ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH

CÔNG TY LUẬT TNHH NAM HÀ VÀ CỘNG SỰ

Vi phạm pháp luật trong kinh doanh đa cấp và một số giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa

Theo TS.MAI THỊ LỆ QUYÊN (Học viện Cảnh sát nhân dân – Bộ Công an) – Có mặt tại Việt Nam vào khoảng năm 1998 đến nay, thị trường bán hàng đa cấp trải qua nhiều biến động, trong đó có tình trạng nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp trục lợi bất chính, lừa đảo người tham gia bán hàng đa cấp; gây mất an toàn trật tự xã hội, cần phải ngăn chặn có hiệu quả hơn nữa.

1.Khái quát về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp ở Việt Nam

Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp là một loại hình kinh doanh được hình thành và phát triển từ lâu trên thế giới, ra đời ở Mỹ từ những năm 40 của thế kỷ XX. Đây là một hình thức bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua mạng lưới các nhà phân phối gồm nhiều tầng, nhiều nhánh.

Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thâm nhập vào Việt Nam từ khoảng năm 1998. Kể từ khi Luật Cạnh tranh ra đời tại Việt Nam vào cuối năm 2004 và Nghị định 110/NĐ-CP được ban hành vào ngày 24/8/2005, Nhà nước chính thức thừa nhận hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp là mô hình kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), tính đến hết năm 2021, trên thị trường có 22 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp hoạt động hợp pháp, tập trung chủ yếu tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, với hơn 800 nghìn người tham gia, kinh doanh hơn 7.000 mặt hàng, đạt doanh thu hơn 15 nghìn tỷ đồng, nộp về ngân sách nhà nước đạt hơn 1.800 tỷ đồng tiền thuế. Bên cạnh những mặt tích cực như mang lại lợi ích cho người tham gia và các doanh nghiệp, nguồn thu ngân sách Nhà nước; trong thời gian qua, hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp xuất hiện những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định môi trường kinh doanh, cũng như thiệt hại nặng về kinh tế cho người tham gia; gây bức xúc trong dư luận xã hội; gây bất ổn đến tình hình an ninh trật tự.

Dưới góc độ công tác Công an, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp được xem xét dưới hai góc độ: trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính. Về trách nhiệm hình sự, được thực hiện theo quy định tại Điều 217a Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp” và Điều 290 quy định về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Về trách nhiệm hành chính, được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 141/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; Nghị định số 75/2019/NĐ-CP quy định chi tiết luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác; Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Một số thủ đoạn vi phạm pháp luật trong kinh doanh đa cấp

2.1.Lợi dụng sự thiếu hiểu biết, lòng tham của người tham gia để lôi kéo vào động bán hàng đa cấp, nhằm chiếm đoạt tài sản

Trong thời gian qua, các hoạt động bán hàng đa cấp phát triển, lan rộng cả về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi người dân thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, tiềm ẩn nhiều phức tạp, vi phạm pháp luật, nhất là bị lợi dụng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng thường tổ chức hội thảo, quay phim, chụp ảnh, tổ chức sự kiện, mời những người có địa vị xã hội đến dự và vinh danh những người đã thành công nhờ tham gia bán hàng đa cấp; tuyên truyền hoạt động bán hàng đa cấp là cách làm giàu đơn giản, người tham gia bán hàng đa cấp khi đạt một cấp độ nào đó sẽ nghỉ hưu sớm và hương lương; quảng cáo, thổi phồng sự thật về chất lượng sản phẩm, dịch vụ khiến người dân mua một sản phẩm với giá cao mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, sau đó giới thiệu người khác mua, và người mới được giới thiệu tiếp tục giới thiệu người tiếp theo;                   yêu cầu người tham gia phải đặt cọc hoặc mua bộ sản phẩm theo giá của công ty đặt ra… mặc dù các pháp luật đã nghiêm cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện các hành vi trên.

