Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều qui định liên quan đến Hợp đồng điện tử

(Pháp lý) – Dự thảo Luật giao dịch điện tử (Luật GDĐT) sửa đổi đang được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố và lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ. Nghiên cứu các quy định của Dự thảo chúng tôi thấy rằng, dù Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; chứng thư điện tử; chữ ký điện tử; dịch vụ tin cậy; các quy định quản lý hoạt động của nền tảng số… Tuy nhiên, Dự thảo vẫn còn khuyết thiếu một số qui định quan trọng. Đặc biệt, cần bổ sung nhiều quy định cụ thể liên quan đến Hợp đồng điện tử và giao kết hợp đồng điện tử.

Dự thảo Luật GDĐT sửa đổi đang được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố và lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ.

Dự thảo có nhiều quy định mới…

Dự thảo Luật GDĐT đã mở rộng phạm vi áp dụng tới tất cả hoạt động của đơi sống xã hội. Theo đó, Dự thảo Luật GDĐT sửa đổi sẽ điều chỉnh tất cả các giao dịch điện tử trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; trong lĩnh vực dân sự, kinh doanh, thương mại và các lĩnh vực khác do pháp luật quy định.

Còn theo Luật GDĐT năm 2005 hiện hành loại trừ không áp dụng giao dịch điện tử đối với “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác”. Việc loại trừ này gây khó khăn cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cũng như triển khai ứng dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực thuộc phạm vi nói trên.

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm được giá trị pháp lý và độ tin cậy, an toàn của thông điệp dữ liệu, Dự thảo Luật GDĐT đã sửa đổi, bổ sung các nội dung về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu cũng như các quy định liên quan đến gửi, nhận thông điệp dữ liệu, chứng thư điện tử.

Cụ thể, bổ sung hình thức tạo lập, chuyển đổi thông điệp dữ liệu. Theo đó, thông điệp dữ liệu có thể được tạo lập, tự sinh trong quá trình giao dịch hoặc được số hóa từ bản giấy.

Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật GDĐT đó là phân cấp giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu dựa trên mức độ tin cậy của thông điệp dữ liệu.

Ngoài ra, Dự thảo Luật GDĐT bổ sung quy định về chuyển đổi số, theo đó thay thế việc lưu trữ các văn bản, chứng từ, hồ sơ, tài liệu từ bản giấy sang dạng thông điệp dữ liệu; đồng thời, bổ sung quy định về chứng thư điện tử bao gồm khái niệm, giá trị pháp lý cũng như quy định liên quan đến việc sử dụng chứng thư điện tử.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật GDĐT quy định về các điều kiện để bảo đảm tin cậy khi sử dụng, lưu trữ chứng thư điện tử cũng như các điều kiện để chứng thư điện tử có thể thay thế cho giấy chứng nhận, văn bằng, chứng chỉ bản giấy hoặc trường hợp ngược lại…

Những ý kiến góp ý đáng lưu tâm của các doanh nghiệp

Liên quan đến góp ý hoàn thiện Luật GDĐT, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Luật GDDT sửa đổi.

Đáng chú ý, tại Hội thảo nhiều ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng dự thảo còn có những quy định chưa phù hợp với phạm vi và mục tiêu chung của luật, tạo nên sự trùng lặp, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn với luật chuyên ngành.

Dự thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp hoàn thiện của các chuyên gia, doanh nghiêp tại Hội thảo Hội thảo góp ý Luật GDDT sửa đổi do Bộ TTTT phối hợp cùng VCCI tổ chức (ngày 14/7).

Theo Giám đốc Công ty Luật TNHH quốc tế BMVN Trần Mạnh Hùng, các dịch vụ như: Internet, viễn thông, điện toán đám mây hay nền tảng số hiện đang được điều chỉnh bởi những luật có liên quan như Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Sở hữu trí tuệ, các nghị định về quản lý hoạt động Internet, thương mại điện tử… Vì vậy, việc quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ này một cách chung chung như trong Chương V của dự thảo là không cần thiết và không có ý nghĩa trong việc quản lý hay thúc đẩy các giao dịch điện tử…

Một số ý kiến cho rằng, những biện pháp các cơ quan có thẩm quyền có thể thực hiện nhằm hạn chế và bảo vệ giao dịch điện tử trong dự thảo mới nhất là quá chặt chẽ, có thể dẫn tới sự lạm quyền hoặc lợi ích nhóm.

Một số ý kiến cho rằng, những quy định về nghĩa vụ của các chủ thể cung cấp dịch vụ như phải cung cấp dịch vụ 24/7, phải công khai các thuật toán… có thể ảnh hưởng đến quyền hoạt động kinh doanh, quyền sở hữu trí tuệ, tính bảo mật và sự an toàn của hệ thống thông tin mà các chủ thể cung cấp dịch vụ sử dụng. Các quy định này có thể tạo ra những hạn chế và rủi ro cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động dịch vụ thúc đẩy giao dịch điện tử.  

