Người thừa kế nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo hai hình thức là theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc
Di chúc thừa kế quyền sử dụng đất gồm di chúc miệng và di chúc bằng văn bản.
Theo đó, căn cứ vào Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc bằng văn bản bao gồm:
– Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
– Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
– Di chúc bằng văn bản có công chứng;
– Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật
Căn cứ vào khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, quyền sử dụng đất được chia theo pháp luật trong những trường hợp sau:
– Không có di chúc;
– Di chúc không hợp pháp;
– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản;
Ngoài ra, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản là quyền sử dụng đất sau:
– Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
– Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
– Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Đặc biệt, quyền sử dụng đất có thể được chia theo di chúc hoặc theo pháp luật nhưng đất chưa có giấy chứng nhận, chủ yếu được hưởng thừa kế theo di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng hoặc thừa kế theo pháp luật.
Trang Thiều (T/H)
Theo laodong.vn
Nguồn bài viết: https://laodong.vn/bat-dong-san/nhung-hinh-thuc-thua-ke-quyen-su-dung-dat-909044.ldo