Chiều 28/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến với chủ đề Vai trò cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Úc, Thái Lan, Ấn Độ; Hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở Mỹ, Úc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Thuỵ Sỹ và tại Anh.
Mục tiêu Hội nghị đặt ra là tìm giải pháp đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố”.
Tham dự và phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TPHCM nhấn mạnh, qua hơn 10 năm tổ chức thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam ở khắp mọi nơi trong sử dụng hàng Việt Nam; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế và an sinh xã hội thành phố.
Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự về những nội dung như: Vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở các nước; các sở, ban, ngành Thành phố; doanh nhân người Việt ở nước ngoài trong việc kết nối, hỗ trợ, xúc tiến thương mại đưa hàng hóa Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng ra nước ngoài trong thời gian qua; và một số quy định mới của các nước, nhất là thị trường Châu Âu liên quan đến xuất, nhập khẩu trong năm 2023.
Tại hội nghị, Luật sư Nguyễn Tri Thắng – Phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả (ACF) đã có bài phát biểu với Chủ đề: “Thông tin về các giải pháp bảo hộ các sản phẩm thương hiệu Việt Nam và các thương hiệu của người Việt Nam ở nước ngoài về sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và ở nước ngoài.”
Theo Luật sư Nguyễn Tri Thắng, việc sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường gây ảnh hưởng đến việc quản lý trật tự công cộng, làm nhũng loạn thị trường kinh tế. Thực tế có thể thấy được, hàng giả tác động tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài để phát triển kinh tế – xã hội.
Các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ này xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn với mọi loại hàng hóa. Vì mục tiêu lợi nhuận nên việc làm giả các sản phẩm được bảo hộ trở thành hiện tượng phổ biến. Hàng hóa nào có thương hiệu, có lợi nhuận, có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng thì lập tức có hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính. Sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế, nó còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Điển hình là thực phẩm, thuốc chữa bệnh…giả, kém chất lượng.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc trong thời gian qua là do siêu lợi nhuận thu được từ việc sản xuất, buôn bán những mặt hàng này khiến các đối tượng bất chấp những hậu quả pháp lý mà họ phải gánh chịu để sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; trong khi các chủ quyền sở hữu trí tuệ chưa thực sự chú ý đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà chỉ quan tâm đến các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhãn hàng hóa và quên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp chưa có kênh kết nối với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm, xem việc xử lý vi phạm là nhiệm vụ của các cơ quan thực thi pháp luật.
Trước tình hình đó, ngày 19/03/2014, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 389/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Phó thủ tướng làm trưởng ban và các thành viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo các Bộ ngành…
Ngày 09/06/2015, Chính phủ có ban hành Nghị quyết 41/NQ-CP về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Ngày 01/12/2015, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ đã ký Quyết định số 1815/QĐ-BNV thành lập Quỹ Chống hàng giả (gọi tắt là Quỹ ACF) và tiếp tục thành lập Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại là cơ quan ngôn luận của Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và gian lận thương mại trực thuộc Quỹ Chống hàng giả, đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động số 328/GP-BTTTT, ngày 02 tháng 6 năm 2021. Hiện nay, Quỹ ACF và các đơn vị trực thuộc đang thực hiện một số chuyên đề của Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo kế hoạch 92/KH-BCĐ 389 ngày 13/09/2022.
Luật sư Nguyễn Tri Thắng phát biểu trực tuyến đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Úc, Thái Lan, Ấn Độ; Hội Doanh nghiệp người Việt Nam ở Mỹ, Úc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Thuỵ Sỹ và tại Anh.
Với vai trò, nhiệm vụ của mình, Luật sư Nguyễn Tri Thắng – Phó Chủ tịch Quỹ Chống hàng giả (ACF) đưa ra một số kiến nghị đồng hành cùng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
- Quỹ Chống hàng giả đề nghị thiết lập đường dây nóng tiếp nhận phản ánh từ Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” Thành phố Hồ Chí Minh để bảo vệ các sản phẩm hàng hóa của Thành phố khi có dấu hiệu bị làm giả, làm nhái hoặc bị xâm phạm sở hữu trí tuệ. Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã chỉ đạo Quỹ ACF thiết lập đường dây nóng: 0971.736.789 từ 05/08/2022.
- Quỹ Chống hàng giả đề nghị phối hợp các hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và các Hội doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài kịp thời thông tin đến hội viên vai trò và trách nhiệm của Quỹ Chống hàng giả. Qua đó, Quỹ Chống hàng giả sẽ đồng hàng cùng Hội và các thành viên hội trong công cuộc bảo vệ hàng Việt Nam với đường dây nóng 0971.736.389 như đã công bố.
- Quỹ Chống hàng giả trong thời gian tới sẽ tích cực, chủ động thiết lập hệ thống chân rết để phát hiện và thông tin đến các cơ quan chức năng của Thành phố về hoạt động sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
- Quỹ Chống hàng giả đề nghị “Ban chỉ đạo người VN dùng hàng VN” Tp. HCM chỉ đạo và tạo điều kiện để Quỹ ACF phối hợp các Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trưng bày, triển lãm các sản phẩm, Doanh nghiệp công bố các mặt hàng giả. Qua đó, để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và phân biệt được hàng GIẢ – THẬT, từ đó nhà sản xuất và người tiêu dùng nâng cao ý thức đề cao cảnh giác đối với hàng gian, hàng giả,… góp phần nâng cao ý thức, tinh thần “NGƯỜI VN DÙNG HÀNG VN CHẤT LƯỢNG CAO”.
Luật sư Nguyễn Tri Thắng tại hội nghị
Ngoài ra, các doanh nhân kiều bào cũng đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả hoạt động đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường quốc tế như tập trung hơn nữa vào nguồn khách hàng là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; xác định danh mục và tập trung cho nguồn hàng hóa Việt Nam đảm bảo chất lượng và phù hợp với thị hiếu thị trường quốc tế; tận dụng hệ thống kênh phân phối sẵn có của kiều bào ở nước ngoài; tận dụng sự phát triển của công nghệ và tham gia các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia để đưa hàng hóa Việt Nam đến với người tiêu dùng trên thế giới…/.
Nguồn tin bài: Công ty Luật Nam Hà