù hợp với các điều kiện dịch tễ (như làm việc từ xa, tăng cường các hoạt động và dịch vụ qua mạng, thay đổi giờ làm việc…), thiết kế lại cơ cấu lao động bên trong doanh nghiệp nhằm tận dụng tối đa các nguồn nhân lực sẵn có.
Về mặt này, bên cạnh các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành, Nhà nước nên sử dụng các công cụ (như giảm thuế, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ thông tin) khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào thay đổi bộ máy sản xuất, thay đổi quản lý và tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực để có thể thích nghi với tình hình mới.
Việc đánh giá đúng các xu hướng mới về tiêu dùng cũng có ý nghĩa quan trọng. Như đã nói ở trên, các doanh nghiệp mang đậm các giá trị phát triển bền vững ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng Covid-19 hơn so với các doanh nghiệp khác. Điều này chứng tỏ đã có biến chuyển trong xu hướng tiêu dùng ở các nền kinh tế, tiến gần hơn nữa về các giá trị thân thiện với xã hội và môi trường (theo Viện nghiên cứu McKinsey), dù việc thay đổi này có tính lâu dài hay không vẫn còn là một ẩn số.
Trong giai đoạn Covid-19 này, các con số thống kê cho thấy có sự gia tăng rõ rệt về tiêu dùng các sản phẩm kỹ thuật số và mua bán từ xa (mà xu hướng đã tồn tại trước khi có đại dịch), cắt giảm chi tiêu về đi lại, nhà hàng, khách sạn, nhưng tăng chi tiêu về các sản phẩm xanh, sạch và an toàn cho sức khỏe (như thực phẩm hữu cơ, các sản phẩm thân thiện môi trường).
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ, nếu nắm bắt được xu hướng thị trường sẽ có thể giúp doanh nghiệp chuyển đổi một cách thích hợp và phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19, tham gia vào quá trình dịch chuyển của chuỗi giá trị toàn cầu và của cả thị trường trong nước.
GS.Nguyễn Văn Phú
Theo vneconomy.vn
Nguồn bài viết: https://vneconomy.vn/huong-di-cho-doanh-nghiep-sau-covid-19.htm