Sửa Luật Đất đai: Kỳ vọng từ Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII

Theo (PLO)- Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII khai mạc sáng nay tại Hà Nội, với nội dung được kỳ vọng nhiều là định hướng lớn về chính sách đất đai.

Thực hiện chương trình làm việc toàn khóa, hôm nay (4-5), Ban chấp hành (BCH) Trung ương khóa XIII mở Hội nghị lần thứ năm với nghị trình dự kiến tập trung vào tổng kết ba nghị quyết lớn của Đảng: (i) 10 năm Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; (ii) 15 năm Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; (iii) 20 năm Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Trong các nội dung nêu trên, phần về chính sách đất đai lẽ ra phải hoàn tất từ Hội nghị Trung ương 4, tháng 10-2021. Nhưng vì những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra mà công tác tổng kết, xây dựng đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì không thể triển khai kịp. Bộ Chính trị đã báo cáo và được Trung ương đồng ý cho lùi sang Hội nghị Trung ương 5 lần này. Đây cũng là lý do khiến Chính phủ đề nghị Quốc hội cho lùi thời điểm trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi), không phải tại kỳ họp Quốc hội trong tháng 5 này, như kế hoạch ban đầu.

Sửa Luật Đất đai: Kỳ vọng từ Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII ảnh 1

Hội nghị Trung ương 4 diễn ra hồi tháng 10-2021. Ảnh: TTXVN

Cơ sở chính trị của Luật Đất đai 2013

10 năm trước, Hội nghị Trung ương 6 khóa XI thảo luận, ban hành Nghị quyết 19-NQ/TW về “tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Nghị quyết 19 này là cơ sở chính trị để QH ban hành Luật Đất đai 2013, một trong những nền tảng pháp lý quan trọng cho sự phát triển kinh tế – xã hội những năm sau đó.

Tổng kết công tác thể chế hóa Nghị quyết 19 cho thấy đã có 137 luật, nghị định có nội dung liên quan đến đất đai được ban hành ở các thời điểm khác nhau để điều chỉnh nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Vấn đề là chất lượng thể chế hóa vẫn còn nhiều hạn chế. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có phần chưa thống nhất, xuất hiện những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và cả kẽ hở pháp lý.

Từ nghị quyết đến cuộc sống, thế nào là phù hợp với thị trường thì quá trình tổ chức thực hiện, mô tả nội hàm chính sách tài chính đất đai vẫn còn nhiều vướng mắc.

Giá nào do Nhà nước quy định, giá nào thị trường quyết?

Qua thực tiễn cho thấy cần tiếp tục nhận thức về vai trò, vị trí của Luật Đất đai, khẳng định rõ hơn đây là đạo luật “gốc”. Qua đó cân nhắc kỹ thuật lập pháp để sửa đổi các quy định ở các văn bản pháp luật khác chưa phù hợp, chuyển các quy định liên quan đến đất đai về Luật Đất đai.

Một vấn đề tiếp tục nổi lên trong 10 năm qua là giá đất, được nhắc tới 21 lần trong Nghị quyết 19, trong đó nhấn mạnh “giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”.

Nhưng từ nghị quyết đến cuộc sống, thế nào là phù hợp với thị trường thì quá trình tổ chức thực hiện, mô tả nội hàm chính sách tài chính đất đai vẫn còn nhiều vướng mắc. Bản thân Nghị quyết 19 chưa có quan điểm rõ ràng về hai thị trường: Thị trường sơ cấp – Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân bằng việc giao, cho thuê đất biến tài nguyên đất thành hàng hóa; thị trường thứ cấp là nơi quyền sử dụng với tính chất là một loại tài sản, hàng hóa đặc biệt phải được vận hành theo nguyên tắc thị trường.

Vậy nên kỳ vọng Hội nghị Trung ương 5 lần này sẽ làm rõ được các yếu tố thị trường ấy, bóc tách phần nào là thị trường, phần nào không thị trường cùng các điều kiện đảm bảo vận hành suôn sẻ, có tính khả thi cao.

Kỳ vọng về hệ thống thông tin, dữ liệu về đất đai

Nghị quyết 19 xác định Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Vấn đề cần tiếp tục làm rõ là quy hoạch đất đai nằm ở vị trí nào của hàng loạt quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng? Giữa Luật Đất đai với Luật Quy hoạch có gì đó chưa ổn mà liên tục từ khi Luật Quy hoạch được ban hành tới nay đã phải có những điều chỉnh, sửa đổi? Nên chăng cần coi quy hoạch đất đai là quy hoạch tổng thể, quy hoạch tích hợp, là cơ sở để hoạch định các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội khác? Coi quy hoạch đất đai là biểu hiện của quan điểm phát triển kinh tế hài hòa với tự nhiên, trong đó có tài nguyên đất?

Yêu cầu đặt ra với Hội nghị Trung ương 5 lần này là nhận thức rõ hơn về nhiệm vụ cải cách hành chính, hiện đại hóa, kiện toàn tổ chức quản lý nhà nước về đất đai. Trong đó, đặt trọng tâm vào xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu đất đai quốc gia thống nhất, tập trung.

Những năm qua, việc phân cấp về thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đất đai đã góp phần tạo động lực phát triển cho các địa phương. Tuy nhiên, chúng ta lại thiếu các công cụ hiệu quả để thống nhất quản lý đất đai trên cả nước, dẫn tới phân cấp mạnh cho địa phương nhưng qua kiểm soát, trung ương lại chưa kịp thời phát hiện sai phạm.

Vậy nên một hệ thống thông tin, dữ liệu, đăng ký bắt buộc về đất đai là đặc biệt cần thiết để giám sát hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Địa phương đăng ký gì, bất cứ thửa đất nào, có thay đổi, biến động gì đều phải đăng ký và hiển thị tập trung trên hệ thống thông tin dữ liệu đất đai quốc gia. Lúc đó chúng ta mới có được một thị trường minh bạch, phân cấp về quản lý đất đai mới phát huy hiệu quả đúng đắn của nó.

Theo Nghĩa Nhân 

Nguồn bài viết: https://plo.vn/sua-luat-dat-dai-ky-vong-tu-hoi-nghi-trung-uong-5-khoa-xiii-post678472.html

Tin liên quan:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ĐẶT LỊCH TƯ VẤN