2.2.Huy động tài chính thông qua hình thức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia đầu tư tiền vào các dự án lớn, có khả năng mang lại lợi nhuận cao nhưng không có thật

Nhiều cá nhân sử dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính thông qua hình thức lôi kéo, dụ dỗ người tham gia góp vốn đầu tư vào các dự án bất động sản, nhà hàng, khách sạn, thai khác khoáng sản… với tỷ lệ chia hoa hồng cao. Tuy nhiên, những dự án đó không có thật; nhiều trường hợp, các dự án này chỉ là vỏ bọc để che đậy hoạt động huy động tiền, bản chất của hoạt động này vẫn là lấy tiền của người vào mạng lưới sau trả cho người vào mạng lưới trước.

Ví dụ: Vụ Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Nguyễn Thái Lĩnh (em ruột Luyện), Tổng giám đốc Công ty Alibaba và các công ty thành viên, quy mô hơn 2.600 nhân viên; đã thu gom mua khoảng hơn 600 ha đất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… sau đó giao cho các cá nhân (là người thân) đứng tên, tự vẽ ra hơn 40 “dự án” đất nền (đất ở) không có thật để bán cho hơn 6.700 khách hàng, thu hơn 2.500 tỉ đồng. Thực chất, đây là thủ đoạn lừa đảo theo mô hình đa cấp hết sức tinh vi; điển hình của tình trạng phân lô bán nền với “dự án ma”, núp bóng hoạt động kinh doanh bất động sản để bán hàng đa cấp, lấy tiền người sau trả lãi cho người trước. Ngày 19/12/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Tp Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba, đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện (35 tuổi, ngụ Gia Lai), Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba và 22 đồng phạm.

2.3.Kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp phép của cơ quan chức năng

Thủ đoạn chính của các đối tượng là đánh vào tâm lý đám đông, lòng tham, sự nhẹ dạ, cả tin của những người tham gia, bắt người mới tham gia phải nộp tiền ký quỹ, lệ phí; giới thiệu các thành viên làm giàu nhanh khi tham gia mạng lưới với thu nhập từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng/tháng; càng lôi kéo nhiều người tham gia, thành viên càng có nhiều tiền hoa hồng, lên đến 60-70% doanh số. Đây chính là mô hình tháp ảo, trong đó người khởi xướng hệ thống bán hàng đa cấp nằm ở đỉnh tháp, lợi dụng và bóc lột các thành viên khác ở đáy tháp. Do đó, trong một thời gian ngắn có thể huy động được số tiền rất lớn, lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Điển hình như năm 2020, trên cơ sở phối hợp và trao đổi thông tin, tài liệu với Bộ Công Thương, Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến hoạt động Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Đầu tư Thời gian vàng (Goldtime) với tội danh “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 290 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các đối tượng đã yêu cầu người tham gia bỏ một số tiền đặt cọc dưới hình thức mua phân quyền kinh doanh; tuy nhiên, thực chất công ty này không có bất cứ hoạt động sản xuất, kinh doanh nào; lôi kéo tới 360 nghìn người tham gia với số tiền bị chiếm đoạt khoảng 900 tỷ đồng.

2.4.Huy động tài chính qua tiền ảo, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet

Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã đưa ra rất nhiều cảnh báo công khai về các trường hợp có dấu hiệu hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng để người dân biết và phòng tránh liên quan đến các đối tượng như Greenleaf, Dự án Hoàng Gia, Vital4u, FutureNet, Vision, Owifi, Riway… các trang thương mại điện tử có dấu hiệu kinh doanh đa cấp không phép như: một số ứng dụng mua sắm hoàn tiền biến tướng (MyAladdinz, Silling, BBI, bigbuy 24…), các website bán khóa học online, website huy động đầu tư cổ phần (Onelinknetwork; ChiliMall; Vitae; Crowd1; Tcapital; Winvest…). Các đối tượng sử dụng thủ đoạn xây dựng, quản trị và điều hành các sàn giao dịch vàng, ngoại tệ không được cấp phép của Nhà nước để lôi kéo người chơi nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản; huy động tài chính qua tiền ảo với hai hình thức chính là: “Cho và nhận” và “cố phiếu lãi tĩnh” thông qua đầu tư đồng Bicoin, Yocoin, Bitkingdom, Onecoin, ilcoin… hoặc thành lập các nhóm “làm giàu”, “kiếm tiền đầu tư”, sàn thương mại điện tử, khóa học online, huy động vốn trái phép trả thưởng theo mô hình đa cấp biến tướng. Những dạng thức này chỉ hoạt động trong thời gian ngắn, sau đó tự động giải thể, bỏ trốn sau khi đã chiếm được một khoản tiền lớn từ các nhà đầu tư; có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, gây rủi ro lớn cho các tổ chức, cá nhân tham gia, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ về các loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm rửa tiền …

Ví dụ: Ngày 14/5/2021, Công an Tp Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thái (SN 1985), Vũ Đình Hùng (SN 1983) và Phạm Mạnh Hùng (SN 1985) liên quan 4 sàn giao dịch vàng, tiền ảo về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an Tp Hà Nội đã xác lập chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên sàn giao dịch vàng, ngoại hối trái phép Rforex; qua đó xác định các đối tượng trên đã tổ chức xây dựng, quản trị và điều hành các sàn giao dịch vàng ảo, ngoại tệ trái phép Rforex.com kết nối với ứng dụng MT5 (Meta Trader 5) dưới vỏ bọc pháp nhân Công ty Rforex Ltd tại Anh để lôi kéo người chơi, can thiệp vào hệ thống xử lý lệnh giao dịch nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Trước khi bị cơ quan công an phát hiện, nhóm đối tượng này đã tạo lập được 4 sàn giao dịch forex (Rforex, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss) và nhiều website khác có giao diện giống sàn forex. Các sàn có hơn 12.000 tài khoản khách hàng ở nhiều quốc gia, tổng số tiền nhà đầu tư đã nộp là 4,3 triệu USD.

Tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp như trên bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ yếu như: Lợi nhuận cao do hoạt động bán hành đa cấp bất chính đem lại thúc đẩy các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội; hoạt động bán hàng đa cấp có tính chất phức tạp, khó kiểm soát, nguy cơ trục lợi cao, hành vi vi phạm của doanh nghiệp ngày càng nhiều và rất tinh vi trong khi một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, ham lợi nhuận khi tham gia hoạt động bán hàng đa cấp; các cơ quan quản lý nhà nước chưa phát huy hết vai trò trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực còn sơ hở, thiếu sót, chưa chặt chẽ.

Trong những năm qua, các lực lượng nghiệp vụ trong Công an nhân dân như An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu… đã thực hiện hàng loạt các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm minh, qua đó đã góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Đặc biệt, sau khi lực lượng Công an liên tiếp phát hiện, triệt phá nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hoạt động bán hàng đa cấp với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, đã góp phần đưa hoạt động kinh doanh đa cấp và công tác quản lý theo hướng chặt chẽ hơn, không còn tình trạng phát triển nóng, số lượng doanh nghiệp và người tham gia giảm mạnh; hoạt động bán hàng đa cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đến việc xây dựng và thực thi pháp luật của cơ quan quản lý Nhà nước. Hiện nay hoạt động bán hàng đa cấp về cơ bản đã được chấn chỉnh, số lượng vụ việc vi phạm và những vấn đề phát sinh từ bán hàng đa cấp đã giảm, không còn nhiều trường hợp nghiêm trọng như những năm trước.

3. Một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của lực lượng Công an nhân dân

Trong thời gian tới, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp tiếp tục có xu hướng gia tăng, chủ yếu do lợi nhuận từ hoạt động bán hàng đa cấp mang lại rất lớn. Trước tình hình trên, để góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh, trên cở sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, các đơn vị nghiệp vụ trong Công an nhân dân cần chú trọng một số mặt công tác sau:

Một là: Tham mưu các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

Ngày 05/11/2020, Bộ Công Thương ra Quyết định 2837/QĐ-BCT về việc ban hành Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp giai đoạn năm 2021-2025. Trên tinh thần của đề án, với tư cách là lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp,  Bộ Công an, trực tiếp là lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu là cơ quan phối hợp với cơ quan chủ trì (Bộ Công thương). Do đó, từ kết quả công tác thực tiễn, hai lực lượng trực tiếp trên cần thường xuyên rà soát, đánh giá, phát hiện, tổng hợp những nội dung chồng chéo, bất cập tại các quy định pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để kiến nghị cấp có thẩm quyền hoàn thiện quy định pháp luật, sửa đổi, bổ sung các chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Hiện nay, liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên phương diện trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định, và sửa đổi, bổ sung tương đối hoàn thiện; tội danh, hình thức và mức xử phạt đã tương đối kịp thời, chính xác, mở rộng và nâng cao hơn trước đây. Tuy nhiên, Bộ Công an cần tham mưu các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi để hệ thống pháp luật hành chính, hình sự điều chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng hoàn thiện hơn, cụ thể:

– Đối với trách nhiệm hình sự:

Mức hình phạt quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội “Vi phạm bán hàng đa cấp” là chưa tương xứng so với hậu quả tác động của hành vi. Khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù, là nhẹ hơn rất nhiều so với với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, với khung hình phạt lên đến 20 năm và chung thân được áp dụng trước đây. Như vậy sẽ tạo kẽ hở để đối tượng không bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản”. Do đó, cần được sửa đổi theo hướng: Tăng mức phạt đối với việc tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp  hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Nâng mức phạt của các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 217a, từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng lên mức từ 3 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng; nâng mức phạt tù từ 1 năm đến 05 năm lên 3 năm đến 10 năm với các vi phạm tại khoản 2 Điều 217a; đảm bảo tính răn đe và tương xứng với hành vi phạm tội.

Đối với trách nhiệm hành chính:

Hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi bán hàng đa cấp bất chính vẫn còn khá thấp, chưa đủ tính răn đe; cần phải nâng mức xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân có hành vi bán hàng đa cấp bất chính như sau, để thể hiện tính răn đe của pháp luật. Đối với tổ chức có hành vi bán hàng đa cấp bất chính, nên sửa đổi mức phạt theo hướng quy định mức tối đa “phạt tiền đến 02 tỷ đồng” có để phù hợp với khoản 1 Điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, thay vì phạt cao nhất là 100 triệu như hiện nay (Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý kinh doanh theo hoạt động đa cấp). Đối với cá nhân có hành vi bán hàng đa cấp bất chính, nên nâng mức phạt cao nhất lên 100 triệu đồng thay vì phạt cao nhất là 50 triệu đồng như hiện nay. Bản chất của cá nhân thực hiện hành vi bán hàng đa cấp  bất chính là mang tính gian dối, đi ngược lại với chuẩn mực đạo đức bán hàng. Vì vậy, việc nâng mức phạt tối đa đối với cá nhân lên 100 triệu đồng là phù hợp với vi phạm.

Hai là: Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp phù hợp với từng nhóm đối tượng

Thực tế cho thấy, một trong những biện pháp hiệu quả là tuyên truyền để trang bị kiến thức pháp luật và cảnh báo tội phạm, giúp người dân nhận biết từ đó chủ động phòng ngừa tội phạm, tránh được những sơ hở, hay những việc làm chứa đựng nguy cơ, rủi ro; hoặc tự đẩy mình vào tình huống nguy hiểm, bị tội phạm lợi dụng; hoặc nhận thức được hành vi phạm tội để từ bỏ hoặc chấm dứt hành vi phạm tội. Ngoài ra, người dân còn có thể chủ động tố giác tội phạm, cung cấp thông tin có liên quan đến tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp cho các cơ quan chức năng.