Ngoài ra, đại diện một số doanh nghiệp như Honda, Mercedes Ben cũng kiến nghị, luật sửa đổi nên sử dụng và công nhận chữ ký điện tử nước ngoài, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong các giao dịch điện tử…

 

Cần bổ sung nhiều quy định cụ thể liên quan đến Hợp đồng điện tử và giao kết hợp đồng điện tử.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều qui định liên quan đến Hợp đồng điện tử

Nghiên cứu từ thực tiễn và các quy định pháp luật liên quan Hợp đồng điện tử và giao kết hợp đồng điện tử, chúng tôi thấy rằng, Hợp đồng điện tử là một phần không thể thiếu trong thời đại kinh tế số hiện nay. Việc ứng dụng hợp đồng điện tử không chỉ giúp cho các doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn giúp giảm bớt sự ảnh hưởng của dịch bệnh, khoảng cách trong các giao dịch thương mại.

Tuy nhiên, các quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng điện tử và giao kết hợp đồng điện tử hiện còn nhiều hạn chế, chưa có quy định cụ thể khiến các doanh nghiệp còn e dè chưa tiếp cận đối với hợp đồng điện tử. Điển hình như trong các quy định của pháp luật về ký kết và thực hiện hợp đồng điện tử còn thiếu một số quy định liên quan đến điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử.

Cụ thể, tại Chương IV – Giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử của Luật GDĐT 2005, có 6 điều (từ Điều 33 đến Điều 38) quy định về: Hợp đồng điện tử; Thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; Giao kết hợp đồng điện tử; Việc nhận, gửi, thời điểm, địa điểm nhận, gửi thông điệp dữ liệu trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; Giá trị pháp lý của thông báo trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử…

Nhưng chưa có quy định nào đề cập đến điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử; chưa có một điều luật nào của chương này dẫn chiếu đến quy định khác về hợp đồng nói chung liên quan đến điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử. Ngoài ra, các văn bản dưới luật được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hướng dẫn thi hành Luật GDĐT, cũng không quy định về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử, cũng như không quy định các trường hợp hợp đồng điện tử bị coi là vô hiệu, hậu quả pháp lý của hợp đồng điện tử vô hiệu…

Điều đáng nói là dù so với luật hiện hành, Dự thảo Luật GDĐT sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định cụ thể liên quan đến Hợp đồng điện tử và giao kết hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, theo chúng tôi, Dự thảo Luật GDĐT sửa đổi vẫn chưa có quy định nào đề cập đến điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử, các trường hợp hợp đồng điện tử bị coi là vô hiệu, hậu quả pháp lý của hợp đồng điện tử vô hiệu…

Bên cạnh đó, giao dịch điện tử cũng là một dạng của giao dịch dân sự, thương mai… việc phát sinh tranh chấp khi thực hiện giao dịch là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định riêng biệt để giải quyết tranh chấp về giao dịch điện tử.

So với Luật GDĐT 2005 , nếu như Điều 50, 51 quy định về tranh chấp trong giao dịch điện tử và giải quyết tranh chấp giao dịch điện tử quy định rất chung chung. Thì Điều 102, Dự thảo quy định về tranh chấp và giải quyết tranh chấp trong giao dịch điện tử và hoạt động kinh tế số đã được quy định cụ thể hơn, bổ sung quy định về áp dụng các biện pháp tạm thời, hay giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, Dự thảo luật sửa đổi vẫn chưa có quy định về thời hiệu khởi kiện tranh chấp, hoặc quy định dẫn chiếu đến các luật liên quan. Đặc biệt, do giao dịch điện tử có tính chất rất linh hoạt về thời gian và địa điểm khi giao dịch nên sẽ gặp khó khăn trong việc xác định địa điểm thực hiện giao dịch, khó khăn trong việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp,… điều này cũng gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan bởi vì tính chất giao dịch điện tử có nhiều đặc thù riêng.

Do đó, Dự thảo cần bổ sung các quy định cụ thể về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng điện tử, các trường hợp của hợp đồng điện tử bị vô hiệu và cách xử lý hợp đồng điện tử bị vô hiệu hoặc quy định dẫn chiếu đến các luật chuyên ngành liên quan.

Bên cạnh đó cần bổ sung các quy định cụ thể liên quan đến việc giải quyết tranh chấp hợp đồng điện tử như các quy định về thời hiệu khởi kiện, quy định về xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp…

Đặc biệt vì hợp đồng điện tử chỉ khác với hợp đồng thông thường ở cách thức tạo lập và hình thành do sử dụng các dữ liệu điện tử, về mặt pháp lý ngoài những đặc thù riêng có của hợp đồng điện tử. Do đó cần có quy định thể hiện sự kết nối giữa các quy định của pháp luật về ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng điện tử với các quy định về ký kết và thực hiện hợp đồng trong pháp luật về hợp đồng nói chung. 

Theo Thái Dương – Nam Kiên – Bùi Lộc
Nguồn bài viết: https://phaply.net.vn/nghien-cuu-sua-doi-bo-sung-nhieu-qui-dinh-lien-quan-den-hop-dong-dien-tu-a255746.html

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN