Ths LÊ ĐÌNH NGHĨA (Tòa án quân sự Khu vực 1 Quân khu 5) – Bắt buộc chữa bệnh là biện pháp tư pháp áp dụng đối với người thực hiện hành vi phạm tội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình. Trong phạm vi bài viết, tác giả đi sâu phân tích quyết định của Tòa án trong giai đoạn xét xử quy định tại Điều 451 BLTTHS 2015.
Khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi phạm tội không có năng lực trách nhiệm hình sự tùy từng giai đoạn tố tụng, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần tùy từng giai đoạn tố tụng Viện kiểm sát (giai đoạn điều tra, truy tố) hoặc Tòa án (giai đoạn xét xử và thi hành án) ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can, bị cáo.
1. Quy định của luật
Thủ tục áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định từ Điều 447 đến Điều 454 chương XXX BLTTHS năm 2015 và thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh được quy định cụ thể tại Nghị định số 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ. Trong phạm vi bài viết, tác giả đi sâu phân tích quyết định của Tòa án trong giai đoạn xét xử quy định tại Điều 451 BLTTHS 2015 (1). Điều luật này được xây dựng trên cơ sở Điều 314 BLTTHS năm 2003, bổ sung thêm quyền của Tòa án trong việc trưng cầu giám định pháp y tâm thần sau khi nhận hồ sơ và bản cáo trạng do Viện kiểm sát chuyển sang.
Khi nhận hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển sang, Tòa án thụ lý vụ án. Quá trình nghiên cứu hồ sơ, Thẩm phán được phân công nghiên cứu xét thấy có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo không có năng lực trách nhiệm hình sự thì Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Như vậy, đây là trường hợp Tòa án qua nghiên cứu hồ sơ phát hiện các căn cứ cho rằng bị can không có năng lực trách nhiệm hình sự và Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, những căn cứ này chưa được Cơ quan điều tra phát hiện và xử lý trong giai đoạn khởi tố, điều tra và chưa được Viện kiểm sát phát hiện và xử lý trong giai đoạn truy tố.
Căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, tùy từng trường hợp Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại Điều 281 hoặc Điều 282 BLTTHS. Cùng với việc ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can, bị cáo.
Căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần, tùy từng trường hợp Tòa án có thể quyết định trả hồ sơ vụ án yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung (Điều 280 BLTTHS) nếu xét thấy còn thiếu chứng cứ chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 BLTTHS mà Tòa án không thể tự bổ sung được.
Căn cứ vào kết luận giám định pháp y tâm thần, tùy từng trường hợp Tòa án có thể quyết định miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt và quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can, bị cáo.
Nếu kết luận giám định xác định bị can, bị cáo có năng lực trách nhiệm hình sự, nghĩa là thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi và không mắc bệnh tâm thần sau khi thực hiện hành vi phạm tội thì Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Nếu kết luận giám định xác định khi thực hiện hành vi phạm tội bị can, bị cáo không có năng lực trách nhiệm hình sự, nghĩa là thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng không có khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi hoặc mắc bệnh tâm thần khi thực hiện hành vi đó gây thiệt hại thì Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án và Tòa án có thể giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vấn đề khác có liên quan đến vụ án như quyết định trả lại tài sản cho chủ sở hữu, tịch thu hoặc sung ngân sách Nhà nước tang vật của vụ án.
2. Những khó khăn, vướng mắc khi áp dụng Điều 451 BLTTHS.
Thực hiện quyết định của Tòa án trong giai đoạn xét xử quy định tại Điều 451 BLTTHS 2015 thực tế còn có những khó khăn, vướng mắc, có những quan điểm, cách hiểu khác nhau khi áp dụng, cụ thể:
Thứ nhất, việc giám định tâm thần mất nhiều thời gian, đi lại xa xôi, kinh phí lớn. Chi phí giám định do cơ quan yêu cầu giám định chi trả, nhiều trường hợp phải trả số tiền rất lớn trong khi kinh phí cấp cho giải quyết án hình sự hạn hẹp, chi phí giám định lấy từ nguồn nào chưa có quy định cụ thể nên khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng (Viện kiểm sát, Tòa án) khi tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần để giải quyết vụ án (Viện kiểm sát, Tòa án chưa được cấp kinh phí nghiệp vụ liên quan đến giám định).
BLTTHS quy định Cơ quan điều tra tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần giai đoạn khởi tố, điều tra; Viện kiểm sát tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần trong giai đoạn truy tố (Điều 450 BLTTHS); Tòa án tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần trong giai đoạn xét xử (Điều 451 BLTTHS). Sau khi giám định nếu bị can, bị cáo mắc bệnh (làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi hoặc mắc bệnh tâm thần) tùy từng trường hợp Viện kiểm sát hoặc Tòa án ra quyết định đình chỉ hoặc tạm đình vụ án và quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, khi có thông báo của bệnh viện bị can, bị cáo đã khỏi bệnh phải tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần một lần nữa mới có cơ sở truy tố, xét xử.
Mặc dù luật quy định chi phí giám định tư pháp do cơ quan trưng cầu giám định chi trả nhưng trên thực tế các cơ quan trưng cầu giám định không có kinh phí để thực hiện, nhiều trường hợp phải chi trả số tiền lớn trong khi kinh phí cấp cho giải quyết án hình sự hạn hẹp dẫn đến khó khăn cho các các cơ quan tiến hành tố tụng (Viện kiểm sát, Tòa án) khi tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần để giải quyết vụ án.
Thứ hai, cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định, đánh giá những kết luận giám định tâm thần khi có căn cứ cho rằng kết luận trước đó không đảm bảo khách quan, thiếu cơ sở khoa học và sau khi Tòa án trưng cầu giám định pháp y tâm thần lại, kết quả giám định sau khác với kết quả giám định trước đó do Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát trưng cầu, Tòa án sử dụng kết quả giám định nào để giải quyết vụ án.
Kết luận giám định pháp y tâm thần được pháp luật quy định là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án, vì thế quy trình để giám định pháp y một người có mắc bệnh tâm thần hay không đòi hỏi phải được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện giám định vẫn gặp khó khăn như tài liệu trong hồ sơ trưng cầu giám định gửi thiếu, các đối tượng phạm tội giả bệnh hoặc làm tăng triệu chứng. Bên cạnh đó nhiều trường hợp chạy bệnh án tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Có nhiều trường hợp các kết quả giám định khác nhau, ví dụ kết luận giám định tại Trung tâm giám định pháp y tâm thần khu vực miền Trung (giai đoạn điều tra) và kết luận giám định tại Viện pháp y tâm thần Trung ương (giai đoạn Tòa án) khác nhau thì kết luận nào có giá trị pháp lý cao hơn.
Chúng tôi cho rằng, trường hợp có kết luận giám định khác nhau, Thẩm phán phải xem xét đánh giá toàn diện chứng cứ, xem quy trình giám định đã tuân thủ đúng theo quy định chưa, bị can, bị cáo có thực sự mắc bệnh tầm thần hay không (Thẩm phán có thể tự thu thập thêm chứng cứ như xác minh tại địa phương, gia đình bị can, bị cáo về tình trạng tâm thần của bị can, bị cáo, đơn thưốc điều trị bệnh tâm thần), phải xem xét, đánh giá thận trọng, khách quan các chứng cứ và sử dụng kết quả giám định nào hoàn toàn do Thẩm phán đánh giá, quyết định để đảm bảo giải quyết đúng đắn vụ án (tránh làm oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm). Trường hợp hai kết luận giám định pháp y tâm thần có kết quả khác nhau, Tòa án được sử dụng kết quả giám định nào và kết quả giám định nào có giá trị pháp lý cao hơn, cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định, đánh giá những kết luận giám định khác nhau đó hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Thứ ba, trường hợp tại cấp phúc thẩm, qua xác minh xác định bị cáo có biểu hiện tái phát bệnh và cần phải giám định pháp y tâm thần lại mới có căn cứ xử lý tiếp, Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bị cáo, khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng chưa có kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án xử lý như thế nào (tạm đình chỉ vụ án hay ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và hoãn phiên tòa chờ kết luận giám định pháp y tâm thần của cơ quan chuyên môn).
Ví dụ: Trần Văn C đã bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội Giết người, tại gia đoạn điều tra C đã được giám định pháp y tâm thần và kết luận: “Trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội C mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, đến thời điểm giám định C vẫn mắc bệnh”. C bị truy tố, xét xử về tội Giết người theo khoản 1 Điều 123 BLHS và C được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm q khoản 1 Điều 51 BLHS. Sau phiên tòa bị cáo C kháng cáo, gia đình C kêu oan đến Tòa án cho rằng C bị mắc bệnh tâm thần và cung cấp các chứng cứ như đơn thuốc, bệnh án điều trị bệnh tâm thần của C. Giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm nhận được công văn của Trại tạm giam thông báo C có những biểu hiện tái phát bệnh, có những hành vi bất thường. Qua xác minh, xác định C có biểu hiện tái phát bệnh và cần phải giám định pháp y tâm thần lại có có căn cứ xử lý tiếp. Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định trưng cầu giám định lại, khi chưa có kết luận giám định lại thì thời hạn chuẩn bị xét xử hết, trường hợp này Tòa cấp phúc thẩm xử lý như thế nào.
Trường hợp này có những quan điểm khác nhau về cách xử lý của Tòa án cấp phúc thẩm. Quan điểm thứ nhất: Khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng chưa có kết luận giám định pháp y tâm thần thì Thẩm phán vẫn phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, sau đó căn cứ Điều 352, 297 BLTTHS để hoãn phiên tòa cho đến khi có kết quả giám định, rồi căn cứ vào kết quả giám định để xử lý tiếp. Quan điểm thứ hai cho rằng: Tòa cấp phúc căn cứ vào Điều 451 BLTTHS và áp dụng pháp luật tương tự giai đoạn sơ thẩm có thể ra quyết định tạm đình vụ án, chờ kết quả giám định pháp y tâm thần đối với bị cáo để có căn cứ xử lý tiếp. Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ BLTTHS chưa quy định cụ thể việc Tòa án cấp phúc thẩm có thể tạm đình chỉ vụ án trong trường hợp chưa có kết luận pháp y tâm thần đối với bị cáo thì không có căn cứ pháp luật thực hiện tạm đình chỉ vụ án, nếu áp dụng pháp luật tương tự giai đoạn sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm quyết định tạm đình vụ án để chờ kết quả giám định pháp y tâm thần đối với bị cáo là vi phạm về thủ tục tố tụng (Khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án cấp phúc chỉ được ra 01 trong 02 quyết định đó là đình chỉ vụ án hoặc đưa vụ án ra xét xử).
Thứ tư, còn có nhận thức khác nhau cho rằng bị mắc bệnh tâm thần khi phạm tội là mắc bệnh hiểm nghèo để miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho người phạm tội và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Ví dụ: Phan Văn D phạm tội cố ý gây thương tích, kết quả giám định pháp y tâm thần xác định khi thực hiện hành vi phạm tội D mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi. Trường hợp này có 2 quan điểm xử khác nhau. Quan điểm thứ nhất: Khi thực hiện hành vi phạm tội D bị mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, như vậy khi thực hiện hành vi phạm tội tình trạng của D không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 21 BLHS), D không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội của mình. Tòa án xem đây là trường hợp bị mắc bệnh hiểm nghèo để ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với D. Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm tác giả: D phạm tội khi đang mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, tuy nhiên bệnh tâm thần không thuộc danh mục các bệnh hiểm nghèo theo quy định tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ. Vì vậy, trường hợp này Tòa án không ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho Phan Văn D mà ra quyết định đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với D.
Thứ năm, đối với các tội phạm về tham nhũng, chức vụ, người phạm tội tham nhũng với số tiền lớn, sau khi phạm tội bị cáo mắc bệnh tâm thần hoặc giả bệnh tâm thần để tẩu tán tài sản, đặt ra vấn đề thu hồi tài sản cho Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, người phạm tội mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, Cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, có thể thời gian chữa bệnh kéo dài nhiều năm, không giải quyết được vụ án, vì phải chờ kết quả chữa bệnh bắt buộc, nếu người phạm tội khỏi bệnh, sau khi có kết luận của Hội đồng giám định pháp y tâm thần đã khỏi bệnh, tùy từng giai đoạn tố tụng Viện kiểm sát hoặc Tòa án ra quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, ra quyết định phục hồi vụ án và tiến hành truy tố, xét xử (Điều 12, 13 Nghị định 64/2011/NĐ-CP ngày 28/7/2011 của Chính phủ quy định thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh). Tuy nhiên, trường hợp bị can, bị cáo không khỏi bệnh hoặc quá trình chữa bệnh bắt buộc bị can, bị cáo chết, vụ án sẽ không được giải quyết, phải đình chỉ vụ án, khó khăn thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Qua nghiên cứu quy định tại Điều 451 BLTTHS, trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc khi Tòa án áp dụng biện pháp giám định pháp y tâm thần trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, tác giả đề xuất, kiến nghị Cơ quan có thẩm quyền cần quy định rõ và hướng dẫn những vấn đề như sau:
Thứ nhất, cần quy định rõ nguồn kinh phí cho việc chi phí trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với các cơ quan tiến hành tố tụng (Viện kiểm sát, Tòa án) khi có yêu cầu.
Thứ hai, cần quy định rõ cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định, đánh giá những kết luận giám định pháp y tâm thần có kết quả giám định khác nhau, khi có căn cứ cho rằng kết luận giám định trước đó không đảm bảo khách quan, thiếu cơ sở khoa học.
Thứ ba, hướng dẫn trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với bị cáo, khi hết thời hạn chuẩn bị xét xử, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ vụ án hay ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và hoãn phiên tòa chờ kết luận giám định pháp y tâm thần của cơ quan chuyên môn.
Thứ tư, hướng dẫn cụ thể những trường hợp nào Tòa án ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tôi bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.
Thứ năm, đối với các vụ án tham nhũng, chức vụ, sau khi phạm tội bị can, bị cáo bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, tùy từng giai đoạn tố tụng, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án cần tiến hành các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của người phạm tội để đảm bảo thu hồi tài sản cho Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Viện Pháp y Tâm thần trung ương Biên Hòa tại TP Biên Hòa, Đồng Nai – Ảnh: ĐỨC TRONG/ TT
(1) Quyết định của Tòa án trong giai đoạn xét xử được quy định tại Điều 451 BLTTHS 2015 như sau:
1. Sau khi thụ lý vụ án nếu có căn cứ cho rằng bị can, bị cáo không có năng lực trách nhiệm hình sự thì Tòa án trưng cầu giám định pháp y tâm thần.
2. Căn cứ vào kết luận giám định, Tòa án có thể ra một trong những quyết định:
a. Quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh
b. Trả hồ sơ để điều tra lại hoặc điều tra bổ sung.
c. Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
d. Đưa vụ án ra xét xử.
3. Ngoài quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, Tòa án có thể giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vấn đề khác liên quan đến vụ án.
Theo tapchitoaan.vn
Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/quyet-dinh-cua-toa-an-trong-giai-doan-xet-xu-tai-dieu-451-bltths-vuong-mac-va-kien-nghi