Nội dung và hình thức tuyên truyền cần căn cứ vào đối tượng tuyên truyền, gồm hai nhóm chủ yếu là:

– Tuyên truyền đối với các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp: cần tuyên truyền giúp doanh nghiệp nhận thức được tính minh bạch, công khai phương thức bán hàng đa cấp của doanh nghiệp cần là tiêu chí thiết yếu hàng đầu. Các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp phải tự tôn trọng mình bằng việc thực thi theo đúng khuôn khổ pháp luật và bảo đảm quyền lợi khách hàng; nắm bắt và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp nên có các chương trình đào tạo, huấn luyện về kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa doanh nghiệp và những chế tài xử phạt nghiêm minh khi vi phạm; đôn đốc kiểm tra để tránh tình trạng một số nhà phân phối vì chạy theo lợi nhuận mà công bố sai sự thật về công dụng sản phẩm, chính sách hoa hồng… dẫn tới lừa dối người tiêu dùng và ngay cả các nhà phân phối tuyến dưới của mình gây nên những bất bình trong xã hội, làm ảnh hưởng tới hình ảnh hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp .

– Tuyên truyền đối với quần chúng nhân dân

Tuyên truyền đối với quần chúng nhân dân nhằm trang bị kiến thức pháp luật và cảnh báo tội phạm, giúp người dân có kiến thức để nhận biết và chủ động phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp. Nội dung tuyên truyền cần chú trọng về những dấu hiệu nhận biết thủ đoạn vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, nhận biết các hình thức kêu gọi đầu tư, giao dịch mua bán, góp vốn… được quảng cáo mang lại siêu lợi nhuận; tỉnh táo trước mọi cám dỗ, không hám lợi, không ham làm giàu một cách nhanh chóng. Hướng dẫn người dân các kỹ năng thiết yếu để hiểu đúng về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, phân biệt các hoạt động bán hàng đa cấp hợp pháp và bán hàng đa cấp trái pháp luật. Ví dụ như trước khi tham gia vào mạng lưới đa cấp phải kiểm tra kĩ thông tin về doanh nghiệp mà mình định tham gia, có được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hay không, có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử lý trong quá trình bán hàng đa cấp trước đó hay chưa, nắm được thông tin về loại sản phẩm, hàng hóa không được phép kinh doanh. Tăng cường cảnh báo về các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; trách nhiệm, rủi ro pháp lý của các cá nhân khi lôi kéo, dụ dỗ người thân tham gia các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính; nhằm hạn chế nguy cơ người dân tham gia vào các hệ thống này.

Để thực hiện tuyên truyền, có thể tổ chức phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông như các báo điện tử, báo giấy, báo hình, kênh truyền thông như VTV, VOV, tổ chức tọa đàm trực tuyến để cung cấp đến người dân những thay đổi liên quan đến công tác quản lý và môi trường pháp lý trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Phối hợp xây dựng video clip nhận diện hoạt động bán hàng đa cấp bất chính dành cho đối tượng người tham gia bán hàng đa cấp và video clip phổ biến kiến thức pháp luật dành cho đối tượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Phối hợp tăng cường phát hành các bản tin pháp luật đưa tin về những trường hợp tổ chức, cá nhân bị xử lý do vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; qua đó nâng cao tính giáo dục, răn đe.

Ba là: Phát huy hiệu quả công tác nắm tình hình, phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

Các đơn vị nghiệp vụ có liên quan cần không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ cơ bản, coi đây là khâu đột phá phục vụ tốt cho công tác nắm tình hình, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm; trong đó có tội phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Công tác tố tụng và trinh sát phải hoà quyện đảm bảo thống nhất, xuyên suốt vụ án. Cán bộ chiến sỹ là trinh sát phải biết, giỏi tố tụng và ngược lại để đảm bảo việc xác minh, điều tra có định hướng ngay từ đầu, tránh sót lọt, lộ lọt thông tin.

Thực hiện tốt công tác nắm vững tình hình hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, sớm phát hiện những biểu hiện, dấu hiệu vi phạm phạm pháp luật; thực hiện phương châm “không có doanh nghiệp nào ra kinh doanh mà không kiểm soát được, không có hàng hoá nào sản xuất và kinh doanh trên địa bàn mà không biết, ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm ngay từ khi mới hình thành…”. Đồng thời, qua đó phát hiện những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để tham mưu cho các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục, phòng ngừa.

Xây dựng, triển khai các Chuyên đề đấu tranh với các hoạt bán hàng đa cấp bất chính để tổ chức triển khai trong toàn lực lượng. Tiếp nhận, xử lý các tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp bất chính; khởi tố, điều tra tội phạm và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật; kịp thời xử lý đơn, thư, nội dung phản ánh của cá nhân, tổ chức về các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Bốn là: Tổ chức hiệu quả mối quan hệ phối hợp với các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp

Tổ chức phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước như lực lượng Quản lý thị trường (Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng), Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm)… tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời trường hợp hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trên từng địa bàn; phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; phối hợp tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, các hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp tổ chức tại địa phương nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của doanh nghiệp, người tham gia bán hàng đa cấp tại địa bàn quản lý… ; từ đó góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Trên cơ sở Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Công thương, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng có liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp theo cơ chế ngang cấp. Quy chế phối hợp cần có sự phân công, phân cấp rõ vai trò, trách nhiệm của từng lực lượng nhằm phát huy được mặt mạnh của các biện pháp nghiệp vụ do từng lực lượng áp dụng. Các lực lượng khi tham gia phối hợp cần lập kế hoạch chi tiết, cụ thể; thường xuyên, chủ động tiến hành hoạt động giao ban định kỳ giữa các lực lượng; kiểm tra, rà soát toàn bộ các địa bàn, lĩnh vực cần tổ chức quan hệ phối hợp, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp. Tổ chức sơ kết định kỳ theo quý, năm; từ đó tiếp tục triển khai những mặt tích cực đã đạt được và trao đổi tìm ra biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai quy chế phối hợp, góp phần quản lý và lành mạnh hóa hoạt động bán hàng đa cấp trong thời gian tới.

Năm là: Nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ chiến sỹ các lực lượng trong Công an nhân dân khi thực hiện phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp                                                                                                                                                                                                                       Các đơn vị nghiệp vụ trong Công an nhân dân, trực tiếp là lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cần đảm bảo về tất cả các mặt có liên quan, từ tổ chức, biên chế lực lượng, trình độ, năng lực đến phẩm chất đối với đội ngũ cán bộ, chiến sỹ.

Nâng cao nhận thức, trình độ năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ chiến sỹ  thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề chuyên sâu, hội thảo, chuyên đề, tọa đàm khoa học, các hội nghị cụm địa bàn các đơn vị, địa phương, hội nghị tổng kết có sự tham gia của đại diện các lực lượng chức năng cùng đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam, Hiệp hội người tiêu dùng… Qua đó, cập nhật, trao đổi thông tin về các quy định có liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, các thủ đoạn vi phạm pháp luật, những kinh nghiệm của các lực lượng chức năng trong công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để mỗi cán bộ có điều kiện học tập, nâng cao trình độ và năng lực công tác.

TAND Tp Hà Nội xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kinh doanh đa cấp xảy ra tại Thăng Long Group với rất nhiều bị hại – Ảnh:  Anh Khôi

Nguồn bài viết: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/vi-pham-phap-luat-trong-hoat-dong-kinh-doanh-theo-phuong-thuc-da-cap-va-mot-so-giai-phap-gop-phan-nang-cao-hieu-qua-dau-tranh-phong-ngua6487.html

Chia sẻ:

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on pinterest
Pinterest
Share on linkedin
LinkedIn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Social Media

Bài viết mới

Danh Mục